Mỹ khởi tố 4 công dân Trung Quốc vì tổ chức tấn công mạng trên khắp thế giới

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Bộ Tư pháp Mỹ ngày 19/7 thông báo khởi tố 4 công dân Trung Quốc bị cáo buộc tham gia vào hoạt động tấn công mạng toàn cầu nhằm xâm nhập hàng chục công ty, trường đại học và cơ quan chính phủ ở Mỹ và các nước.
4 tin công dân Trung Quốc bị FBI truy nã, Bộ Tư pháp Mỹ khởi tố (Ảnh: Đông Phương).
4 tin công dân Trung Quốc bị FBI truy nã, Bộ Tư pháp Mỹ khởi tố (Ảnh: Đông Phương).

Theo trang tin Hồng Kông Đông Phương, tuyên bố của Bộ Tư pháp Mỹ nêu rõ, 4 người này là Đinh Hiểu Dương (Ding Xiaoyang), Trình Khánh Dân (Cheng Qingmin), Chu Doãn Mẫn (Zhu Yunmin) và Ngô Thục Vinh (Wu Shurong). Họ bị cáo buộc đã tham gia vào các hoạt động tấn công mạng có liên quan từ năm 2011 đến 2018. Trong đó, Đinh Hiểu Dương, Trình Khánh Dân và Chu Doãn Mẫn là nhân viên của Sở An ninh Quốc gia tỉnh Hải Nam. Họ bị cáo buộc điều phối, thúc đẩy và quản lý các tin tặc máy tính và chuyên gia ngôn ngữ trong một công ty khoa học và công nghệ để thực hiện các hoạt động tấn công mạng vì lợi ích của Trung Quốc và các tổ chức do nhà nước sở hữu hoặc tài trợ .

Ngô Thục Vinh bị cáo buộc là một hacker máy tính chịu trách nhiệm tạo ra các phần mềm độc hại xâm nhập vào hệ thống máy tính của các chính phủ, công ty và trường đại học nước ngoài, đồng thời quản lý các hacker khác.

Mỹ, Anh và Liên minh châu Âu ngày 19/7 đều lần lượt ra tuyên bố, cáo buộc Trung Quốc đứng sau sự cố rò rỉ dữ liệu do vụ hack máy chủ của công ty công nghệ Mỹ Microsoft. Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Mỹ cáo buộc Bộ An ninh Quốc gia Trung Quốc (MSS) nuôi dưỡng một hệ sinh thái các tin tặc tội phạm hợp đồng (criminal contract hackers), những kẻ vừa tiến hành các hoạt động được nhà nước hỗ trợ vừa tiến hành hoạt động phạm tội mạng nhằm thu được lợi ích kinh tế cho riêng mình.

Bộ Tư pháp Mỹ những năm qua nhiều lần cáo buộc các công dân Trung Quốc hoạt động tấn công mạng (Ảnh: Reuters).

Bộ Tư pháp Mỹ những năm qua nhiều lần cáo buộc các công dân Trung Quốc hoạt động tấn công mạng (Ảnh: Reuters).

Bộ Tư pháp Mỹ cho biết rằng một đại bồi thẩm đoàn liên bang ở San Diego, California đã đệ trình một bản cáo trạng vào tháng 5 năm nay, cáo buộc bốn công dân Trung Quốc đã xâm nhập vào hàng chục công ty, trường đại học và cơ quan chính phủ ở Mỹ và các nước từ năm 2011 đến năm 2018. Các mục tiêu của cuộc tấn công ở 12 quốc gia bao gồm Mỹ, Canada, Đức, Na Uy và Vương quốc Anh..., liên quan đến các lĩnh vực hàng không, quốc phòng, giáo dục, chính phủ, y tế, dược phẩm sinh học, hàng hải... Các mục tiêu bao gồm cả việc nghiên cứu vắc xin chống virus Ebola.

Nhà Trắng cùng ngày ra tuyên bố chỉ trích hành vi thiếu trách nhiệm và gây mất ổn định của Trung Quốc trong lĩnh vực mạng, gây ra mối đe dọa lớn đối với nền kinh tế và an ninh quốc gia của Mỹ và các đồng minh, đồng thời nêu rõ các tin tặc liên quan đến Bộ An ninh Quốc gia Trung Quốc hồi đầu tháng 3 đã lợi dụng một lỗ hổng trong Microsoft Exchange Server của công ty Microsoft của Mỹ để phát động một hoạt động gián điệp mạng quy mô lớn trên hàng chục nghìn máy tính và hệ thống mạng trên khắp thế giới. Tuyên bố nói Mỹ đã bày tỏ quan ngại với các quan chức cấp cao của Trung Quốc về các sự cố nói trên và các hoạt động mạng độc hại của Trung Quốc, cáo buộc họ đe dọa đối với an ninh và sự ổn định của thế giới mạng.

Ngoài ra, Vương quốc Anh, Australia và Liên minh NATO hôm thứ Hai (19/7) cũng đã liên tiếp đưa ra các tuyên bố, nêu đích danh và lên án các hoạt động mạng độc hại của Trung Quốc.

Theo VOA, Bản cáo trạng được công bố hôm thứ Hai cáo buộc rằng phần lớn hoạt động hack máy tính này tập trung vào việc đánh cắp thông tin tình báo mang lại lợi ích kinh tế đáng kể cho các công ty và doanh nghiệp Trung Quốc, bao gồm cả việc cho phép Trung Quốc bỏ qua quá trình nghiên cứu và phát triển quy trình thông tin.

Các bị cáo và đồng phạm của Cơ quan An ninh Quốc gia Hải Nam của Trung Quốc đã cố gắng che giấu vai trò của chính phủ Trung Quốc trong vụ trộm và thành lập một công ty bình phong là "Hainan Xiandun Technology Development Co., Ltd." (Tiên Thuẫn, Hải Nam) để tiến hành các hoạt động tấn công mạng từ thành phố Hải Khẩu, tỉnh Hải Nam.

Theo VOA, mục tiêu của các cuộc tấn công hack này là các nạn nhân ở Mỹ, Áo, Campuchia, Canada, Đức, Indonesia, Malaysia, Na Uy, Ả Rập Xê Út, Nam Phi, Thụy Sĩ và Vương quốc Anh. Các ngành bị ảnh hưởng bao gồm hàng không vũ trụ, quốc phòng, giáo dục, chính phủ, y tế, dược phẩm sinh học và hàng hải. Các bí mật công nghiệp bị đánh cắp và thông tin kinh doanh bí mật bao gồm công nghệ nhạy cảm được sử dụng trong tàu lặn và xe tự hành, đặc biệt là các công thức hóa học, bảo dưỡng máy bay thương mại, công nghệ và dữ liệu trình tự gen đã được cấp bằng sáng chế, và các thông tin có thể giúp các doanh nghiệp nhà nước của chính phủ Trung Quốc lấy được cac hợp đồng ở một số quốc gia nhất định, bao gồm các hợp đồng phát triển các dự án đường sắt cao tốc quy mô lớn; các hoạt động tấn công các viện nghiên cứu và trường đại học lấy cắp thông tin liên quan đến virus Ebola, Hội chứng Hô hấp Trung Đông, HIV-AIDS, virus Marburg và các bệnh truyền nhiễm khác.

Bản cáo trạng cũng nêu rõ, các nhân viên bị cáo buộc thuộc Bộ An ninh Quốc gia Trung Quốc cũng phối hợp với các nhân viên và giáo sư của các trường đại học khác nhau ở tỉnh Hải Nam và các khu vực khác của Trung Quốc để hoàn thành mục tiêu hack. Các trường đại học này không chỉ giúp Bộ An ninh Quốc gia xác định và tuyển dụng các tin tặc và chuyên gia ngôn ngữ để xâm nhập hệ thống máy tính của các thực thể mục tiêu nhằm lấy cắp thông tin; một trường đại học ở Hải Nam còn giúp hỗ trợ và quản lý công ty Tiên Thuẫn Hải Nam, bằng cách trả lương, trợ cấp và cung cấp các địa chỉ liên lạc.

Bà Lisa Monaco: Trung Quốc tiếp tục sử dụng các cuộc tấn công mạng để đánh căp tài sản trí tuệ từ các quốc gia khác...(Ảnh: AP).

Bà Lisa Monaco: Trung Quốc tiếp tục sử dụng các cuộc tấn công mạng để đánh căp tài sản trí tuệ từ các quốc gia khác...(Ảnh: AP).

Bà Lisa Monaco, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mỹ, cho biết: “Những cáo buộc hình sự này một lần nữa nhấn mạnh việc Trung Quốc tiếp tục sử dụng các cuộc tấn công mạng để đánh cắp tài sản trí tuệ từ các quốc gia khác và ngang nhiên coi thường các cam kết song phương và đa phương. Các hoạt động tấn công mạng của Trung Quốc nhắm tới các mục tiêu từ nghiên cứu y tế, sức khỏe và y sinh học đến hàng không vũ trụ và quốc phòng ở hơn một chục quốc gia. Những cuộc tấn công này nhắc nhở chúng ta rằng không có quốc gia hoặc ngành công nghiệp nào là an toàn. Sự lên án của quốc tế ngày nay cho thấy thế giới muốn có các quy tắc công bằng và các quốc gia có thể đầu tư và sáng tạo chứ không đi ăn cắp".

Những người bị khởi tố bị cáo buộc một tội danh âm mưu lừa đảo mạng máy tính, với mức án tối đa là 5 năm tù và một tội danh âm mưu gián điệp kinh tế, với mức án tối đa là 15 năm tù. Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) đã phát lệnh truy nã 4 tin tặc Trung Quốc này.

Ông Cao Quang Tuấn, một luật sư người Hoa hành nghề ở New York, nói lệnh truy nã của FBI thậm chí còn mạnh hơn "lệnh truy nã đỏ" của Interpol, và các quốc gia có hỗ trợ pháp lý lẫn nhau với Hoa Kỳ đều thực hiện lệnh truy nã, giống như trường hợp đối với Mạnh Vãn Chu của Huawei.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc trước đó tuyên bố rằng “Trung Quốc kiên quyết phản đối và trấn áp các cuộc tấn công mạng và hành vi trộm cắp mạng theo quy định của pháp luật, đồng thời nhắc lại rằng không gian mạng có đặc điểm là hư ảo mạnh, khó truy xuất nguồn gốc và các hành vi đa dạng. Khả năng truy xuất nguồn gốc các cuộc tấn công mạng là một vấn đề kỹ thuật phức tạp. Việc gắn các cuộc tấn công mạng trực tiếp liên quan đến chính phủ là một vấn đề chính trị rất nhạy cảm”.

Trước các cáo buộc của Bộ Tư pháp Mỹ và lệnh truy tố 4 công dân Trung Quốc, cho đến sáng 20/7, phía Trung Quốc vẫn chưa có phản ứng gì.