Theo đó, Tập đoàn Geleximco của ‘đại gia’ Vũ Văn Tiền báo lãi sau thuế ở mức 66 tỉ đồng, giảm 86,4% so với cùng kỳ năm trước. Điều này khiến tỉ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu (ROE) của Geleximco giảm từ 4,26% xuống mức 0,57%.
Tính đến cuối năm ngoái, tổng tài sản của Geleximco đạt 27.984,6 tỉ đồng, giảm 6,3% so với đầu năm. Vốn chủ sở hữu tăng nhẹ lên mức 11.516,3 tỉ đồng. Số dư nợ phải trả đạt 16.468,3 tỉ đồng.
Dữ liệu kinh tế vừa nêu có thể chưa phản ánh đầy đủ tầm vóc ‘hệ sinh thái’ đồ sộ của vị đại gia gốc Thái Bình. Trên website chính thức, Geleximco cho biết tổng tài sản của tập đoàn này đạt trên 80.000 tỉ đồng.
Trong năm 2022, Geleximco đã chi 2.793 tỉ đồng để thanh toán gốc và lãi trái phiếu (bao gồm 2.231,4 tỉ đồng thanh toán gốc và 561,6 tỉ đồng thanh toán lãi). Đây có thể là một trong những nguyên nhân khiến lợi nhuận năm 2022 của Geleximco sụt giảm mạnh.
Geleximco mạnh cỡ nào?
Như VietTimes từng đề cập, Geleximco tiền thân là Công ty TNHH Xuất nhập khẩu tổng hợp Hà Nội, được thành lập từ năm 1993.
Sau 30 năm phát triển, Geleximco đã trở thành một tập đoàn kinh tế đa ngành, hoạt động trong 5 lĩnh vực chính là sản xuất công nghiệp, tài chính – ngân hàng, bất động sản, thương mại – dịch vụ và nông nghiệp công nghệ cao.
Trong lĩnh vực bất động sản, Geleximco được biết đến với loạt dự án “khủng” như: Khu du lịch quốc tế Đồi Rồng tại Đồ Sơn, Hải Phòng (quy mô 480ha, tổng mức đầu tư dự kiến hơn 25.000 tỉ đồng); Khu đô thị thành phố giao lưu trên đường Phạm Văn Đồng (97ha); Khu đô thị Gelexia Riverside, Khu đô thị Lê Trọng Tấn (Hà Nội); Khu đô thị Cái Dăm tại Quảng Ninh (37ha).
Trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng, Geleximco là cổ đông lớn nắm 12,78% cổ phần của Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank – Mã CK: ABB). Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Geleximco, ông Vũ Văn Tiền đồng thời cũng là Phó Chủ tịch HĐQT ABBank.
Trong lĩnh vực công nghiệp, Geleximco đầu tư vào nhiều dự án lớn như: Nhà máy nhiệt điện Thăng Long (900 triệu USD); Nhà máy sản xuất xi măng Thăng Long (270 triệu USD); Nhà máy sản xuất bột giấy An Hòa và Nhà máy Giấy An Hòa (450 triệu USD).
Geleximco cũng là một trong những cổ đông sáng lập của Công ty TNHH Sản xuất Phụ tùng Ô tô Xe máy Honda Việt Nam (VAP) – chủ đầu tư dự án nhà máy sản xuất phụ tùng ô tô xe máy có tổng vốn đầu tư 90 triệu USD tại Khu công nghiệp Như Quỳnh (Hưng Yên).
Tháng 9/2022, Geleximco gây chú ý khi ký thỏa thuận thuê lại đất và cơ sở hạ tầng tại Khu công nghiệp Tiền Hải (Thái Bình) của Tổng công ty Viglacera để xây dựng nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô.
Theo đó, tập đoàn này dự kiến xây dựng nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô với đầy đủ dây chuyền từ hàn, sơn, lắp ráp đến kiểm tra chất lượng sản phẩm theo tiêu chuẩn kỹ thuật, công nghệ và quy định của pháp luật với trình độ tự động hóa cao.
Dự án dự kiến được chia thành hai giai đoạn với tổng mức đầu tư 800 triệu USD (tương đương 18.800 tỉ đồng), trong đó tổng mức đầu tư giai đoạn 1 là 300 triệu USD (tương đương 7.000 tỉ đồng) và giai đoạn 2 là 500 triệu USD (tương đương 11.800 tỉ đồng)./.
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu