Tại hầu hết các công ty, chức Giám đốc Công nghệ (CTO) được giao nhiệm vụ giám sát các đội kỹ thuật, đồng thời đảm bảo rằng việc áp dụng công nghệ tại các công ty đó hợp lý và thông minh.
Tại một công ty như Microsoft, nơi có hàng chục nghìn kỹ sư trên toàn thế giới đang thử nghiệm và xây dựng các phần mềm và công nghệ tiên phong, vai trò của CTO có thể rộng hơn một chút.
Hiện tại, chức vụ Giám đốc Công nghệ của Microsoft do Kevin Scott đảm nhiệm. Ông nắm cương vị này từ năm 2017 sau khi chuyển đến từ LinkedIn – một công ty con của Microsoft.
Scott nói với tờ Business Insider trong một cuộc phỏng vấn tuần trước rằng ông đang giúp CEO Satya Nadella “quét từ trái sang phải”. Nói cách khác, việc của ông Scott là đảm bảo rằng Microsoft có thể dự đoán những xu hướng công nghệ mới và phát triển nó trước từ 3-5 năm.
Scott không chỉ giúp vạch ra những hướng đi cho tương lai, mà ông còn tổ chức nhiều sự kiện, chẳng hạn như AI 365, một diễn đàn nơi các nhân viên của Microsoft, bao gồm cả Satya Nadella, ngồi với nhau để bàn về sự phát triển mới nhất của Trí thông minh nhân tạo (AI) và cách tiếp cận AI một cách hợp lý nhất.
CEO Microsoft Satya Nadella (ảnh: Getty)
|
Ông Scott nói rằng AI có thể là “điều quan trọng thứ hai chúng tôi đang làm tại Microsoft” chỉ sau Windows, Office và dịch vụ đám mây Azure. Trí thông minh nhân tạo là sự phát triển thiết yếu cho tương lai của công ty.
Hai xu hướng công nghệ sẽ thay đổi thế giới
Với tư cách là một CTO, ông Kevin Scott đã dự đoán 2 xu thế công nghệ sẽ xảy ra trong chưa đầy 1 thập kỷ tới sẽ làm thay đổi thế giới.
“Tôi cho rằng sẽ có một “vụ nổ” silicon điện toán giá rẻ trong vòng 5-8 năm tới”, Scott nói. Ngoài ra, ông Scott cũng cho rằng sẽ xuất hiện một công nghệ mới gọi là học tập tăng cường - một phương pháp dạy học cho máy móc để nó có thể thực hiện các tác vụ một cách thông minh, nhờ vào các phần mềm có đủ sức mạnh.
Xu hướng thứ nhất: Các bộ vi xử lý mạnh mẽ, giá rẻ
Theo dự đoán của Scott, loài người đang bước vào một kỷ nguyên mới của các bộ vi xử lý nhỏ, rẻ tiền, đủ mạnh để chạy các tác vụ AI tiên tiến.
Sự thay đổi này đến từ các nhu cầu đơn giản hàng ngày. Khi xe tự lái, các cửa hàng bán lẻ không có nhân viên thu ngân và sản xuất tự động ngày càng phổ biến, người ta phải tạo ra các bộ vi xử lý mạnh hơn để xử lý một lượng lớn dữ liệu thô được tạo ra.
Microsoft đã có một số bước tiến trong lĩnh vực này. Chẳng hạn như Project Brainwave là một hệ thống tối ưu hóa AI được thiết kế cho dịch vụ đám mây Azure, sử dụng một kiến trúc mới gọi là FPGA. Ngoài ra, Microsoft cũng có dịch vụ Azure Sphere với giá thành rẻ, quy mô nhỏ và an toàn dành cho các thiết bị kết nối Internet.
Tuy nhiên, ông Scott nói rằng Microsoft không có tham vọng trở thành một nhà sản xuất bộ vi xử lý giống như Nvidia, Qualcomm hay Intel.
“Tôi không nghĩ Microsoft có mong muốn trở thành một nhà cung cấp bộ vi xử lý”, Scott nói.
Thay vào đó, ông Scott hy vọng một thế hệ các công ty khởi nghiệp hiện tại sẽ trở thành những nhà sản xuất vi xử lý thế hệ tiếp theo. Ông không nêu tên công ty nào đem lại hy vọng trong tương lai, nhưng tiết lộ có 5 công ty khởi nghiệp đã nhận được số vốn 100 triệu USD để phát triển sản phẩm vi xử lý.
Một khi những con chip giá rẻ, mạnh mẽ này bắt đầu tung ra thị trường, Scott nói rằng chúng ta có thể mong đợi mọi thứ sẽ trở nên thông minh hơn, từ máy ảnh cho đến thiết bị robot công nghiệp và đồ chơi trẻ em. Giảm giá thành vi xử lý cũng đồng nghĩa các phần mềm hỗ trợ AI sẽ xuất hiện nhiều hơn.
Project Brainwave của Microsoft là một sáng kiến để xây dựng các hệ thống tốt hơn để chạy các thuật toán Trí thông minh Nhân tạo phức tạp
|
Đối với điện toán lượng tử - một hình thức siêu tính toán cực kỳ hứa hẹn mà ngay cả Chủ tịch Microsoft Bill Gates cũng chưa nắm được hoàn toàn – Scott hy vọng nó đang tới. Ông cũng tiết lộ rằng Microsoft đang đầu tư rất nhiều để đem đến cuộc cách mạng lượng tử này.
Scott chưa biết khi nào cuộc cách mạng tính toán lượng tử sẽ bắt đầu, nhưng ông nói rằng Microsoft, IBM, Google và một số công ty công nghệ khác đang tìm kiếm những đột phá khoa học để đưa điện toán lượng tử vượt ra khỏi phòng thí nghiệm đến với đời thực. Hiện các bước đi này là “rất có triển vọng”.
Xu thế thứ hai: các thiết bị có thể tự cải thiện khả năng của chính mình nhờ công nghệ “học tập tăng cường”
Dự đoán thứ hai của ông Scott liên quan đến xu hướng thứ nhất. Khi mà những người lập trình có thể tiếp cận được với các bộ vi xử lý mạnh mẽ, giá rẻ, thì họ sẽ phát triển được thêm nhiều phần mềm hỗ trợ AI chạy trên các vi xử lý này.
Một trong những xu hướng nóng nhất trong lĩnh vực AI là một mô hình được gọi là “Học tập tăng cường”.
Chúng ta hãy cùng xem xét ví dụ về AlphaGo Zero, phiên bản mới nhất của Trí thông minh nhân tạo của Google (Google DeepMind) đã từng đánh bại nhà vô địch thế giới môn Cờ vây người Hàn Quốc Lee Sedol. Nó chính là ví dụ cho cái gọi là “học tập tăng cường”. Phần mềm này tự dạy bản thân bằng cách đối mặt với nó nhiều lần. Thông qua các lần đối mặt ấy, nó sẽ tự tích lũy thêm kiến thức và cải thiện khả năng của mình.
Màn hình tivi trong siêu thị chiếu trận thi đấu cờ vây giữa máy tính AlphaGo của Google và nhà vô địch cờ vây người Hàn Quốc Lee Sedol vào năm 2016. (ảnh: AP)
|
Với tốc độ phát triển của lĩnh vực “học tập tăng cường”, Scott nói rằng hạn chế lớn nhất đối với AI bây giờ là năng lực tính toán. Ông nói rằng nếu được cung cấp một năng lực tính toán thích hợp, ngay cả những bài toán khó khăn nhất mà các nhà khoa học liệt kê ở mức độ “NP-hard” (vấn đề phức tạp đến mức chúng không thể được giải quyết hiệu quả bằng máy tính trong một khoảng thời gian hợp lý), sẽ được giải quyết bằng mô hình “học tập tăng cường”.
Scott đưa ra ví dụ về bài toán trong thực tiễn, đó là việc sắp xếp các container hàng hóa trong vận tải. Do container có kích thước, trọng lượng khác nhau, nơi sắp xếp của chúng, nơi chúng được đưa ra khỏi tàu, có rất nhiều biến để một máy tính có thể đưa ra một kết quả chính xác nhất trong một khoảng thời gian. Điều tốt nhất mà các hệ thống máy tính có thể làm là sử dụng thuật toán được thiết kế bởi con người – những người đã rút ra được kinh nghiệm trong thực tế - để giải bài toán nhiều biến ấy.
Sự kết hợp giữa phần cứng và phần mềm sẽ làm cho bài toán đó trở nên dễ giải quyết hơn. Sự bùng nổ của vi xử lý giá rẻ và phần mềm sẽ làm cho AI trở nên thông minh và mạnh mẽ hơn, giúp cho các bài toán tưởng chừng khó khăn trở nên dễ giải hơn bao giờ hết.
Microsoft sẽ ở đâu trong 1 thập kỷ tới
(ảnh: Techtalk)
|
Trong khi ông Scott và phần còn lại của thế giới đang chờ đợi cuộc cách mạng silicon đó, Microsoft đang cố gắng làm cho AI tiếp cận được với nhiều người hơn.
Không phải ở đâu xa, AI được Microsoft đưa vào chính các phần mềm và dịch vụ cũ, quen thuộc với mọi người. Chẳng hạn người dùng PowerPoint có thể tận hưởng những ưu điểm của AI qua công cụ thiết kế slide tự động, trong khi các nhà phát triển sử dụng Microsoft Azure có quyền truy cập vào các công cụ hỗ trợ AI để nhận dạng hình ảnh và âm thanh.
Điều mà ông Scott đặc biệt thích thú là viễn cảnh làm cho AI trở nên dễ dàng hơn đối với các lập trình viên. Ông Scott cho ví dụ về Lobe - một công ty mà Microsoft đã mua vào tháng 9. Lobe cho phép các nhà lập trình kéo và thả công nghệ AI vào mã của họ. Bằng cách đầu tư theo cách để các nhà lập trình sử dụng AI một cách hiệu quả và dễ dàng hơn, Microsoft đang giúp ngành công nghiệp phần mềm sẵn sàng cho thế giới sắp tới, Scott nói.
Tuy nhiên, ông nói, sự gia tăng của AI sẽ mang lại một số rủi ro mới thú vị. Khi mọi thiết bị ở khắp mọi nơi bắt đầu có được bộ vi xử lý mạnh mẽ và kết nối với internet, nó sẽ là một "đối tượng tấn công của hacker". Đó là lý do tại sao Microsoft đã đầu tư vào các công nghệ như Azure Sphere giúp bảo mật các thiết bị kết nối. Nhưng nó chỉ là một vấn đề phải lo lắng khi chúng ta đối mặt với sự bùng nổ AI.
Theo Business Insider