Masayoshi Son - nhà sáng lập SoftBank Group (Ảnh: AFP) |
Masayoshi Son, tỷ phú sáng lập của SoftBank Group Corp., vốn nổi tiếng là người chủ trì những buổi họp báo công bố doanh thu hàng quý bằng những bài thuyết trình hoành tráng.
Nổi bật trong số đó phải kể đến bài thuyết trình chú ngỗng đẻ ra những quả trứng vàng trị giá hàng tỉ USD và một đàn kỳ lân bay dọc theo biểu đồ tăng trưởng lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, theo Wall Street Journal.
Nhưng những bài thuyết trình 'truyền cảm hứng' như vậy có thể sẽ không còn nữa.
Bài thuyết trình chú ngỗng đẻ ra trứng vàng và đàn kỳ lân bay ấn tượng của tỷ phú Masayoshi Son (Ảnh: Wall Street Journal) |
Tại buổi công bố kết quả doanh thu tập đoàn vào ngày 11/11, Son đã thay bài thuyết trình đặc sắc bằng những lời nhận xét ngắn gọn, đồng thời thông báo sẽ lùi lại phía sau hậu trường và giao lại trách nhiệm quản lý các hoạt động của SoftBank cho giám đốc tài chính của công ty.
Động thái này diễn ra trong bối cảnh tập đoàn công nghệ có trụ sở tại Tokyo này đang ở trong giai đoạn khó khăn.
SoftBank trong những năm gần đây đã chịu ảnh hưởng của định giá công nghệ giảm mạnh, đặc biệt là ở thị trường Trung Quốc – một trong những khu vực đầu tư chủ chốt của nhà đầu tư tích cực nhất thế giới này.
Trong nửa đầu năm 2022, SoftBank ghi nhận khoản lỗ lên đến 35 tỉ USD, đánh dấu 2 quý liên tiếp đầu tiên thua lỗ của tập đoàn trong vòng 17 năm. Dựa theo báo cáo mới công bố, tình trạng thua lỗ vẫn sẽ tiếp diễn nhưng con số có thể sẽ ít hơn.
Phần lớn khoản lỗ của SoftBank đều đến từ mảng đầu tư khởi nghiệp Vision Fund. Trong quý trước, mảng này đã lỗ tới 19,9 tỉ USD khi chứng kiến giá cổ phiếu lao dốc của các công ty khởi nghiệp được SoftBank hậu thuẫn, tiêu biểu như công ty gọi xe Grab Holdings Ltd. và công ty môi giới bất động sản Compass.
Sự sụt giảm giá cổ phiếu của WeWork và SenseTime có trụ sở tại Trung Quốc đã góp phần khiến SoftBank thua lỗ (Ảnh: Bloomberg) |
Các cổ phiếu giao dịch công khai mà Vision Fund nắm giữ đã giảm gần 2,5 tỉ USD trong quý 3/2022, chủ yếu là do sự giảm giá của các mã cổ phiếu của WeWork, SenseTime.
Gần đây, SoftBank cũng dần ít cung cấp các kế hoạch của mình cho giai đoạn tăng trưởng sắp tới. Thay vào đó, Son cho biết tập đoàn đang chuyển sang chế độ phòng thủ và tập trung vào việc huy động tiền mặt.
'Quân bài' Arm
Masayoshi Son được tin rằng đang tập trung vào Arm – công ty thiết kế chip có trụ sở tại Anh - được SoftBank mua lại từ năm 2016 với giá 32 tỉ USD.
Vào thời điểm đó, đây được coi là thương vụ lớn nhất từ trước đến nay của SoftBank. Son từng ca ngợi việc mua lại này là một sự thay đổi mô hình, cho phép tập đoàn tận dụng tiềm năng của Internet of Things.
Khác với các nhà sản xuất chip khác như AMD, Intel, Motorola hay Hitachi, Arm không tạo ra vi mạch CPU, GPU hoàn chỉnh mà chỉ kiên trì với con đường thiết kế và bán bản quyền chip. Nói cách khác, Arm chỉ bán bản vẽ còn thực hiện ra sao là việc của đối tác. Thiết kế của Arm được nhiều công ty bán dẫn mua bản quyền như Apple, Samsung, Qualcomm.
Thương vụ đình đám một thời trong ngành chất bán dẫn giữa Arm và Nvidia (Ảnh: Tech Crunch) |
Vào tháng 9/2020, một sự kiện đã được công bố rầm rộ khi “gã khổng lồ” bán dẫn Nvidia tuyên bố muốn mua lại Arm với giá 40 tỉ USD, khẳng định sẽ tạo ra “công ty điện toán hàng đầu thế giới trong kỷ nguyên AI”.
Tuy nhiên, ngay lập tức xuất hiện những lời chỉ trích đến từ các nhà lập pháp Anh, những “ông lớn” công nghệ như Google, Microsoft, Qualcomm,…
Hermann Hauser, người có công phát triển bộ vi xử lý Arm đầu tiên, chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn với Reuters: “Đây là công ty công nghệ châu Âu cuối cùng có phạm vi toàn cầu và nó đang được bán cho Mỹ. Điều này sẽ gây ra thảm họa cho Cambridge, Anh và cả châu Âu”.
Ông lo ngại rằng thỏa thuận này sẽ gây nguy hiểm cho vị thế của Arm, công ty vốn được coi là “Thụy Sĩ của ngành công nghiệp bán dẫn”, nơi cho phép hàng trăm công ty công nghệ khác tự phát triển chip bằng cách sử dụng bản vẽ của nó.
Theo Greg Roh, đứng đầu bộ phận nghiên cứu Huyndai Motor Securities tại Seoul, một công ty kiến trúc chip chủ chốt như Arm gia nhập Mỹ thông qua Nvidia vốn không được hoan nghênh.
“Ngành chip đang trong một cuộc chiến gay gắt. Các quốc gia đều cố gắng cạnh tranh để giành lợi thế và sẵn sàng loại bỏ các bất lợi trước mắt”, Roh cho biết.
Đúng như dự đoán, đến tháng 2/2022, Nvidia quyết định từ bỏ thương vụ này dù đã trải qua thời gian dài đấu tranh pháp lý với cơ quan lập pháp. SoftBank và Arm được quyền giữ 2 tỉ USD mà Nvidia đã trả khi ký kết, bao gồm 1,25 tỉ USD “phí chia tay”.
“Không bất ngờ khi thương vụ này thất bại. Tìm cách xoa dịu các nhà lập pháp trong khi duy trì và biện minh cho mức giá hơn 40 tỉ USD là một thách thức quá lớn”, Geoff Blaber, CEO hãng phân tích CCS Insight chia sẻ trên CNBC.
Ngay sau đó, tỷ phú Son đã công bố kế hoạch đưa “viên ngọc quý” của ngành công nghệ Vương quốc Anh rời xa thị trường quê nhà và niêm yết ở New York. Một động thái kích thích sự vận động hành lang mạnh mẽ từ chính phủ Anh để đảm bảo thương vụ IPO này phải diễn ra ở London.
Theo Nikkei Asia, SoftBank đang chạy đua để tăng giá trị của Arm trước thềm IPO hãng sản xuất chip này. Đích thân vị chủ tịch kiêm CEO Masayoshi Son đã liên hệ với Samsung Electronics để tìm kiếm mối quan hệ hợp tác tiềm năng.
Samsung có thể tự thiết kế bộ vi xử lý điện thoại thông minh và là khách hàng quan trọng của Arm. Việc hợp tác này có thể mở ra nhiều cơ hội kinh doanh mới cho Arm, tuy nhiên cũng không thiếu những trở ngại khi kết hợp với một công ty bán dẫn khác. Tăng cường mối quan hệ với một khách hàng cụ thể có thể gây ra sự phản kháng từ những đối thủ cùng ngành do tâm lý sợ bị đặt vào thế bất lợi.
Coi Arm như nguồn năng lượng, nguồn phấn khởi của mình, Son cho rằng chiến lược tương lai của nhà thiết kế chip này sẽ là đóng góp lớn nhất của ông tới kết quả hoạt động của SoftBank. Đồng thời, Son cũng có kế hoạch giữ lại phần lớn cổ phần của Arm sau khi IPO theo kế hoạch.
“Trong vài năm tới, tôi muốn cống hiến cho giai đoạn phát triển bùng nổ tiếp theo của Arm. Tôi sẽ ủy thác các hoạt động quản lý hàng ngày của tập đoàn cho các giám đốc điều hành khác”, Son thông báo trong một bài phát biểu dài 30 phút ngày 11/11.
Được biết, Arm ghi nhận doanh thu thuần trong nửa đầu năm 2022 giảm 6,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Mặc dù doanh thu bản quyền tăng 20% lên 916 triệu USD, một phần do các lô hàng điện thoại thông minh 5G cao cấp và mức phí bản quyền cao hơn. Doanh thu ngoài tiền bản quyền bao gồm nguồn thu từ giấy phép ghi nhận giảm 34% xuống 459 triệu USD./.
Nguồn tham khảo: Wall Street Journal, Financial Times, Reuters, CNBC