Giới kinh tế học lo ngại về triển vọng lạm phát

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Lạm phát dai dẳng sẽ khiến lãi suất được duy trì ở mức cao trong thời gian dài và làm tăng nguy cơ suy thoái, theo kết quả thăm dò của Wall Street Journal.
Lạm phát được dự báo ở mức 3,53% vào thời điểm cuối năm nay (Ảnh: ZumaPress)
Lạm phát được dự báo ở mức 3,53% vào thời điểm cuối năm nay (Ảnh: ZumaPress)

Suy thoái trong vòng 12 tháng tới

Nền kinh tế Mỹ vẫn duy trì được sức khoẻ, trong khi lạm phát dai dẳng hơn so với kỳ vọng của các nhà kinh tế học. Do đó, Fed sẽ tiếp tục duy trì lãi suất cao trong khoảng thời gian lâu hơn, theo kết quả thăm dò các chuyên gia kinh tế được thực hiện bởi Wall Street Journal.

Theo kết quả thăm dò, các nhà kinh tế học kỳ vọng lạm phát vào thời điểm cuối năm nay sẽ là 3,53%, tăng từ 3,1% trong bản thăm dò hồi tháng 1. Lạm phát trong tháng 3 là 5%, theo dữ liệu mà Bộ Lao động Mỹ công bố trong tuần qua, mức thấp nhất trong vòng 2 năm.

Trung điểm của biên độ lãi suất mục tiêu hiện tại của Fed hiện đang ở mức 4,9%, và hầu hết các nhà kinh tế học tin rằng trung điểm này sẽ tăng lên 5.125% vào cuối tháng 6, có nghĩa rằng sẽ có thêm một đợt nâng lãi suất 0,25% trong tháng 5 hoặc tháng 6. Trong khi các thị trường kỳ vọng Fed sau đó sẽ giảm lãi suất, thì chỉ có 39% các nhà kinh tế học nhất trí với điều này. Phần lớn các chuyên gia không kỳ vọng Fed giảm lãi suất trước năm 2024.

Do cả lạm phát và lãi suất được duy trì ở mức cao hơn so với kỳ vọng trước đó, các nhà kinh tế học tin rằng nền kinh tế sẽ trượt vào suy thoái tại một thời điểm nào đó trong vòng 12 tháng tới, với khả năng xảy ra là 61%. Họ kỳ vọng rằng cuộc suy thoái nếu xảy ra sẽ không sâu rộng và không kéo dài. Họ tin rằng suy thoái có thể bắt đầu trong quý 3 năm nay, tức muộn hơn so với dự báo mà họ đưa ra trong tháng 1 là quý 2.

Sự thay đổi trong dự báo về CPI theo thời gian (Ảnh: WSJ)

Sự thay đổi trong dự báo về CPI theo thời gian (Ảnh: WSJ)

Tuần trước, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho hay các điều kiện tín dụng bị siết chặt, kết quả của chiến dịch nâng lãi suất của Fed và bất ổn trong ngành ngân hàng sau 2 vụ sụp đổ ngân hàng Mỹ, sẽ làm chậm đà tăng trưởng kinh tế Mỹ trong năm nay. “Một cú hạ cánh cứng – đặc biệt là với các nền kinh tế phát triển – đã trở thành một rủi ro lớn hơn nhiều,” tổ chức này cảnh báo.

Ngược lại, hầu hết các chuyên gia kinh tế đến từ doanh nghiệp, tổ chức nghiên cứu và tổ chức tài chính tham gia thăm dò lại cho rằng bất ổn trong hệ thống ngân hàng không góp phần gây ra mối đe doạ suy thoái. Trong số này, có 58% nói rằng một cuộc khủng hoảng phần lớn là đã được đảo ngược, trong khi 42% dự đoán về tình trạng bất ổn tăng gia tăng trong thời gian tới.

“Chúng tôi không kỳ vọng vào giảm lãi suất trong năm 2023, trừ khi căng thẳng tài chính gây thêm nhiều thách thức cho các ngân hàng cỡ vừa và nhỏ,” Joe Brusuelas, trưởng kinh tế gia đến từ RSM US, nhận định.

“Lạm phát vẫn sẽ đi theo xu hướng giảm trong phần còn lại của năm 2023,” Bernard Baumohl, trưởng kinh tế gia đến từ Economic Outlook Group, nhận định. “Trừ khi xuất hiện một sự kiện địa chính trị lớn,” như xung đột ở châu Âu hay châu Á, hoặc sự gián đoạn nguồn cung năng lượng.

Các nhà kinh tế học dự báo về thời điểm mà Fed bắt đầu hạ lãi suất (Ảnh: WSJ)

Các nhà kinh tế học dự báo về thời điểm mà Fed bắt đầu hạ lãi suất (Ảnh: WSJ)

Khả năng “hạ cánh cứng” tăng

Tuyên bố cắt giảm sản lượng đầy bất ngờ đến từ những thành viên hàng đầu của tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ Opec+, bao gồm Arab saudi, đã đẩy giá dầu thô lên cao và có thể khiến lạm phát tồi tệ hơn, theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA).

Các nhà kinh tế học cũng nhận thấy tín hiệu về đà tăng trưởng kinh tế trì trệ trong năm nay, đưa ra dự báo về GDP, đã được điều chỉnh theo lạm phát, chỉ tăng 0,5% trong quý 4 của năm 2023, so với cùng kỳ năm 2022. Dự báo đà tăng trưởng trong năm 2024 cũng không khá hơn, ở mức 1,6%.

Lần đầu tiên kể từ khi bắt đầu nâng lãi suất cách đây một năm, giới chức Fed trong tháng 3 vừa qua đã đưa ra dự báo cho rằng một cuộc suy thoái có thể bắt đầu vào thời điểm cuối năm nay do bất ổn trong hệ thống ngân hàng, theo biên bản họp mới được công bố. Trước đó, giới chức Fed đánh giá rằng một cuộc suy thoái khó có thể xảy ra trong năm nay.

Cái gọi là “hạ cánh cứng” – trong đó lãi suất cao giúp kiềm chế lạm phát, nhưng cái giá đi kèm là tỷ lệ thất nghiệp tăng cùng với suy thoái – trước đó khả năng xảy ra được nhận định là thấp, nhưng giờ đã tăng lên, theo các nhà kinh tế học. Trong số những người tham gia thăm dò, 76% nói rằng sẽ không có “hạ cánh mềm”, trong khi trong cuộc thăm dò hồi tháng 1, con số này là 76%.

Khả năng nền kinh tế Mỹ trượt vào suy thoái trong vòng 12 tháng tới (Ảnh: WSJ)

Khả năng nền kinh tế Mỹ trượt vào suy thoái trong vòng 12 tháng tới (Ảnh: WSJ)

“Nền kinh tế rất có thể sẽ bước vào một cuộc suy thoái chậm (slowcession), trong đó các điều kiện tín dụng bị siết chặt giống như một vụ tai nạn được quay chậm, nền kinh tế chững lại,” Diane Swonk, trưởng kinh tế gia tại KPMG, nói.

Tốc độ tăng trưởng việc làm đã chậm lại trong những tháng gần đây, nhưng vẫn cao hơn nhiều nếu so với mức trung bình ở thời điểm tiền đại dịch năm 2019. Các doanh nghiệp đã tăng thêm 236.000 việc làm trong tháng 3, mức tăng lịch sử nhưng lại là nhỏ nhất trong vòng hơn 2 năm, theo Bộ Lao động. Tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống còn 3,5%.

Các nhà kinh tế học tin rằng tốc độ đó sẽ giảm đáng kể và sẽ đạt mức âm vào cuối năm nay. Họ dự báo rằng nền kinh tế trung bình mỗi tháng sẽ có thêm 12.000 việc làm trong vòng 4 quý tới, trong đó sẽ có tình trạng mất việc làm kể từ quý 3 năm 2023 đến quý đầu của năm 2024. Tính trung bình, họ dự báo tỷ lệ thất nghiệp ở mức 4,3% vào cuối năm 2023, thấp hơn so với con số dự báo 4,65% được đưa ra trong tháng 1.

Theo Wall Street Journal