Game thủ đưa hình ảnh Việt Nam lên bản đồ Minecraft

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Những công trình nổi tiếng của Việt Nam, như Văn Miếu, Dinh Độc Lập, sân bay Nội Bài, được Phí Hoàng Đạt tái hiện chi tiết trong tựa game kinh điển Minecraft.

Đầu 2021, cộng đồng người chơi Minecraft bất ngờ phát hiện nhiều công trình nổi tiếng, danh lam thắng cảnh của Việt Nam được tái hiện một cách chi tiết trên bản đồ của game. Hình ảnh 3D mô phỏng lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Dinh Độc Lập, đường hoa Nguyễn Huệ... trong game đã được chia sẻ trên các diễn đàn quốc tế, như Reddit, YouTube và nhận về nhiều phản hồi tích cực.

Minecraft ra mắt năm 2009, thuộc thể loại game sinh tồn, thế giới mở. Trong game này, người chơi có thể tự do xây dựng các công trình theo trí tượng tưởng của mình trong thế giới 3D, bên cạnh hoạt động tìm kiếm, thu thập tài nguyên, chế tạo và chiến đấu.

Phí Hoàng Đạt, sinh viên năm nhất Cao đẳng FPT Hà Nội - chủ nhân của những danh lam thắng cảnh 3D trên - biết đến Minecraft từ khi còn học phổ thông. "Ban đầu mình chỉ xây những 'công trình' gần nơi ở, như Uỷ ban Nhân dân phường. Đến giữa năm 2019, mình bắt đầu nghĩ đến việc làm một dự án chỉnh chu, nhằm đem những hình ảnh, danh lam thắng cảnh của Việt Nam lên bản đồ Minecraft để giới thiệu đến bạn bè quốc tế", Đạt kể.

Phí Hoàng Đạt, sinh năm 2002, bắt đầu biết đến Minecraft từ khi còn học phổ thông.
Phí Hoàng Đạt, sinh năm 2002, bắt đầu biết đến Minecraft từ khi còn học phổ thông.

"Công trình" đầu tiên trong dự án là lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Khi đó, Đạt xây dựng mô hình trên một chiếc laptop cũ, nhấp từng cú click chuột để đặt từng viên gạch, trám từng khối màu. Vì hạn chế về máy móc và chưa có kinh nghiệm, "công trình" đầu tiên mất ba ngày mới xong phần khung, thêm hai ngày để đặt nội thất.

Theo Đạt, công đoạn mất thời gian nhất để đưa một địa danh ngoài đời thực vào game là tìm tư liệu. Tất cả hình ảnh dùng trong dự án phải là nguồn miễn phí trên Internet. Những khu vực cấm chụp hình hoặc không có ảnh, người chơi phải tự hình dung và vẽ lại sao cho phù hợp với tổng thể công trình và giống ngoài đời thực nhất có thể.

Sau giai đoạn chuẩn bị tư liệu là chọn khu vực để "xây dựng", quy hoạch để không phá vỡ bản đồ tổng thể và tạo được sự đồng nhất với những "công trình" sau đó. Việc chọn địa điểm "xây dựng" phải đối chiếu với hình ảnh thực tế ngoài đời và chọn chiều cao, độ rộng theo một tỷ lệ phù hợp. Nếu tỷ lệ quá lớn, "công trình" sẽ bị xấu. Nếu quá nhỏ, sẽ không đủ diện tích để tái hiện các chi tiết bên trong.

"Công thức của mình là dựa vào tỷ lệ của nhân vật trong game. Nếu nhân vật cao 170 cm, hai block trong game sẽ tương đương hai mét, từ đó sẽ tính toán được tỷ lệ chuẩn, vừa phù hợp với nhân vật vừa đúng kích thước công trình thật", Đạt nói.

Trước khi làm một mô hình hoàn thiện, Đạt thường xây một bản khung và chỉnh sửa cho đến khi đạt tỷ lệ tương đối. Sau đó phá bỏ bản nháp và bắt đầu "xây dựng" chi tiết. Đây là giai đoạn quan trọng nhất vì đòi hỏi chi tiết cao về cả màu sắc, chiều cao, độ rộng. Chỉ cần một vài chi tiết bị lệch là phải làm lại từ đầu.

Tương tự nhiều tựa game khác, cấu hình máy tính là trở ngại lớn nhất của Đạt. "Nhiều khi đang 'xây' thì máy bị treo. Toàn bộ công sức đều mất hết. Có lúc mình tức phát khóc, muốn đập nát máy tính", Đạt kể. "Mình từng bỏ cả tuần, không chơi nữa, nhưng sau đó quay lại, tiếp tục công việc đang dở dang", game thủ này nhớ lại.

Sau khi những đồ họa đầu tiên được nhiều người chú ý, giữa năm 2019, Đạt bắt đầu tuyển thêm đồng đội để cùng nhau đẩy nhanh tiến độ "xây nhà". Team Fuho ra đời với năm thành viên chính, giai đoạn đông nhất là 12 người. Thành viên của đội trải từ Bắc vào Nam. Trong suốt hai năm đã có hơn 30 "công trình" lớn nhỏ mang hình ảnh biểu tượng của Việt Nam được dựng trên bản đồ Minecraft.

Làm việc theo nhóm cũng là thách thức không nhỏ với tựa game vốn mang tính cá nhân như Minecraft. "Thách thức lớn nhất là phân chia công việc. Với những công trình lớn, như Nhà ga Quốc tế Nội Bài, mình yêu cầu độ chi tiết đến từng vạch dẫn trên đường bằng, nhưng một số bạn cho rằng chỉ cần tương đối. Mọi người mất khá nhiều thời gian để cùng đi đến phương án cuối. Ngoài ra, trong nhóm đa số là các bạn trẻ, không có nhiều kinh nghiệm và thời gian cho việc xây dựng. Vì vậy sau một thời gian, nhóm chỉ còn lại một nửa", Đạt nói.

Không chỉ nhận được sự ủng hộ của cộng đồng chơi game thủ, dự án của Đạt còn được người thân đặc biệt ủng hộ. Đạt kể: "Thời gian đầu, bố mẹ thấy mình cặm cụi vào game, họ rất lo lắng và phản đối. Nhưng sau khi biết được mục đích là truyền tải hình ảnh Việt Nam ra thế giới, họ không còn trách móc nữa mà chỉ nhắc nhở không được lơ là việc học".

Hiện tại dự án của Đạt là phi lợi nhuận. Toàn bộ chi phí về máy móc, server đều tự túc. "Về lâu dài, bọn mình muốn tạo ra một thế giới tiền tệ riêng để mọi người vào game có thể trao đổi, mua bán, tái hiện mọi thứ như ngoài đời thật. Mọi thứ đang được lên kế hoạch chi tiết, từ việc hình thành ý tưởng, tuyển dụng cho đến thời điểm phát hành", Đạt chia sẻ.

Những công trình lớn của Việt Nam được Team Fuho xây dựng trong Mincecraft.
Những công trình lớn của Việt Nam được Team Fuho xây dựng trong Mincecraft.

Minecraft là tựa game kinh điển của mọi thời đại. Dù ra mắt từ năm 2009, tới nay vẫn có rất nhiều người chơi. Helen Chiang, Giám đốc Giám đốc Mojang - nhà phát hành game này trên toàn cầu - từng cho biết Minecraft có 480 triệu người chơi trên khắp thế giới, hiện tại có 112 triệu người chơi thường xuyên mỗi tháng. Trong khi đó, năm 2019, PUBG có khoảng 3 triệu người chơi thường xuyên, Fornite có 2 triệu người.

Dù không được quảng bá rầm rộ hay tổ chức những giải đấu quốc tế, Minecraft vẫn sở hữu cộng đồng người chơi đông đảo tại Việt Nam. Game thủ có thể chơi đơn hoặc thuê máy chủ để xây dựng theo nhóm. Tương tự thị trường Trung Quốc, phiên bản Minecraft được yêu thích ở Việt Nam là bản chơi miễn phí, dù bị giới hạn một số tính năng.

Theo VnExpress