Giáo dục đại học “chui”, thúc đẩy cuộc đua “bằng cấp”

VietTimes – Hằng năm, việc liên kết đào tạo “chui” của các cơ sở giáo dục đại học (GDĐH) trong cả nước đã cho ra hàng trăm, hàng nghìn cử nhân, kỹ sư, thạc sĩ ở các ngành, các lĩnh vực mà chất lượng không thể đánh giá, kiểm soát và kiểm chứng. Việc này vô tình tạo ra phong trào “sính” bằng cấp rất tốn kém lan rộng trong xã hội.
Hiện tượng thuê học, thuê làm bài tập lớn, thuê làm tiểu luận, đồ án tốt nghiệp diễn ra ngày càng nhiều đã dẫn tới hiện tượng “loạn bằng cấp”.
Hiện tượng thuê học, thuê làm bài tập lớn, thuê làm tiểu luận, đồ án tốt nghiệp diễn ra ngày càng nhiều đã dẫn tới hiện tượng “loạn bằng cấp”.

Mới đây, Bộ Giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) vừa đưa ra thông tin về rà soát, kiểm tra công tác đào tạo liên thông, liên kết, văn bằng 2 ở nhiều cơ sở GDĐH trong cả nước. Theo đó, Bộ này đã phát hiện 2 đại học vùng, 50 trường đại học và học viện thực hiện liên kết đào tạo khi chưa được phép của cơ quan quản lý có thẩm quyền. Việc này khiến dư luận đặt nhiều câu hỏi nghi ngờ về giá trị thực sự của những tấm bằng mà nhiều cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan nhà nước có được từ kiểu đào tạo “chui” này.

Lâu nay dư luận hiểu về việc học tập đại học văn bằng 2 hoặc thạc sĩ dưới hình thức liên kết đào tạo với ý nghĩa tốt đẹp. Nào là xây dựng một xã hội học tập, nào là để phục vụ sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Nhưng đáng buồn thay, khi Bộ GD&ĐT đưa ra công bố về kết quả trên. Càng buồn hơn khi tìm hiểu, dù chưa có thống kê chính xác nhưng vẫn nhận thấy, số người đi học kiều này chủ yếu tập trung ở các cơ quan nhà nước mà rất ít thấy ở các doanh nghiệp tư nhân, trong khi chất lượng các mặt công tác ở cơ quan, đơn vị vẫn chỉ bình bình, ít được cải thiện và mang tính đột phá tích cực. Vậy đâu là nguyên nhân căn cốt? 

Trước hết, phải khẳng định, việc GD&ĐT là rất cần thiết với mỗi quốc gia, dân tộc, nhất là ở Việt Nam hiện nay đặc biệt cần thiết khi nguồn nhân lực chất lượng cao rất khan hiếm. Do đặc thù vừa trang bị cho người học cả về kiến thức, rèn luyện nhân cách và trình độ nghề nghiệp, nên công việc này không cho phép tồn tại những biểu hiện thiếu công tâm, thiếu trung thực và thiếu mực thước, chứ đừng nói đến những việc vi phạm pháp luật. Thế nhưng, việc tổ chức liên kết “chui” vẫn diễn ra và thậm chí diễn ra trong thời gian dài, bất chấp các quy định của Đảng, Nhà nước và của Bộ GD&ĐT.  

Xin nói thêm là, một tổ chức, doanh nghiệp vi phạm pháp luật, để lại hậu quả xấu trong xã hội đã là điều rất đáng chê trách và lên án, thì những cơ sở GDDH vi phạm pháp luật, quy định quản lý nhà nước là việc cần phải lên án mạnh mẽ.  

 

Trở lại sự việc trên, nhiều năm nay, nhiều cơ sở GDĐH trong cả nước coi việc mở liên kết đào tạo là một dạng “kế hoạch 3” để tạo ra việc làm, tăng thu nhập cho giảng viên và nhà trường. Nguyên nhân của hiện tượng này xuất phát từ việc các cơ quan, đơn vị xây dựng tiêu chí cán bộ, công chức và chuẩn hóa chức danh mà bỏ quên lộ trình thực hiện. Thế nên, muốn lên lương, muốn có chức danh, vị trí lãnh đạo, quản lý theo đúng tiêu chí thì phải... đi học. Và việc xét cho đi học cũng chẳng nơi nào giống nơi nào. Thủ trưởng cơ quan, đơn vị sẵn sàng ký hồ sơ cho đi học mà chẳng cần biết đối tượng sẽ phát triển thế nào trong tương lai?

Do nhu cầu an toàn về vị trí công tác trong các cơ quan nhà nước; do nhu cầu biên chế, nhu cầu phát triển và cả những nhu cầu khác khó đặt tên; nhiều cán bộ, công chức, nhân viên của các cơ quan, đơn vị, địa phương đã “tích cực” bỏ thời gian, tiền bạc và công sức để theo học các lớp này. Nhiều người chuẩn bị tâm lý đi học bằng những ngôn từ chua xót đến buốt ruột, như: "Làm đẹp lý lịch", "để điếu văn dài và kêu hơn người khác"...

Thực tế là, do liên kết tổ chức đào tạo không chuẩn; do cơ sở vật chất, phương tiện, trình độ giảng viên không đáp ứng đủ các yêu cầu và đặc biệt là công tác tổ chức và quản lý giảng dạy không chặt chẽ nên chất lượng thường khó kiểm soát. Những hiện tượng thuê học, thuê làm bài tập lớn, thuê làm tiểu luận, đồ án tốt nghiệp diễn ra ngày càng nhiều đã dẫn tới hiện tượng “loạn bằng cấp”.

Hậu quả nhìn thấy của việc này là tốn kinh phí, thời gian của nhiều cá nhân và tập thể, khiến cho công việc tại các cơ quan, đơn vị và địa phương có phần bị chi phối. Nhưng quan trọng là, việc “cùng lợi” này đã tạo ra một “cuộc đua ngầm” trong các cơ quan, đơn vị từ Trung ương tới địa phương và chưa thấy biểu hiện của hồi kết.

“Cuộc đua ngầm” về bằng cấp trong nội bộ các cơ quan, đơn vị ngày càng khốc liệt và khiến cho công tác tuyển chọn nhân sự, công tác đề bạt, bổ nhiệm trở lên khó khăn hơn vì không có “vết” để loại. Điều này đang là mối lo ngại và làm cho dư luận đặt nhiều câu hỏi khác nhau, liệu bằng cấp có thực sự cần thiết và thiết thực với công cuộc đổi mới và CNH, HĐH đất nước như những gì đã kỳ vọng?

Có nhà hiền triết từng nói rằng, vinh dự lớn nhất của đời người là trí tuệ và sự sáng tạo. Bởi trí tuệ, sự sáng tạo giúp con người cho ra các sản phẩm khác nhau và phục vụ nhu cầu của xã hội. Có nhiều bằng đại học, có nhiều học hàm, học vị kể cũng đáng nể nếu như cho ra được những kết quả phục vụ lợi ích xã hội thiết thực. Còn nếu những bằng cấp, học hàm, học vị ấy không được như kỳ vọng, không cho ra được sản phẩm thì cũng chỉ là một ủa thú chơi tốn kém và xa xỉ. Có người còn ví nó chỉ là một dạng trang sức hợp mốt, hợp thời.

Thế nên, rất mong cơ quan chức năng nghĩ cách, tham mưu với Nhà nước dẹp bỏ được nạn liên kết đào tạo và giáo dục đại học “chui”.