GS Hồ Ngọc Đại mang triết lý "Trẻ em hiện đại tự sinh ra chính mình" vào sách mới ra mắt

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Cuốn sách "Giáo dục hiện đại" của GS. Hồ Ngọc Đại do Anbooks phát hành là những đúc kết, tinh lọc từ triết lý giáo dục tự học, tự vận động và qua bề dày thực tiễn của trường thực nghiệm trong 45 năm qua.  

GS Hồ Ngọc Đại mang triết lý "Trẻ em hiện đại tự sinh ra chính mình" vào sách mới ra mắt

Cuốn sách "Giáo dục hiện đại" được phát hành vào thời điểm bộ sách Công nghệ giáo dục và Trường Thực nghiệm - 'đứa con tinh thần của GS Hồ Ngọc Đại - kỷ niệm tuổi 45.

Chừng ấy thời gian đã biến mái đầu của giáo sư từ đen sang bạc trắng, đưa những đứa trẻ trong mái trường Thực nghiệm ngày nào trở thành những giáo sư, bác sĩ, nhà giáo... tỏa đi khắp mọi miền đất nước.

Trong cuốn sách mới nhất của mình, GS Hồ Ngọc Đại xuất phát từ lịch sử và triết học với các cặp phạm trù đối lập như cái mới/cái cũ, trực tiếp/gián tiếp, kế thừa/phát triển... để dẫn dắt đến triết lý thời đại, rồi tiếp tục đến triết lý giáo dục, trong đó đối tượng trung tâm là trẻ em/học sinh.

Giáo sư khẳng định "trẻ em hiện đại tự sinh ra chính mình" để lý giải cho phương pháp giáo dục mà mình đã áp dụng trong Trường Thực nghiệm suốt 45 năm qua.

vt_sach giao duc hien dai.jpg

Ông nói rằng con người là một thực thể tinh thần, cơ thể người là vật chứa tinh thần. Một đứa trẻ sinh ra thể xác là của cha mẹ ban tặng, còn tinh thần và cuộc sống là do chính đứa trẻ tạo nên. "Để trưởng thành, trẻ em phải tự ăn. Để phát triển, trẻ em phải tự học", ông nói.

"Nền giáo dục hiện đại có triết lý của mình: trẻ em hiện đại tự sinh ra chính mình, tự trở thành chính mình, thành một cá nhân duy nhất, có một không hai trên hành tinh này"; "Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục là đổi mới tận nguyên lý triết học của nghiệp vụ sư phạm", là những lời tâm huyết của tác giả Hồ Ngọc Đại trong cuốn sách.

Có thể những triết lý về giáo dục trong cuốn sách này không mới đối với nhiều người, nhưng đúng như những gì bà Ngô Phương Thảo - người sáng lập Anbooks, đơn vị phát hành cuốn sách này - đã viết trong lời đề dẫn cuốn sách: "Cá nhân hóa và phát triển toàn diện cũng không mới. Trao quyền cho trẻ tự học cũng không mới. Thầy cô và cha mẹ lùi lại để trẻ lớn lên cũng không mới. Nhưng thật lạ. Cuốn sách này vẫn mới: sâu sắc, căn cơ, tường minh, dẫn dắt". Bà Thảo đã đem tinh thần và triết lý Hồ Ngọc Đại để chăm sóc và hỗ trợ con mình phát triển, như bà chia sẻ.

vt_ngo phuong thao.jpg
Bà Ngô Phương Thảo, nhà sáng lập Anbooks - đơn vị phát hành cuốn "Giáo dục hiện đại"

Nhận xét về nội dung cuốn sách của giáo sư Hồ Ngọc Đại, một biên tập viên của Nhà xuất bản Giáo dục nói rằng sách của Hồ Ngọc Đại khá khó đọc, nhưng khi đọc kỹ thì lại rất thấm thía từng triết lý, lập luận mà ông thể hiện qua những con chữ.

Trong buổi giao lưu với những người yêu mến ông diễn ra vào ngày cuối tuần, 16/9, tại Hà Nội, GS Hồ Ngọc Đại chia sẻ rằng ông đã mất đến 2 năm chỉ để nghiên cứu cách dạy phép nhân cho học sinh tiểu học. "Trong quá trình học ở Liên Xô, giáo sư của tôi yêu cầu nghiên cứu dạy phương pháp dạy phép nhân cho học sinh tiểu học. Tôi đã phải tìm hiểu nhiều tài liệu, gặp giáo sư toán học hàng đầu thế giới lúc bấy giờ. Tôi tự nhủ: dạy phép nhân cho học sinh tiểu học thôi mà phải phức tạp như vậy sao? Tôi đã mất hai năm nghiên cứu, thực nghiệm cho đề tài này", ông kể lại.

GS Hồ Ngọc Đại đã dành cả đời để theo đuổi phương pháp Công nghệ giáo dục, mà phương pháp của ông không phải ai cũng thấu hiểu, cũng khen ngợi. Cho đến nay, vẫn có một nửa giới khoa học dành những lời khen tặng cho GS Hồ Ngọc Đại, nhưng cũng có không ít người chê phương pháp của ông.

vt_ho ngoc dai 2.jpg

Nhưng chúng ta hãy nhìn GS Hồ Ngọc Đại ở góc độ mà nhà báo Lê Thọ Bình đã từng chia sẻ: "Nếu chọn một trí thức ở Hà Nội thì nên chọn GS Hồ Ngọc Đại, bởi GS là một trong rất ít nhà tri thức có tư tưởng, nhà khoa học có triết lý riêng của mình. Cả cuộc đời ông đi xây dựng triết lý ấy và cống hiến cho triết lý ấy. Đó chính là Công nghệ giáo dục mà người Hà Nội quen gọi là Công nghệ Hồ Ngọc Đại".

Quá trình đưa ông Hồ Ngọc Đại đến với Công nghệ giáo dục

GS Hồ Ngọc Đại sinh năm 1936 tại xã Triệu Long, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Năm 9 tuổi, ông được chứng kiến sự kiện trọng đại trong lịch sử dân tộc - Cách mạng tháng 8 năm 1945 và Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc tuyên ngôn độc lập tại Quảng trường Ba Đình ngày 2 tháng 9.

Đến năm 1950, ông Hồ Ngọc Đại học lớp 6 theo cải cách giáo dục đầu tiên của nước ta, chuyển hệ thống giáo dục phổ thông, phân ban tú tài sang chương trình giáo dục 9 năm. Năm 1951, ông được chọn cử sang Quảng Tây (Trung Quốc) học ở Khu học xá Trung ương đặt nhờ bên nước bạn.

Năm 1955, vừa tốt nghiệp chương trình học ở Khu Học xá Trung ương về nước, ông Hồ Ngọc Đại đã xung phong về dạy học ở Sơn La, không quản ngại vất vả, thiếu thốn nơi vùng sâu, vùng xa chỉ toàn núi non hiểm trở, điều kiện đi làm vô cùng khó khăn. Nhiều cán bộ địa phương đã rất bất ngờ khi đón tiếp và làm việc với một cán bộ ngành giáo dục còn quá trẻ, chưa đầy 20 tuổi.

Sau những năm tháng làm công tác quản lý giáo dục và tham gia biên soạn sách cho học sinh dân vận Sơn La, năm 1960, ông được điều chuyển về dạy Toán ở Hải Phòng. Sau 8 năm gắn bó với đất cảng, vừa dạy vừa học hàm thụ và tốt nghiệp chương trình Toán, ông chuyển về học tại Đại học Sư phạm Hà Nội ngành Tâm lý học. Sau 2 năm, một bước ngoặt đến với ông khi ông được lựa chọn sang học tại Đại học Tổng hợp Moskva mang tên Lomonosov. Đây là trường Đại học lớn nhất và lâu đời nhất của Liên Xô.

Tại đây, GS Hồ Ngọc Đại học nghiên cứu sinh tâm lý học trong suốt 8 năm. Ông được hướng dẫn bởi hai nhà tâm lý học, chuyên gia nghiên cứu tâm lý của tư duy và logic hàng đầu của Liên Xô lúc đó, là Vasily Davydov và D.B Elkonin - người được biết tới với phương pháp Hộp Elkonin.

Cả hai chuyên gia lúc đó đang điều hành một trường thực nghiệm tên là Trường thực nghiệm số 91, thử nghiệm những phương pháp dạy học mới độc lập với chương trình giáo dục hiện hành trên toàn Liên bang Xô Viết.

Năm 1975, Việt Nam hoàn toàn thống nhất. Tháng 12 năm 1976, Đại hội Đảng lần thứ IV vạch ra con đường cả nước tiến lên chủ nghĩa xã hội, trong đó xác định giáo dục phổ thông phải trở thành nền tảng văn hóa, là sức mạnh tương lai của dân tộc. Ngành giáo dục nước nhà bước vào chuẩn bị công cuộc cải cách giáo dục để thống nhất hệ thống giáo dục trên cả nước.

Sau khi hoàn thành luận án Tiến sĩ khoa học về những vấn đề tâm lý trong giảng dạy Toán học cho học sinh cấp một tại Liên Xô năm 1977, ông Hồ Ngọc Đại về nước với nhiệt huyết tràn đầy. Ông mong muốn đem những kiến thức đã học ứng dụng vào thực tế, góp phần vào công cuộc đổi mới tư duy giáo dục. Nhưng đây cũng là giai đoạn kinh tế đất nước lâm vào khủng hoảng, mất cân đối nghiêm trọng, ngành giáo dục cũng bị ảnh hưởng nặng nề, đời sống giáo viên vô cùng khó khăn, thiếu thốn.

Trong bối cảnh đó, năm 1978, ông Hồ Ngọc Đại xin đứng ra thành lập trường Thực nghiệm tại Hà Nội, công bố tài liệu Tiếng Việt 1 - Công nghệ giáo dục như một giải pháp để dạy học. Khái niệm Công nghệ giáo dục cả về lý thuyết lẫn thực tiễn đã đi được những bước đi đầu tiên, tạo tiền đề ban đầu cho những khóa sau tiếp nối.

vt_ho ngoc dai 3.jpg
Nhà báo Lê Thọ Bình dẫn dắt buổi giao lưu của GS Hồ Ngọc Đại với độc giả yêu sách và các thế hệ học sinh trường Thực nghiệm

Kể từ đó đến nay, mô hình trường Thực nghiệm Công nghệ giáo dục một phương pháp giáo dục hoàn toàn mới được áp dụng. Ở đó, trẻ em là trung tâm tiếp nhận kiến thức và phát triển tư duy một cách tự nhiên, không gò ép, "mỗi ngày đến trường náo nức một ngày vui".

Nhà trường là nơi mang lại những điều hạnh phúc cho trẻ em, không răn đe, không chấm điểm, không thi cử, thầy cô giáo đứng vào vị trí khác hẳn phương pháp giáo dục truyền thống, không phải là truyền đạt kiến thức một chiều mà thầy là người hướng dẫn đồng thời là cộng sự để học sinh tự tìm tòi, khám phá.

Phương pháp mới là thầy thiết kế trò thi công, thầy tổ chức trò hoạt động. Kết quả đánh giá chất lượng giáo dục không nằm ở bảng điểm mà ở chính mỗi trẻ em. Những gì khiến trẻ em vui thích chấp nhận tự tìm tòi, sáng tạo đều là mục tiêu công nghệ giáo dục hướng tới.

"Trong môn tiếng Việt thì chúng tôi học âm trước rồi học vần, rồi học từ. Ở trường truyền thống thì học sinh sẽ đánh vần một từ có ý nghĩa. Nhưng mà khi chúng tôi bắt đầu học thì chúng tôi có thể đánh vần một từ mà không cần hiểu ý nghĩa nó là gì cả. Cách bắt đầu là như vậy. Còn môn Toán thì chúng tôi học theo khái niệm. Ở các trường bình thường, học sinh sẽ học về cộng trừ, nhân chia, đi luôn vào các cách tính toán. Còn chúng tôi thì tiếp cận từ khái niệm, tức là chúng tôi sẽ hiểu rõ từng khái niệm, ví dụ như phép cộng là gì, học lý thuyết phép cộng là gì, sau đó thì mới làm tính cộng sau" - ông Hồ Thanh Bình, con trai của GS Hồ Ngọc Đại chia sẻ.

"Mình là học sinh khóa 11 của trường Thực nghiệm. Học ở trường Thực nghiệm nó đã ăn sâu vào trong mình cho nên khi mình chọn trường đại học ở bên Mỹ thì mình cũng chọn một trường có cách dạy tương tự. Mình chọn vào trường Liberal Art, dịch ra tiếng Việt gọi là Giáo dục khai phóng hay là Giáo dục đại cương thì khi mà các thầy cô giáo dạy ở trường đại học ở Mỹ họ dạy cũng rất giống trường Thực nghiệm, tức là không chỉ dạy về kiến thức mà còn rất là chú trọng về cách học, cách suy nghĩ và tư duy phản biện, biện luận riêng của sinh viên. Mình đã học phương pháp này từ hồi cấp một ở trường Thực nghiệm nên khi mình vào môi trường Đại học ở Mỹ thì mình cảm thấy hòa nhập rất dễ và mình cảm thấy rất biết ơn" - chị Đỗ Hồng Anh, thành viên quỹ Indus Capital cho biết.

Những tư tưởng và cách làm mới của GS Ngô Ngọc Đại thể hiện qua những hoạt động tại trường Thực nghiệm đã tạo nên dư luận xã hội. Có nhiều người ủng hộ ông, song ý kiến phản đối cũng không ít. Người ủng hộ thì coi đó là hướng đi mới cần khuyến khích thực hiện. Nhưng những người phản đối lại đưa ra lập luận rằng các em nhỏ không thể mang ra thực nghiệm được.

Cố Tổng Bí thư Lê Duẩn đã nói với ông Hồ Ngọc Đại rằng sẽ phải mất vài chục năm người ta mới hiểu được cách làm này. Thực tế đã cho thấy tiên đoán của cố Tổng Bí thư hoàn toàn đúng. Tinh thần của Công nghệ giáo dục là vì các em, vì một cuộc sống rất tự nhiên, rất hạnh phúc của các em, chứ không phải là áp lực khi đi học.

Đối với GS Hồ Ngọc Đại, công trình nghiên cứu mà ông đã dành trọn cả cuộc đời chỉ với mong muốn cháy bỏng: Mong các em nhỏ "Mỗi ngày đến trường náo nức một ngày vui".

vt_ho ngoc dai 4.jpg