SoftBank muốn lập thêm quỹ đầu tư khởi nghiệp mới

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Vị tỉ phú Masayoshi Son quyết tìm ra con đường mới cho SoftBank dù gã khổng lồ trong trong lĩnh vực đầu tư công nghệ này đang chìm trong thua lỗ bởi Vision Fund 2.

Bất chấp khoản lỗ khổng lồ, SoftBank vẫn xem xét về việc thành lập quỹ đầu tư mới (Ảnh: Bloomberg)

Bất chấp khoản lỗ khổng lồ, SoftBank vẫn xem xét về việc thành lập quỹ đầu tư mới (Ảnh: Bloomberg)

Tờ Wall Street Journal vừa dẫn một số nguồn tin cho hay, SoftBank Group Corp. (SoftBank) đang cân nhắc về việc thành lập thêm một quỹ đầu tư khởi nghiệp mới bất chấp việc đang phải gánh các khoản lỗ lớn từ những khoản đầu tư mạo hiểm trong lĩnh vực công nghệ.

Theo đó, tập đoàn công nghệ có trụ sở tại Tokyo dự định sẽ sử dụng tiền mặt của chính mình để rót cho quỹ Vision Fund thứ 3 nếu quyết tâm triển khai kế hoạch này.

SoftBank cũng cân nhắc về khả năng rót thêm tiền cho quỹ Vision Fund 2 - quỹ đầu tư chính của SoftBank trong vài năm trở lại đây, thay vì thành lập thêm quỹ mới. Vision Fund 2 hiện đang nắm giữ số tài sản ít hơn so với khoản tiền đổ vào nó.

Những khoản lỗ của Vision Fund 2 đã khiến cho tiền lương của đội ngũ của SoftBank làm việc tại quỹ này bị giảm đáng kể. Công ty này dự kiến sẽ đưa ra quyết định cuối cùng trong vài tháng tới, theo một số nguồn tin.

SoftBank, dưới sự dẫn dắt của CEO Masayoshi Son, đã chịu ảnh hưởng nặng nề bởi vòng định giá công nghệ bắt đầu từ mùa Thu năm ngoái, và báo lỗ 23 tỉ USD trong quý 2/2022. Đây là hệ quả của Vision Fund 1 và 2 - các quỹ đầu tư vào các 'startup' mà ông Son thành lập vào năm 2017 với hy vọng thống trị lĩnh vực đầu tư mạo hiểm. Khoản tiền 100 tỉ USD đầu tiên mà ông rót cho Vision Fund, trong đó Arab Saudi và UAE góp 60 tỉ USD, đã 'bốc hơi' do đặt cược vào các công ty như WeWork và Didi Global.

Quỹ Vision Fund 2 được thành lập sau đó và được SoftBank trực tiếp rót vốn với quy mô lên tới 49 tỉ USD, nhưng giờ giá trị chỉ bằng 19% so với khoản tiền được rót vốn ban đầu.

Masayoshi Son chịu tác động và hứng nhiều chỉ trích do các khoản đặt cược bất thành (Ảnh: Reuters)

Masayoshi Son chịu tác động và hứng nhiều chỉ trích do các khoản đặt cược bất thành (Ảnh: Reuters)

Ông Son nói với các nhà đầu tư trong tháng 8 vừa qua rằng ông “khá xấu hổ và ân hận” khi đầu tư quá mạnh tay vào lĩnh vực startup, và ông đã giảm đáng kể các khoản đầu tư vào lĩnh vực này. Thế nhưng, ông nói thêm rằng SoftBank sẽ tiếp tục cam kết với lĩnh vực công nghệ và startup, và đến sau cùng vẫn sẽ tăng đầu tư cho các lĩnh vực này.

Ông Son và SoftBank đang cố gắng vạch ra con đường mới sau khi thị trường đi theo hướng không có lợi cho các khoản đầu tư cho công nghệ. Ông cũng đối mặt với hàng loạt lá đơn từ chức của các nhân sự hàng đầu. Trong tháng 7, công ty này tuyên bố ông Rajeev Misra – người đứng đầu quỹ Vision Fund kể từ năm 2017 – sẽ rời chức vụ quản lý các khoản đầu tư mới, và tự lập quỹ riêng của mình.

Bất chấp thực tế đó, SoftBank dự kiến sẽ nhận thêm nguồn tiền mới trong năm tới, đến từ việc chào bán cổ phần của nhánh chế tạo chip Arm của họ.

Tuy nhiên, giới phân tích và đầu tư cho rằng những lựa chọn mà công ty này sẵn có hạn chế hơn so với trước kia. Ông Son đã giảm cổ phần của SoftBank tại Alibaba Group Holding Ltd. và tăng cường mua lại cổ phần thường. Kết quả luôn là tăng thêm các khoản đặt cược cho startup, để rồi sau đó mang lại kết quả đáng thất vọng.

Trong số những người thúc đẩy thành lập quỹ mới là một số nhân viên của Vision Fund. Một quỹ đầu tư mới sẽ là cách để bù lại khoản tiền lương mà họ đã mất – bởi thu nhập của họ phụ thuộc vào lợi nhuận của quỹ này. Quỹ hiện tại sẽ cần phải bù lấp lại khoản lỗ khổng lồ để nhân viên có thể có được khoản tiền thưởng đó. Công ty này cũng đang xem xét về việc tái cấu trúc lại cơ cấu lương thưởng cho nhân viên của Vision Fund 2.

Quy mô của quỹ đầu tư mới mà SoftBank đang cân nhắc vẫn chưa được quyết định.

Cá nhân ông Son cũng chịu ảnh hưởng khi quỹ Vision Fund làm ăn thua lỗ bởi từng cam kết chi 2,6 tỉ USD đầu tư với tư cách cá nhân. Dựa trên các điều khoản của khoản đầu tư này, ông Son không tự chi tiền mà sẽ được SoftBank 'ghi nợ' nếu như quỹ Vision Fund hoạt động kém hiệu quả.

Khoản đầu tư bất thường này đã hứng chịu chỉ trích của một số nhà đầu tư và phân tích, họ cho rằng nó có thể làm chệch động lực của ông Son, với một cấu trúc có thể khiến ông tập trung hơn vào Vision Fund 2 so với các khoản đầu tư khác. Ông Son, người sở hữu 1/4 SoftBank, nói rằng cấu trúc này giúp ông tập trung hơn cho quỹ đầu tư.

Theo Wall Street Journal