Giải pháp phát triển thương mại cho nông sản Việt

VietTimes -- Sáng 5/6/2018 tại khách sạn JW Marriott Hà Nội đã diễn ra Diễn đàn Kinh tế Việt Nam ViEF 2018 với chủ đề "Giải pháp phát triển thương mại cho nông sản Việt" do Hội đồng Tư vấn Cải cách Thủ tục Hành chính thuộc Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế Tư nhân và Báo điện tử VnExpress phối hợp tổ chức.
Các diễn giả trong phần giao lưu tại Diễn đàn
Các diễn giả trong phần giao lưu tại Diễn đàn

Theo ông Trương Gia Bình - Tổng giám đốc Tập đoàn FPT, Trưởng ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế Tư nhân, Việt Nam có rất nhiều tiềm năng nông nghiệp. Công nghệ chúng ta có thể mua được, các doanh nghiệp Việt Nam đã trưởng thành... Nhưng vấn đề lớn nhất là sản xuất vẫn nhỏ lẻ, không ra tấm ra món. Chính vì thế, ông cho rằng phải tìm ra được "át chủ bài" cho nông nghiệp Việt Nam. 

Ông Trương Gia Bình - Tổng giám đốc Tập đoàn FPT, Trưởng ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế Tư nhân. Ảnh: VnExpress
 Ông Trương Gia Bình - Tổng giám đốc Tập đoàn FPT, Trưởng ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế Tư nhân. Ảnh: VnExpress

TS Đặng Kim Sơn - nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho rằng, kết cấu nền nông nghiệp thay đổi rõ rệt, chăn nuôi và ngành thủy sản tăng lên, trồng trọt kết cấu thay đổi và toàn ngành cũng thay đổi. Đa dạng hóa sẽ đem lại thu nhập cho người nông dân. Theo ông, thị trường quốc tế, nhu cầu đang thay đổi mạnh mẽ, nhất là ở các nước đang phát triển. "7 tỷ người sẽ tăng lên 9 tỷ người, thì lúc đó nhu cầu ngũ cốc, sữa, rau quả thịt đều tăng mạnh. Điều này mở ra thị trường tiêu thụ cho Việt Nam. Tại khu vực Đông Nam Á, Việt Nam và Thái Lan có lợi thế nhất", chuyên gia Đặng Kim Sơn nói. 

Ông Srikanth Mangalam, Chuyên gia của Công ty Tài chính Quốc tế (IFC) thuộc Ngân hàng Thế giới (World Bank) thì cho biết, tại diễn đàn hôm nay nhiều diễn giả có nhắc đến công nghệ để gia tăng tính cạnh tranh cho nông nghiệp. Tuy nhiên làm thế nào để nâng cao vai trò của công nghệ trong lĩnh vực thì cần đề cập nhiều hơn nữa.

Nhiều diễn giả nói về chuỗi cung ứng cũng như sự thất bại trong quy trình sản xuất nông sản của tại Việt Nam. Tuy nhiên, câu chuyện ở đây liên quan nhiều yếu tố trong đó là các quy định và thể chế hiện nay. Ngoài ra chất lượng kiểm tra thực phẩm, năng lực, của các cơ quan giám sát, có đáp ứng tính phù hợp hay không cũng là vấn đề đặt ra. Bên cạnh đó, ông cũng đề cập việc cần thiết cập nhật tiêu chuẩn phù hợp trong việc giám sát các sản phẩm tại mỗi quốc gia, phương pháp hỗ trợ chế biến hậu cần sản phẩm, thu thập thông tin, minh bạch, các điều kiện kinh doanh.

Ông Srikanth Mangalam cũng đã đưa ra những khuyến nghị mà Việt Nam có thể áp dụng. Trước tiên là sử dụng Blockchain sẽ đảm bảo tăng cường truy xuất nguồn gốc, xuất xứ... đồng thời người nông dân có thể sử dụng để tăng uy tín với ngân hàng, có thể vay được vốn nhiều hơn để đầu tư cho sản xuất. Theo ông, công nghệ không phải lúc nào cũng là thách thức. Thách thức chính ở đây là nâng cao năng lực sẵn có. Chính phủ phải đầu tư vào cơ sở hạ tầng, khuyến khích các đơn vị công tư cùng tham gia, hoàn thiện hệ thống pháp lý để công nghệ được ứng dụng rộng hơn. 

Ông Srikanth Mangalam, Chuyên gia của Công ty Tài chính Quốc tế (IFC). Ảnh: VnExpress.
 Ông Srikanth Mangalam, Chuyên gia của Công ty Tài chính Quốc tế (IFC). Ảnh: VnExpress.
Đề cập đến việc ứng dụng công nghệ blockchain trong nông nghiệp, ông Terry Chan - Chủ tịch Hiệp hội chuỗi cung ứng thương mại điện tử Hong Kong cho biết, kỷ nguyên bán lẻ mới đang đi liên với nhiều dữ liệu mới. Điều quan trong là đạt được các yếu tố mới trong đó liên quan đến liên quan đến công nghệ trực tuyến và ngoại tuyến.

Về vấn đề truy xuất nguồn gốc, theo ông điều quan trọng là theo dõi toàn bộ chuỗi cung. Hiệp hội này định hướng môt số bước kiểm tra truy xuất nguồn gốc, gồm: nhận dạng, ghi nhãn, chia sẻ, theo dõi yêu cầu. Tuy nhiên thời gian tới, quan trọng nhất là có thể phát triển một tiêu chuẩn truy xuất nguồn gốc thống nhất cho toàn chuỗi cung. "Chúng tôi xác định tiêu chuẩn truy xuất có thể áp dụng cho nhiều bước kinh doanh khác nhau. Với hệ sinh thái nông nghiệp có nhều đơn vị trung gian tham gia nên việc truy suất khó khăn hơn", ông bày tỏ.  Dó đó cần thay đổi chuỗi cung làm cho nhẹ hơn, đáp ứng nhanh hơn nhu cầu người tiêu dùng, cần hình thức bán hàng online và offline.

Ông Terry Chan - Chủ tịch Hiệp hội chuỗi cung ứng thương mại điện tử Hong Kong. Ảnh: VnExpress
 Ông Terry Chan - Chủ tịch Hiệp hội chuỗi cung ứng thương mại điện tử Hong Kong. Ảnh: VnExpress
Còn theo bà Nguyễn Thị Hồng Minh - Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm Minh bạch Việt Nam, tuy công nghệ không phải là quá khó nhưng để nông dân ứng dụng để cập nhật thường xuyên về truy xuất nguồn gốc cùng các thông tin về quá trình sản xuất với các sản phẩm của họ là không đơn giản. Sản phẩm đã có mã QR thực sự chưa hẳn là đã có truy xuất nguồn gốc. Chính vì vậy, cần phải có luật để quy định về truy xuất nguồn gốc với mọi sản phẩm, trong đó có nông sản thực phẩm. 
Tham gia trong phần giao lưu tại hội thảo, ông Đào Ngọc Chiến - Phó Vụ trưởng Vụ Công nghệ cao Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, trong tháng 6/2018, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ chính thức trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo chính sách về Cách mạng Công nghiệp 4.0 mà nông nghiệp là một phần không thể thiếu. Trong đó, nông nghiệp cũng phải ứng dụng các công nghệ như blockchain, big data (dữ liệu lớn) và AI (trí tuệ nhân tạo). 
Kết luận hội thảo, ông Nguyễn Thanh Nam - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, những ý kiến đóng góp xoay quanh hai nội dung lớn là phát triển giá trị chuỗi nông nghiệp và ứng dụng công nghệ cao mà các diễn giả thảo luận đã giúp các doanh nghiệp hiểu rõ hơn về tình hình sản nông nghiệp trong thời gian tới. Người sản xuất biết mình phải sản xuất gì và nhà quản lý có thể đưa ra các chính sách đúng đắn. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sẽ tiếp thu các ý kiến từ các diễn giả để đẩy mạnh nghiên cứu và đưa ra giải pháp toàn diện. 
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Thanh Nam. Ảnh: VnExpress
 Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Thanh Nam. Ảnh: VnExpress
Có thể nói, đây là một diễn đàn rất hấp dẫn được ban tổ chức chuẩn bị rất công phu với nhiều diễn giả quan trọng trong và ngoài nước. Tuy nhiên, không thể nói rằng đây là một sự kiện hoàn toàn thành công bởi không hề thấy sự hiện diện và tham gia ý kiến của đại diện Hội Nông dân Việt Nam. Trong khi đó ai cũng thấy, nông dân chính là đối tượng quan trọng nhất của công cuộc ứng dụng các công nghệ mới trong nông nghiệp.