Dòng tiền từ hoạt động kinh doanh của FPT Retail đã âm hai quý liên tiếp |
Cụ thể, dòng tiền từ hoạt động kinh doanh (CFO) của FRT đã âm hai quý liên tiếp. Chỉ số này trong quý 1 và quý 2/2021 lần lượt đạt âm 501,7 tỉ đồng và âm 305,9 tỉ đồng.
Bên cạnh đó, tỉ lệ nợ vay trên vốn chủ sở hữu (D/E) của FRT tại cuối quý 2/2021 lên tới 3,92 lần, mức cao nhất kể từ năm 2017.
“Điều đó cho thấy hoạt động kinh doanh của công ty không tạo ra dòng tiền và áp lực nợ vay đang ngày càng cao”, Fiingroup lưu ý.
Ngoài ra, đơn vị phân tích này cũng lưu ý rủi ro thanh khoản trong ngắn hạn của FRT. Cụ thể, tại thời điểm cuối quý 2/2021, FRT có 2.500 tỉ đồng hàng tồn kho nhưng có tới 930 tỉ đồng phải trả người bán và 223,7 tỉ đồng chi phí phải trả ngắn hạn. Như vậy, khoảng 46,7% hàng tồn kho của FRT được tài trợ bằng các khoản tín dụng thương mại.
Fiingroup cho rằng điều này sẽ tiềm ẩn rủi ro thanh toán ngắn hạn cho FRT nếu công ty không đảm bảo tốc độ bán hàng, đặc biệt là khi dòng tiền CFO đang âm và D/E ở mức cao.
Theo tìm hiểu của VietTimes, FRT chủ yếu phát sinh dư nợ vay ngắn hạn. Tính đến cuối quý 2/2021, khối nợ này của FRT đã tăng gấp đôi so với đầu năm, đạt 5.044,4 tỉ đồng.
Đây chủ yếu là các khoản vay ngân hàng không có tài sản đảm bảo với thời gian đáo hạn dưới 1 năm nhằm mục đích bổ sung vốn kinh doanh. Các khoản vay bằng VND có lãi suất từ 2,25%-3,3%/năm, còn các khoản vay bằng USD có lãi suất từ 1,85%-2,25%/năm.
Đứng đầu trong danh sách tài trợ tín dụng cho FRT là HSBC Hongkong với dư nợ tính đến 30/6/2021 đạt 789,8 tỉ đồng (tăng 15,8 lần so với đầu năm 2021), tiếp đến là BIDV với 725,9 tỉ đồng, Standard Chartered Việt Nam (456,4 tỉ đồng). Ngoài ra, FRT cũng phát sinh các khoản vay với các ngân hàng Standard Chartered Singapore (318,9 tỉ đồng), ANZ Singapore (229,9 tỉ đồng).
Ở chiều hướng ngược lại, FRT cũng tìm được những kênh đầu tư ngắn hạn có mức lãi suất hấp dẫn, ít nhất là hơn lãi suất của các khoản vay kể trên.
Cụ thể, tại ngày 30/6/2021, FRT đã gửi 1.873,6 tỉ đồng tại ngân hàng để hưởng lãi suất từ 4% - 5,6%/năm.
Đáng chú ý, FRT cũng cho CTCP FPT (cổ đông lớn nắm 46,53% vốn điều lệ) vay 1.650 tỉ đồng với thời hạn không quá 6 tháng với lãi suất từ 4%-6%/năm.
Các hoạt động này góp phần giúp doanh thu hoạt động tài chính của FRT sau nửa đầu năm 2021 đạt 81,4 tỉ đồng, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước.
FRT vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất 6 tháng đầu năm 2021 đã kiểm toán.
Theo đó, luỹ kế nửa đầu năm 2021, doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế hợp nhất của FRT lần lượt đạt 9.024,2 tỉ đồng và 61,1 tỉ đồng, tăng 23,9% và 386% so với cùng kỳ năm trước.
Nguồn thu chủ yếu của FRT vẫn đến từ mảng thiết bị tin học, điện thoại, linh kiện, phụ kiện có liên quan, với giá trị đạt 7.687,8 tỉ đồng. Trong khi đó, doanh thu từ mảng dược phẩm tăng gấp 2,8 lần so với cùng kỳ, đạt mức 1.336,4 tỉ đồng.
Hoạt động kinh doanh của FRT được dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn khi nhiều cửa hàng buộc phải đóng cửa khi dịch Covid-19 đang bùng phát ở 19 tỉnh thành phía Nam và Hà Nội. Doanh thu từ mảng laptop và chuỗi nhà thuốc Long Châu (2 lĩnh vực được hưởng lợi trong dịch bệnh), mới chỉ chiếm 30% doanh thu của FRT./.