Thế khó của Fed khi OPEC+ đột ngột cắt giảm sản lượng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Tuyên bố bất ngờ của Arab Saudi và một số nước sản xuất dầu mỏ thuộc Opec+ về việc cắt giảm sản lượng có thể làm phức tạp hóa nhiệm vụ kiềm chế lạm phát của Fed, theo các chuyên gia kinh tế.
Việc Opec+ cắt giảm sản lượng dầu có thể gây cản trở nỗ lực chống lạm phát của Fed (Ảnh: Getty)
Việc Opec+ cắt giảm sản lượng dầu có thể gây cản trở nỗ lực chống lạm phát của Fed (Ảnh: Getty)

Giá năng lượng đã tăng mạnh trong năm ngoái sau khi cuộc chiến ở Ukraine bùng phát, đẩy lạm phát lên cao ngay trong khi các nền kinh tế lớn của thế giới bắt đầu lấy lại sự cân bằng sau đại dịch COVID-19.

Sau đó, giá năng lượng giảm đã giúp kiềm chế đà tăng của lạm phát ở Mỹ - giảm từ mức đỉnh 9,1% trong tháng 6/2022 xuống còn 6% trong tháng 2/2023, theo CPI.

Giá năng lượng, chiếm khoảng 7,5% chỉ số CPI, đã tăng 5% trong tháng 2, so với cùng kỳ năm ngoái, và thấp hơn nhiều so với mức tăng 41,3% trong tháng 6 năm ngoái; theo Cục Thống kê Lao động Mỹ.

Nhưng hiện tại, khi giá dầu tăng trở lại, lạm phát toàn phần có thể duy trì ở mức cao trong khoảng thời gian lâu hơn, hoặc thậm chí tăng lên. Và người dân Mỹ hiện đã phải chi nhiều tiền hơn tại các trạm xăng – giá mỗi gallon xăng trung bình ở mức 3,55 USD tính đến hôm thứ Năm tuần trước, tăng từ 3,4 USD cách đó một tháng.

Lạm phát lõi cũng có thể bị ảnh hưởng

Mặc dù giới chức Fed sử dụng nhiều biện pháp đo lường kinh tế để đưa ra những quyết định của mình, nhưng một trong những ưu tiên tập trung của họ chính là lạm phát lõi, loại trừ giá thực phẩm và năng lượng. Tuy nhiên, giá dầu cao hơn cuối cùng có thể làm tăng các chỉ số giá lõi nếu được duy trì ở mức cao đủ lâu.

“Fed coi quyết định của Opec phần lớn là mang tính chất địa chính trị, nhưng những quyết định đó có thể gây ảnh hưởng tới sản lượng hàng hóa và phân phối hàng hóa, bởi vậy mà giá dầu cao hơn có thể gây ảnh hưởng tới các thành phần lõi,” Sarah House, nhà kinh tế học đến từ Wells Fargo, cho hay.

Ví dụ, nhựa resin là một dẫn xuất của dầu thô được sử dụng để chế tạo ra những vật dụng hàng ngày như chai nhựa, dây điện và quần áo…Giá nhiên liệu máy bay tăng cũng tác động tới giá vé máy bay.

Chi tiêu tiêu dùng đóng vai trò quan trọng

Giá năng lượng cao cũng có thể làm giảm cầu, do ảnh hưởng tới tâm lý và hoạt động chi tiêu của người tiêu dùng. Hoạt động chi tiêu của người tiêu dùng ở Mỹ diễn ra khá sôi động bắt đầu từ đầu năm nay, nhưng gần đây đã bắt đầu hạ nhiệt.

Tâm lý người tiêu dùng, được ghi nhận bởi ĐH Michigan, đã giảm xuống mức thấp kỷ lục vào tháng 6/2022 khi giá khí đốt tăng lên 5 USD/gallon. Chỉ số này sau đó được cải thiện khi giá xăng giảm.

“Giá năng lượng là một yếu tố quan trọng quyết định kỳ vọng của người dân về lạm phát, nhưng hiện tại, nó vẫn chưa ảnh hưởng tới tâm lý của người tiêu dùng,” Carl Tannenbaum, trưởng kinh tế gia đến từ Northern Trust Corporation, nói. “Nhưng nếu giá một gallon xăng tăng lên trên 4 USD, đó là lại câu chuyện khác.”

Chi tiêu tiêu dùng suy yếu có thể mang lại những hiệu ứng trái ngược đối với lạm phát, theo John Leer, trưởng kinh tế gia đến từ hãng phân tích dữ liệu Morning Consult. Mặc dù nó có thể giảm sức ép lạm phát trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ, nhưng cũng có thể làm tăng nguy cơ trượt vào suy thoái của nền kinh tế Mỹ.

“Nếu người tiêu dùng dành lượng lớn hơn tiền trong ví của họ sang chi tiêu cho năng lượng, điều đó sẽ hạn chế khả năng chi tiêu của họ cho những hàng hóa khác, bởi vậy nhu cầu sẽ giảm,” Leer nói.

Cuối cùng, vấn đề với giá dầu là chúng rất khó để theo dõi, James Bullard, Chủ tịch Fed St. Louis, nói trong một cuộc phỏng vấn với Bloomberg. Tuy nhiên, ông cho rằng giá dầu cao hơn chắc chắn sẽ gây ra tác động. “Nó có thể ảnh hưởng tới lạm phát, và khiến cho công việc của chúng tôi trở nên khó khăn hơn,” ông nói.

Theo CNN