Quyết định của Opec+ có giúp dầu mỏ Nga thoát sự kìm hãm của phương Tây?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Tuyên bố cắt giảm sản lượng của Opec+ có thể tác động tới lệnh cấm vận của phương Tây nhằm vào các sản phẩm dầu mỏ của Nga.

Tác dụng bề nổi

4 tháng kể từ khi phương Tây áp giá trần, doanh thu dầu mỏ của Nga có vẻ đã giảm đáng kể. Tuy nhiên, nếu đi sâu hơn vào chi tiết, vẫn có nhiều thách thức đặt ra.

Việc Opec tuyên bố cắt giảm sản lượng mới đây, cùng việc các đồng minh trong khối dự báo về giá dầu cao hơn trong năm nay là một trong số đó.

Điều này sẽ khiến cho các nước khó thực thi mức giá trần và ngăn chặn hoạt động mua bán dầu trái phép mà không gây ra ảnh hưởng tới nguồn cung. Các cơ quan theo dõi lệnh cấm vận sẽ đứng trước những lựa chọn đầy khó khăn.

Để tạo nên mức giá trần, các nền kinh tế lớn thuộc nhóm G7 và EU đã đề ra một quy định rằng sẽ chỉ cấp bảo hiểm cùng những dịch vụ khác cho những con tàu chở dầu Nga với mức giá nằm dưới một ngưỡng nhất định.

Do hầu hết những bên cung cấp dịch vụ quan trọng đều nằm ở châu Âu, nên xét về nguyên tắc, mức giá trần có thể áp hạn mức đối với cả các sản phẩm được bán ở những quốc gia không thuộc nhóm G7, bao gồm Trung Quốc và Ấn Độ.

Xét về thực tiễn, những quốc gia này có thể lựa chọn tiếp tục mua dầu bất chấp lệnh cấm vận hoặc tìm đến các nhà cung cấp dịch vụ khác.

Hiện có một số mức giá trần, một là đối với dầu thô vận chuyển bằng đường biển – ban đầu là 60 USD/thùng – và hai là đối với các sản phẩm từ dầu có giá trị cao hơn và thấp hơn. Giá trần, cùng với các quyết định có liên quan mà EU đưa ra nhằm cấm vận sản phẩm năng lượng của Nga, là nhằm vào 2 mục tiêu: giữ cho thị trường có nguồn cung ổn định để ngăn hiện tượng giá tăng đột biến, và giảm doanh thu từ xuất khẩu dầu của Nga. Xét trên bề mặt, những chính sách này đã thành công.

Kể cả khi Nga có mất đi một khách hàng quan trọng ở EU, lượng dầu xuất khẩu của họ vẫn đang duy trì ở mức trước khi chiến sự bùng nổ.

Nga đã chuyển hướng dòng chảy dầu thô sang châu Á, đặc biệt là Ấn Độ, và các sản phẩm xăng dầu sang Thổ Nhĩ Kỳ, Tây Phi, các nước Vùng Vịnh và các thị trường châu Á. Mức giá trần đối với các sản phẩm xăng dầu mới chỉ được áp dụng từ tháng 2/2023, nhưng đến nay, dầu xuất khẩu của Nga đơn giản là đã tìm được những thị trường mới, trong khi dòng chảy năng lượng toàn cầu đã điều chỉnh.

Dầu mỏ của Nga đã tìm được những thị trường mới (Ảnh: Kpler)

Dầu mỏ của Nga đã tìm được những thị trường mới (Ảnh: Kpler)

Thích nghi

Bộ Tài chính Nga báo cáo rằng, thu nhập từ dầu mỏ đã giảm hơn 40% trong tháng 3 so với cùng kỳ năm ngoái, và cũng giảm trong tháng 1 và tháng 2. Nga cần xuất khẩu dầu trên quãng đường xa hơn, tới một số bên mua đang có nhu cầu cao, buộc họ phải giảm giá.

Tuy nhiên, thu nhập thực tế từ dầu mỏ của Nga vẫn là ẩn số. Thông thường, Nga đưa ra mức thuế dầu mỏ dựa trên đánh giá về giá dầu thô Urals mà cơ quan Argus đưa ra. Nhưng khi Nga chuyển hướng xuất khẩu từ Baltic, Biển Đen sang châu Á, và giờ bán được nhiều dầu thô hơn, đánh giá về giá dầu Urals (giá FOB, không bao gồm phí vận tải và bảo hiểm) mất đi tính hợp lệ của nó.

Dữ liệu hải quan cho thấy, Ấn Độ và Trung Quốc đang đưa ra mức giá nhiều hơn so với mức giá dầu Urals tiêu chuẩn, mặc dù vẫn giảm giá dầu Brent. Nga gần đây đã thay đổi hệ thống thuế để tăng thêm thu nhập.

Điều này cho thấy thu nhập từ dầu của Nga có thể lớn hơn nhiều so với các số liệu công bố công khai.

Biện pháp áp giá trần đã tạo động lực để Nga từ bỏ các dịch vụ bảo hiểm và hỗ trợ của phương Tây, và có thời gian 6 tháng để chuẩn bị, họ đã khá thành công. Các công ty của Nga đã mua hàng trăm tàu chở dầu thô và các sản phẩm dầu thô. Các bên giao dịch mới và nguồn tài chính mới được tăng cường để làm tăng lượng dầu xuất khẩu, chủ yếu là ở UAE và châu Á. Các công ty Nga cũng thực hiện nhiều biện pháp để né các lệnh cấm vận.

Tuy nhiên, Nga vẫn đối diện với nhiều hạn chế. Nước này vẫn không thể tách hoàn toàn khỏi các bên cung cấp dịch vụ phương Tây, hiện đang cung cấp bảo hiểm cho ít nhất một nửa lượng dầu xuất khẩu của Nga. Thêm nữa, rất có khả năng là Bộ Tài chính Mỹ cùng các bên đối tác sẽ tăng sức ép với Nga trong năm nay.

Thu nhập từ dầu mỏ của Nga vẫn có thể tăng trong các tháng tới (Ảnh: CNBC)

Thu nhập từ dầu mỏ của Nga vẫn có thể tăng trong các tháng tới (Ảnh: CNBC)

"Cú sốc" từ Opec+

Bộ Tài chính Mỹ khi áp dụng những biện pháp cấm vận này cũng lo ngại về nguồn cung. Nhưng họ đã gặp may mắn. Giá dầu trong những tháng gần đây ở mức khá thấp, do sự suy yếu kinh tế vĩ mô và đà hồi phục chậm của nền kinh tế Trung Quốc. Khi giá thị trường của các sản phẩm năng lượng Nga thấp hơn mức giá trần, liên minh cấm vận có thể tuyên bố rằng biện pháp của họ đã thành công mà không cần phải thực thi quá mạnh tay.

Thế nhưng đến đầu tháng 4, Arab Saudi, Nga và các nước sản xuất dầu mỏ khác thuộc Opec+ bất ngờ quyết định giảm sản lượng khoảng 1,657 triệu thùng/ngày, tạo ra cú sốc trên thị trường. Đợt giảm sản lượng này tạo ra thế tiến thoái lưỡng nan. Opec+ đang muốn có mức giá sàn cao hơn, có thể khiến cho thị trường bị siết chặt và giá dầu sẽ tăng trong nửa cuối năm nay. Ngay sau động thái này, giá FOB của dầu Urals đã tăng vượt qua mức giá trần 60 USD/thùng.

Vậy giá dầu cao hơn sẽ làm thay đổi việc thực thi lệnh cấm vận như thế nào? Những bên theo đuổi cấm vận vốn đã hối thúc G7 tiếp tục hạ thấp mức giá trần. Và giờ họ đang đẩy mạnh nỗ lực để chặn nguồn dầu mỏ xuất khẩu của Nga.

Những tuyên bố mà giới chức Bộ Tài chính Mỹ đưa ra chỉ ra rằng, họ không thấy bằng chứng lách lệnh cấm vận hay xuất hiện mối đe doạ lớn nào đối với đòn bẩy của G7. Họ có thể coi giá dầu cao hơn là một cơ hội để nhìn xem Ấn Độ và Trung Quốc sẽ sử dụng đòn bẩy như thế nào đối với Nga. Về lý thuyết, những bên mua này có thể thúc đẩy giá dầu thấp hơn, có thể là ở mức gần với mức giá trần, hoặc bằng cách yêu cầu giảm giá sâu hơn đối với các giao dịch không được G7 hỗ trợ

Hiện tại, các cơ quan theo dõi lệnh cấm vận có thể vẫn lo lắng về việc tăng cường thực thi. Nhưng khó có thể phớt lờ bằng chứng rằng lệnh các lệnh cấm vận của phương Tây gây ra rất ít tổn thất về mặt kinh tế cho Nga. Có khả năng thu nhập từ dầu mỏ của Nga sẽ tăng trong những tháng tới, buộc các nước phương Tây phải tăng thêm sức ép./.

Theo Barron's