Về đăng ký doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, theo Cục Quản lý đăng ký kinh doanh thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cùng thời gian trên đã có 1.660 doanh nghiệp FDI được thành lập với tổng số vốn 62.205 tỉ đồng, bình quân 37,5 tỉ đồng mỗi doanh nghiệp.
Những con số trên đã cho thấy sự gia tăng đáng kể về số lượng doanh nghiệp thành lập và số vốn cam kết đưa vào thị trường sau khi Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư năm 2014 có hiệu lực.
Hai luật mới này được xây dựng với tinh thần cải cách mạnh mẽ, trao quyền tự chủ nhiều hơn cho nhà đầu tư, doanh nghiệp, đặt yêu cầu cao hơn về tính minh bạch, công khai thông tin, bảo vệ cổ đông… đã khích lệ tinh thần khởi nghiệp, tạo một làn sóng thành lập doanh nghiệp nửa cuối năm 2015 và duy trì đà tăng cho đến nay.
Theo Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, trong các tháng cuối năm 2015, số lượng doanh nghiệp đăng ký mới tăng cao đặc biệt. Tại một số thời điểm, số vốn cam kết đưa vào thị trường tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ. Xu hướng tăng tiếp tục được duy trì, đặc biệt là số vốn đăng ký mới.
Trong thời gian qua, Chính phủ cũng đã thể hiện sự quyết tâm rất cao trong việc thực hiện các quy định của Luật Đầu tư về điều kiện đầu tư, kinh doanh đối với các ngành, nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện nhằm tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Trong thực tế khi triển khai, theo các cơ quan đăng ký kinh doanh ở các địa phương, việc áp dụng các quy định tại hai văn bản Luật mới vẫn còn gặp một số khó khăn, vướng mắc. Về cơ bản, theo Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, những vướng mắc phát sinh thời gian qua do có sự khác nhau giữa Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư và luật, văn bản pháp luật liên quan khác trong thực hiện các thủ tục đầu tư, chủ yếu trong lĩnh vực đất đai, tài nguyên, môi trường, xây dựng, nhà ở, bất động sản và các ngành dịch vụ chưa mở hoặc mở hạn chế đối với các nhà đầu tư và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Tuy nhiên, các vấn đề, vướng mắc phát sinh liên quan đến thực thi Luật Doanh nghiệp không nhiều; tính chất của các vướng mắc phát sinh chủ yếu mang tính kỹ thuật, nghiệp vụ, thái độ và cách thức làm việc của các công chức, cơ quan có liên quan.
Đối với Luật Đầu tư, do quy mô và mức độ đổi mới rất lớn, được thực hiện trên phạm vi rộng, phức tạp, liên quan đến nhiều văn bản pháp luật, nhiều cơ quan nhà nước trong các lĩnh vực quản lý nhà nước khác nhau từ Trung ương đến địa phương, nên phát sinh khá nhiều vấn đề vướng mắc cần được nghiên cứu, xem xét giải quyết.
Hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) với sự hỗ trợ của Tổ công tác thi hành Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp cũng đã nhận diện và đánh giá các vướng mắc nêu trên và đã báo cáo Chính phủ để có phương án xử lý đối với các vướng mắc này.
Để tiếp tục triển khai hiệu quả hai luật này, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT đã chỉ đạo các đơn vị liên quan tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp theo tinh thần các Nghị quyết 19, Nghị quyết 35 của Chính phủ và đẩy mạnh việc triển khai thực hiện.
Trong phạm vi nhiệm vụ được giao, Bộ KH&ĐT đang rà soát các vấn đề còn vướng mắc trong quá trình thi hành hai Luật để kịp thời nghiên cứu, hướng dẫn thực hiện. Bên cạnh đó, Bộ KH&ĐT cũng tiếp tục phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước các cấp tăng cường tuyên truyền, phổ biến, tập huấn những điểm mới tại Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp cho cộng đồng doanh nghiệp và người dân để cùng thống nhất thực hiện.
Ngay sau khi Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư được ban hành, Bộ KH&ĐT đã nâng cấp, hoàn thiện Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp nhằm đáp ứng các quy định về pháp lý mới đối với công tác đăng ký doanh nghiệp.
Một trong những thay đổi nổi bật của Hệ thống này là tăng cường tính minh bạch, công khai thông tin về doanh nghiệp thông qua Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp. Kể từ khi Luật Doanh nghiệp có hiệu lực thi hành, các thông tin cơ bản của doanh nghiệp đã được công bố công khai trên Cổng thông tin, bao gồm các thông tin như tên doanh nghiệp; mã số doanh nghiệp; ngày thành lập; địa chỉ trụ sở chính; tên người đại diện theo pháp luật; thông báo mẫu con dấu; ngành, nghề kinh doanh của doanh nghiệp…
Các thông tin này góp phần tạo ra một môi trường kinh doanh minh bạch, hiệu quả, tăng cường khả năng giám sát của cộng đồng đối với các doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, sự phối hợp, trao đổi thông tin giữa Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp và Hệ thống thông tin thuế cũng được tăng cường; góp phần trong việc cắt giảm thời gian thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp từ 5 ngày làm việc xuống còn 3 ngày làm việc.
Nguồn: Cục Quản lý đăng ký kinh doanh
Theo TBKTSG