Giới quan sát quốc tế: cuộc gặp gỡ Sherman – Tạ Phong nồng nặc mùi thuốc súng!

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Ngày 26/7, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ W.Sherman đã có lần lượt hai cuộc hội đàm với Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Tạ Phong và Ngoại trưởng Vương Nghị tại Thiên Tân; tuy nhiên đã không đạt bất cứ kết quả nào.
Bà Sherman hôm 26/7 đã có các cuộc gặp gỡ và hội đàm căng thẳng với các ông Vương Nghị (trái) và Tạ Phong tại Thiên Tân (Ảnh: Dwnews).
Bà Sherman hôm 26/7 đã có các cuộc gặp gỡ và hội đàm căng thẳng với các ông Vương Nghị (trái) và Tạ Phong tại Thiên Tân (Ảnh: Dwnews).

Theo báo chí Mỹ, khi bắt đầu cuộc hội đàm giữa bà Wendy Sherman và Tạ Phong, phía Trung Quốc Trung Quốc đã chỉ trích Mỹ "không chỉ muốn làm chuyện xấu, mà còn muốn chiếm lợi thế", tái hiện không khí sặc mùi thuốc súng trong cuộc gặp gỡ cấp cao Dương Khiết Trì, Vương Nghị và Blinken, Sullivan ở Alaska trước đây. Các chuyên gia đã phân tích ý đồ của Tạ Phong đằng sau những lời chỉ trích nặng nề đối với Mỹ, đồng thời bày tỏ lo ngại về những vấn đề chưa được hiểu nhau giữa Trung Quốc và Mỹ.

Cuộc gặp nồng nặc mùi thuốc súng

Theo trang tin Dwnews ngày 27/7, tại một cuộc họp báo sau cuộc gặp với bà Sherman, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Tạ Phong đã chỉ ra rằng trong cuộc gặp, ngoài việc “thúc giục Mỹ thay đổi nhận thức cực kỳ sai lầm về Trung Quốc và chính sách cực kỳ nguy hiểm của Trung Quốc”, ông còn nhắm vào "Những lời nói và việc làm sai trái" của Mỹ về các vấn đề như truy xuất nguồn gốc virus, các vấn đề liên quan đến Đài Loan, Tân Cương, Hồng Kông và Biển Đông, bày tỏ sự bất bình mạnh mẽ và yêu cầu phía Mỹ ngay lập tức ngừng can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc, chẳng hạn như các hành vi “đạp lên lằn ranh đỏ”, “chơi trò khiêu khích”, và “chơi trò đối đầu nhóm dưới chiêu bài các giá trị chung”...

Hội đàm kín giữa hai đoàn Mỹ, Trung Quốc do bà Sherman và ông Tạ Phong dẫn đầu (Ảnh: Dwnews).

Hội đàm kín giữa hai đoàn Mỹ, Trung Quốc do bà Sherman và ông Tạ Phong dẫn đầu (Ảnh: Dwnews).

Tạ Phong cũng cho biết, Trung Quốc cũng đã trao cho phía Mỹ hai danh sách, một là danh sách yêu cầu Mỹ sửa chữa các chính sách và hành động sai trái của họ đối với Trung Quốc, danh sách còn lại là những vấn đề quan ngại chính của Trung Quốc.

Trong danh sách yêu cầu sửa lỗi, Trung Quốc yêu cầu Mỹ hủy bỏ vô điều kiện các hạn chế thị thực đối với các đảng viên ĐCS Trung Quốc và gia đình họ; hủy bỏ các biện pháp trừng phạt đối với các nhà lãnh đạo, quan chức và các cơ quan chính phủ Trung Quốc, hủy bỏ hạn chế thị thực đối với sinh viên Trung Quốc và ngừng đàn áp các công ty Trung Quốc; ngừng quấy rối sinh viên Trung Quốc, ngừng đàn áp các Viện Khổng Tử, hủy bỏ việc đăng ký các cơ quan truyền thông Trung Quốc là "người đại diện nước ngoài" hoặc "cơ quan đại diện nước ngoài", hủy bỏ việc dẫn độ Mạnh Vãn Chu, v.v.

Tạ Phong còn nói, trong danh sách các vấn đề trọng điểm mà Trung Quốc lo ngại, Trung Quốc chủ yếu đề cập đến việc một số sinh viên Trung Quốc du học tại Mỹ bị từ chối cấp thị thực, đối xử bất công với công dân Trung Quốc tại Mỹ; bày tỏ quan ngại nghiêm trọng với Mỹ việc các nhân viên đại sứ quán và lãnh sự quán Trung Quốc tại Mỹ bị các phần tử tội phạm gây rồi và va chạm, sự căm hận người châu Á và tình cảm chống Trung Quốc ngày càng dâng cao, và các vụ tấn công bạo lực nhằm vào công dân Trung Quốc; yêu cầu Mỹ sớm giải quyết, đồng thời thiết thực tôn trọng và bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của các công dân và tổ chức Trung Quốc tại Mỹ.

Bà Sherman tại cuộc hội đàm (Ảnh: Dwnews).

Bà Sherman tại cuộc hội đàm (Ảnh: Dwnews).

Thông cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ chỉ cho biết Thứ trưởng Ngoại giao Wendy Sherman đã tổ chức một cuộc họp "thẳng thắn và cởi mở" với Ủy viên Quốc vụ, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị, nêu quan ngại về nhân quyền và các trường hợp công dân Mỹ và Canada bị Trung Quốc giam giữ.

Bà Sherman cũng bày tỏ quan ngại về việc Trung Quốc không sẵn sàng hợp tác với Tổ chức Y tế Thế giới để tiến hành cuộc điều tra giai đoạn hai để truy xuất nguồn gốc SARS-CoV-2.

Bộ Ngoại giao Mỹ cũng cho biết: "Thứ trưởng Ngoại giao đã đưa ra quan ngại riêng về một loạt các hành động của Trung Quốc - như chúng ta đã làm công khai - những hành động này trái với các giá trị và lợi ích của chúng ta cũng như các đồng minh và các đối tác, và phá hoại trật tự quốc tế dựa trên luật lệ".

Thời kỳ vừa va chạm vừa hợp tác Trung – Mỹ có thể kéo dài

Liên quan đến cuộc gặp này, ngày 26/7, chuyên gia Cầu Triệu Lâm, một nhà nghiên cứu ở Viện Nghiên cứu Châu Âu và Mỹ của Viện Sinica ở Đài Bắc, cho rằng mặc dù sự khác biệt giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ về các giá trị cơ bản đang ngày càng sâu sắc, nhưng các vấn đề hai nước cần cùng nhau thảo luận vẫn còn rất nhiều, đặc biệt là ngoài vấn đề hạt nhân Triều Tiên, Mỹ cũng cần Trung Quốc hợp tác trong các vấn đề hòa bình khu vực như Iran và Afghanistan. Bà cho rằng đây là những lĩnh vực mà Sherman có sở trường và cũng là sứ mạng quan trọng nhất của bà ta trong chuyến đi tới Thiên Tân lần này.

Chuyên gia Cầu Triệu Lâm (Ảnh: TBTD).

Chuyên gia Cầu Triệu Lâm (Ảnh: TBTD).

Cầu Triệu Lâm nói, bà rất vui thấy Trung Quốc đưa ra danh sách, đồng thời bà cũng nghiên cứu các đòi hỏi lẫn nhau của hai bên thông qua các cuộc hội đàm ở Thiên Tân, đặc biệt là cuộc gặp thứ hai giữa Sherman và Vương Nghị, có thể bắt đầu thời kỳ va chạm và hợp tác, mặc dù giai đoạn này có thể khá dài.

Cầu Triệu Lâm nói: "Đây là một quá trình và mọi người đều không hài lòng, nhưng vẫn còn những vấn đề thực tế cần giải quyết, bao gồm cả phía Trung Quốc đại lục. Vì vậy, vấn đề va chạm và hợp tác này là phải mất bao lâu mới kết thúc. Các cuộc đàm phán với Trung Quốc đại lục phải rất kiên nhẫn. Tôi tin rằng sự kiên nhẫn của Tổng thống Mỹ Joe Biden là khá tốt".

Về mùi thuốc súng đã nồng nặc ngay khi bắt đầu cuộc hội đàm tại Thiên Tân, chuyên gia Cầu Triệu Lâm cho rằng sự cứng rắn của Tạ Phong được thể hiện để người dân Trung Quốc xem, để chứng tỏ rằng dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Tập Cận Bình, người Trung Quốc đã đứng lên và ngồi bình đẳng với Mỹ và các nước trên thế giới.

Sherman tung ảnh cuộc gặp với Vương Nghị, cố ý lờ Tạ Phong

Bà Sherman đã đăng một bức ảnh về cuộc gặp với ông Vương Nghị lên Twitter vào ngày 26/7. Bà cũng viết rằng trong cuộc gặp với Vương Nghị, “Tôi đã nói về cam kết của Mỹ đối với sự cạnh tranh lành mạnh, bảo vệ nhân quyền và các giá trị dân chủ, cùng cam kết của Mỹ trong việc củng cố trật tự quốc tế dựa trên luật lệ có lợi cho tất cả các bên".

Cuộc gặp gữ giữa Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị và Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman (Ảnh: AP).

Cuộc gặp gữ giữa Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị và Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman (Ảnh: AP).

Theo cách nói của Trung Quốc, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Tạ Phong mới là đối tượng hội đàm của Sherman. Tuy nhiên, Mỹ ngay từ đầu đã cho rằng ông Tạ Phong không phải là quan chức đồng cấp của bà Sherman, thậm chí đã từng đình chỉ chuyến thăm vì lý do này.

Mặc dù bà Sherman không đăng những bức ảnh về cuộc gặp gỡ giữa bà và Tạ Phong, nhưng bà cũng đề cập đến Tạ Phong trên Twitter. Bà viết trong một tweet khác: “Tôi đã thảo luận với Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Tạ Phong các vấn đề quan trọng đối với Mỹ, bao gồm cuộc khủng hoảng khí hậu, COVID-19 và sự quan ngại nghiêm trọng của Mỹ đối với các hành động của Trung Quốc ở Hồng Kông, Tân Cương và eo biển Đài Loan. Mỹ và các đồng minh và đối tác sẽ mãi mãi bảo vệ các quan niệm giá trị chung".

Trong khi đó, tuyên bố đăng trên trang web của Bộ Ngoại giao Mỹ cũng không đề cập trực tiếp đến Tạ Phong. Tuyên bố viết: “Trong chuyến thăm Trung Quốc của Thứ trưởng Sherman từ ngày 25 đến 26/7, đã có các cuộc gặp với Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị và các quan chức khác. Bà Sherman và Ngoại trưởng Vương Nghị đã tổ chức các cuộc thảo luận thẳng thắn và cởi mở về một loạt vấn đề, điều này cho thấy tầm quan trọng của việc duy trì các kênh liên lạc cởi mở giữa hai nước”.

Tuyên bố chỉ ra rằng hai người đã thảo luận về cách làm thế nào đặt ra các điều kiện để quản lý có trách nhiệm mối quan hệ giữa hai nước. Sherman nhấn mạnh, Mỹ hoan nghênh sự cạnh tranh gay gắt giữa hai nước, Mỹ có ý định tiếp tục tăng cường khả năng cạnh tranh, nhưng không tìm kiếm gây xung đột với Trung Quốc.

Ông Tạ Phong (thứ 2, phải qua) tại cuộc hội đàm (Ảnh: Dwnews).

Ông Tạ Phong (thứ 2, phải qua) tại cuộc hội đàm (Ảnh: Dwnews).

Ngoài ra, theo hãng tin Nga Sputnik, các quan chức cấp cao của Mỹ tuyên bố rằng các nhà ngoại giao cấp cao của Mỹ và Trung Quốc đã tổ chức các cuộc hội đàm "thẳng thắn và trực tiếp" vào ngày 26/7. Trong thời gian đó, phía Mỹ bày tỏ quan điểm, dù hai bên không đạt được thỏa thuận cụ thể, cũng như chưa thảo luận về khả năng tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh giữa lãnh đạo hai nước.

Trung Quốc vạch rõ lằn ranh đỏ với Mỹ

Alexander Neill, một cựu nghiên cứu viên lão luyện tại Diễn đàn Shangri-La và hiện đang làm cố vấn chính trị tại Singapore, đồng ý với quan điểm này trong một cuộc phỏng vấn. Ông nói rằng Trung Quốc phải có thái độ "mạnh mẽ" và "sắc bén" đối với Mỹ để xoa dịu người dân, đặc biệt đông đảo người dùng Internet Trung Quốc có lòng tự tôn dân tộc mạnh mẽ và có xu hướng chống Mỹ. Nói cách khác, mục đích thực sự đằng sau những lời chỉ trích nặng nề của Tạ Phong đối với Mỹ là để " đại tuyên truyền nội bộ".

Ngoài ra, Alexander Neill nói rằng những tuyên bố cứng rắn của Tạ Phong cũng thể hiện rõ ràng ranh giới đỏ của Trung Quốc muốn vạch ra đối với Mỹ. Ông cho rằng điều này sẽ giúp hai nước tìm được "hộ lan" (rào chắn bảo vệ) để tránh sự cạnh tranh gay gắt trở thành xung đột trong tương lai.

Ông Alexander Neill nói: "Trung Quốc và Hoa Kỳ có thể hư trương thanh thế và phô diễn cơ bắp của họ. Tuy nhiên, sự đối đầu hoặc xung đột giữa hai nước có khả năng nhanh chóng leo thang và xấu đi, ảnh hưởng đến cục diện toàn cầu. Đây là điều cả hai nước Trung – Mỹ đều biết rõ. Vì vậy, thẳng thắn ngay từ đầu và làm rõ ranh giới đỏ, điều này cũng rất quan trọng”.

Chuyên gia Alexander Neill (Ảnh: chinafile).

Chuyên gia Alexander Neill (Ảnh: chinafile).

Alexander Neill nhìn nhận tích cực cuộc gặp ở Thiên Tân. Ông cho rằng chỉ riêng việc Trung Quốc nâng tầm ngoại giao, Vương Nghị xuất đầu lộ diện gặp gỡ Sherman đã là một tiến triển lớn. Ông tin rằng hai nước có khả năng tìm thấy "hộ lan" để tránh xung đột thêm. Hơn nữa, Neill cho rằng ngay cả khi hai nước đối đầu nhau hoặc ai nói người ấy nghe trên bàn, thì vẫn có một số kênh riêng hoặc nền tảng đối thoại với nhau để kiểm soát sự tức giận hoặc thù địch lẫn nhau.

Tuy nhiên, điều mà Alexander Neill lo lắng hơn cả là Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đến nay vẫn chưa thể nói chuyện với các tướng lĩnh cấp cao của Trung Quốc. Ông nói rằng Trung Quốc chỉ muốn cử Ngụy Phượng Hòa, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng là người có cùng chức danh chính thức, đến nói chuyện với Austin, nhưng quyền lực của Hứa Kỳ Lượng, Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương có quyền lực hơn và là người duy nhất có ảnh hưởng lớn đến nhà lãnh đạo Tập Cận Bình về các vấn đề quốc phòng. Ông ta mới là đối tượng của đối thoại cấp cao mà Lloyd Austin muốn gặp.

Ông nói, Trung Quốc và Mỹ cần phải nhanh chóng tìm ra các cơ chế hoặc phương pháp để tránh dẫm phải lằn ranh đỏ hoặc cảnh báo lẫn nhau về những "điểm kích hoạt" có thể chạm vào lằn ranh đỏ. Đó là, một cơ chế để tránh phán đoán sai hoặc hóa giải hiểu lầm giữa các đơn vị quân đội hai nước.