Tuần trước, các kỹ sư của Cognition Labs vừa ra mắt Devin, một công cụ trí tuệ nhân tạo (AI) được mệnh danh là kỹ sư phần mềm ảo, hay lập trình viên ảo, đầu tiên trên thế giới.
Devin cao cấp hơn một bậc so với trợ lý ảo Copilot của Microsoft và GitHub khi có thể tự mình hoàn thành một dự án mà không cần có sự can thiệp của con người.
Ông Scott Wu, CEO của Cognition Labs đã trình diễn khả năng tự viết code của Devin, cũng như quy trình làm việc của nó khi thực hiện các dự án lập trình và nghiên cứu dữ liệu. "Kỹ sư phần mềm" Devin cũng có khả năng tìm kiếm dữ liệu trên Internet để tự nạp kiến thức, học hỏi cách làm việc và xử lý các lỗi kỹ thuật. Trong quá trình này, người dùng có thể can thiệp vào Devin nếu muốn.
Trong một bài viết trên Bloomberg, ông Wu chia sẻ rằng đào tạo AI thành lập trình viên là quá trình đầy khó khăn, đòi hỏi nhiều thuật toán và ra các quyết định phức tạp. Phải nhìn vào tương lai để quyết định hướng xử lý vấn đề.
Nhà báo của Bloomberg đã thử nghiệm "lập trình viên ảo" này và nhận thấy nó biết lập trình game cơ bản, cũng như tạo ra một website chỉ trong vòng 20 phút. Bài toán đưa ra cho Devin là tạo ra một website chứa thông tin về tất cả các nhà hàng tại Sydney. Nó đã tìm trên Internet, lấy địa chỉ và thông tin liên hệ rồi tạo ra website chứa các thông tin này.
Những người không thành thạo về công nghệ cũng có thể nhờ Devin thực hiện các dự án riêng cũng như các nhiệm vụ phức tạp hơn.
Nghề lập trình viên không còn quan trọng nữa?
Thật kỳ lạ khi các kỹ sư phần mềm lại đang lập trình ra một công cụ phần mềm để thay thế công việc của chính họ. Có vẻ như việc lập trình có vẻ ngày càng không cần thiết trong kỷ nguyên AI. Chính CEO của hãng chip Nvidia, ông Jensen Huang, gần đây đã từng tuyên bố rằng trẻ em không nên học lập trình.
"Công việc của chúng ta là tạo ra công nghệ máy tính để không ai phải lập trình", ông Jensen Huang nói.
Vị CEO của Nvidia nói rằng thay vì mất thời gian học lập trình, sinh viên nên học kỹ năng để trở thành chuyên gia trong các lĩnh vực như sinh học, giáo dục, nông nghiệp công nghệ cao.
Trong khi đó, chuyên gia công nghệ Patrick Moorhead viết trên mạng xã hội X rằng trong hơn 30 năm qua ông đã nghe không biết bao nhiêu lần về việc một công nghệ nào đó sẽ thay thế lập trình viên, nhưng trên thực tế nhu cầu về lập trình viên vẫn rất cao. Theo ông, AI sẽ không hủy diệt lập trình viên mà đưa công việc lập trình đến với nhiều người hơn.
Giới lập trình viên và chuyên gia Việt Nam nói gì?
Chia sẻ với VietTimes, anh Trần Tuấn Thịnh, kỹ sư phần mềm, 25 tuổi, đang làm việc tại Công ty cổ phần công nghệ SAVIS - một công ty chuyên về ký số, chứng thực điện tử và bảo mật - cho biết anh không e ngại kỹ sư ảo Devin.
"Mặc dù Devin là một AI có khả năng viết chương trình phần mềm hoàn thiện nhất từ trước tới nay. Nhưng trong đó vẫn còn các lỗi hoặc lỗ hổng bảo mật mà đối đối với kỹ sư con người điều đó là rất khó xảy ra. Mặc dù trong tương lai gần, AI có thể phát triển để giải quyết những điều trên nhưng để có thể thay thế được lập trình viên con người thì còn cần khoảng thời gian rất dài", anh Thịnh nói.
Cùng ý kiến với anh Thịnh, anh Nguyễn Minh Trí, 28 tuổi, cũng là kỹ sư phần mềm làm việc tại SAVIS cho biết Devin có tiềm năng phát triển hơn nữa, nhưng không nên quá lo lắng về việc nó sẽ khiến cho kỹ sư phần mềm truyền thống mất việc. Theo anh Trí, mặc dù AI có thể giúp giải quyết các vấn đề trong quá trình phát triển phần mềm, nhưng việc giải quyết các vấn đề đòi hỏi sự sáng tạo thì AI chưa đáp ứng được. Ngoài ra, kỹ sư con người còn hơn kỹ sư ảo ở chỗ giao tiếp và tương tác, hiểu biết ngữ cảnh tốt hơn - đây là điều tuyệt vời mà tạo hóa dành cho con người.
Khi được hỏi nếu 5 năm nữa kỹ sư ảo thực sự thay thế được kỹ sư con người thì bạn sẽ làm gì, anh Thịnh cho biết ngoài vị trí công việc lập trình viên ra còn có rất nhiều các vị trí khác xoay quanh ngành phát triển phần mềm như Business Analyst, Data Analysis (Phân tích doanh nghiệp, phân tích dữ liệu)... Những vai trò đó đòi hỏi phải hiểu được yêu cầu của khách hàng cùng với một tư duy hướng nghiệp vụ. Anh Thịnh tin rằng đó là những vị trí mà anh sẽ hướng tới trong trường hợp vị trí hiện tại của mình bị thay thế bởi AI.
Anh Trí nói rằng nếu phải chuyển việc vì AI, anh có thể ứng tuyển vào các vị trí làm việc với dữ liệu và phân tích dữ liệu, hoặc tư vấn và triển khai các giải pháp AI cho các doanh nghiệp và tổ chức. "Trong mọi trường hợp, tôi sẽ liên tục học hỏi và thích ứng với các xu hướng và thay đổi trong ngành công nghiệp công nghệ", anh Trí nói.
Theo ông Đỗ Cao Bảo, thành viên đồng sáng lập FPT, AI sẽ không thể thay thế được kỹ sư phần mềm. Điều này là bởi, nếu người chuyên viết code phần mềm biến mất thì kỹ sư ảo sẽ ngày càng kém thông minh, cuối cùng sẽ trở thành AI vừa kém vừa lạc hậu về kiến thức phần mềm, đồng nghĩa với việc chính AI cũng tự diệt vong.
"Các hệ AI như ChatGPT, Devin AI thông minh như chúng ta đã thấy thì hơn 70% là nhờ kho tri thức khổng lồ của từng lĩnh vực chuyên sâu được các hệ AI tự học theo công nghệ học máy (machine learning), học sâu (deep learning), chỉ có chưa đến 30% là nhờ tư duy, suy luận của AI theo thuật toán nơ ron (neural network) của não bộ con người mà thôi. ChatGPT nổi tiếng thông minh nhờ kho tri thức khổng lồ nằm trong 30.000 con GPU của Nvidia là minh chứng rõ nhất", ông Bảo nhấn mạnh.
Người nào đã tạo ra kho tri thức phần mềm khổng lồ cho Devin AI? Chính là hàng vạn, hàng triệu chuyên gia phần mềm trên khắp thế giới, trong đó có cả những người viết mã phần mềm. Devin AI đã học, tự học kiến thức từ những phần mềm, đoạn mã phần mềm tốt nhất, tối ưu nhất để đến khi được giao nhiệm vụ thì sau khi phân tích, nó lựa chọn trong kho tri thức ra những phần mềm, những đoạn mã phù hợp nhất, chỉnh sửa một chút rồi đưa ra kết quả.
Theo ông Đỗ Cao Bảo, các chuyên gia phần mềm chính là nguồn dinh dưỡng nuôi sống sự thông minh của các AI phần mềm, trong đó có Devin AI. Đấy là lý do ông Bảo cho rằng dù AI có thông minh đến đâu chăng nữa thì nghề phần mềm không thể biến mất, bởi khi cắt đi nguồn dinh dưỡng nuôi trí thông minh cho AI thì nó cũng không thể tồn tại.