GS. Hồ Ngọc Đại nói gì sau khi Thủ tướng yêu cầu rà soát việc thẩm định sách giáo khoa và “Chương trình thực nghiệm“?

VietTimes -- Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc liên quan đến ý kiến của PGS.TS. Nguyễn Kế Hào – nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học, Bộ GD&ĐT, về kết quả thẩm định các bản mẫu sách giáo khoa môn Tiếng Việt lớp 1, Toán lớp 1 do GS. Hồ Ngọc Đại chủ biên. 
GS. Hồ Ngọc Đại
GS. Hồ Ngọc Đại

Theo đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ GD&ĐT phải nghiên cứu kỹ ý kiến của GS. Hồ Ngọc Đại và PGS. TS. Nguyễn Kế Hào cùng ý kiến của các chuyên gia, dư luận về "Chương trình thực nghiệm"; chỉ đạo, rà soát lại việc thẩm định sách giáo khoa nói chung, đánh giá lại "Chương trình thực nghiệm" và tổ chức đối thoại, tiếp thu trên tinh thần cầu thị, xây dựng, đúng pháp luật. 

Văn bản truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc gửi Bộ trưởng Bộ GD&ĐT
Văn bản truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc gửi Bộ trưởng Bộ GD&ĐT

Ngay sau khi Thủ tướng có văn bản chỉ đạo Bộ GD&ĐT rà soát lại "Chương trình thực nghiệm", chia sẻ với PV VietTimes, GS. Hồ Ngọc Đại cho biết: "Tôi có biết thông tin Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng Bộ GD&ĐT rà soát lại việc thẩm định sách giáo khoa và đánh giá lại Chương trình thực nghiệm.

Đến thời điểm hiện tại, bộ sách của tôi đã chỉnh sửa xong và hoàn thiện. Sách giáo khoa công nghệ giáo dục có điểm đặc biệt đó là đi thẳng vào bản chất của vấn đề - các khái niệm đương thời, hiện đại. Từ năm 2018, môn Tiếng Việt thực nghiệm trở thành môn Tiếng Việt lớp 1 - chương trình thực nghiệm qua 2 lần thẩm định đã trở thành chương trình chính thức."

Theo PGS.TS. Nguyễn Kế Hào, bộ sách giáo khoa công nghệ giáo dục của GS. Hồ Ngọc Đại là một thành tựu của giáo dục. Từ năm 1978 đến cuối những năm 1980, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã mở rộng chương trình thực nghiệm với bộ sách của GS. Hồ Ngọc Đại. Đến năm 1990, Hội đồng Nhà nước nghiệm thu, đánh giá tốt và đề nghị cho triển khai sách giáo khoa công nghệ giáo dục ở những địa phương có điều kiện như một phương án để phát triển giáo dục.

PGS. TS. Nguyễn Kế Hào
PGS. TS. Nguyễn Kế Hào

"Khi còn là Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học, tôi đã giúp Bộ trưởng quản lý và sử dụng cả 4 bộ sách nêu trên và đạt được mục tiêu phổ cập giáo dục tiểu học, xóa mù chữ vào năm 2000. Đây là một thành tựu đáng tự hào của ngành giáo dục." - PGS. TS. Nguyễn Kế Hào nói. 

Trước đó, theo thông tin từ Bộ GD&ĐT, qua 2 vòng thẩm định đã có 38/49 bản thảo sách giáo khoa của các nhà xuất bản gửi đến được đánh giá đạt yêu cầu và đáp ứng đủ 9 môn học, 11 bản thảo sách đã bị loại. Trong số các bản thảo bị loại có 3 bản mẫu sách giáo khoa lớp 1 - Công nghệ giáo dục của GS. Hồ Ngọc Đại gồm sách Đạo đức, Toán và Tiếng Việt.