Dưới đây là lời kể của nhà báo Meng Jing của tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng:
Cánh cổng dẫn tới cơ sở sản xuất khổng lồ của Foxconn tại thành phố Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam, được bao phủ bởi một đám mây màu xám tạo do ô nhiễm không khí. Bên ngoài, một người đàn ông đang ngồi xổm hút thuốc, bên cạnh là túi hành lý.
Sau vài phút quan sát, tôi hỏi người đàn ông: “Anh đang tìm việc đấy à?”
Người đàn ông đáp lại: “Đúng, chị cũng vậy à?”
Nói xong, anh ấy vứt điều thuốc, khoác túi lên vai, rồi rủ tôi đến khu vực tiếp tân của nhà máy để xin việc. Người đàn ông này tiết lộ từng làm công nhân cho nhà máy Foxconn ở thành phố Trịnh Châu, cơ sở lắp ráp iPhone lớn nhất thế giới. Anh ấy cũng cho biết đã được mời quay lại sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, kèm lời hứa về khoản tiền thưởng 1.000 NDT (tương đương 149 USD) trả dần thành 2 đợt.
Chúng tôi đi bộ khoảng 100 mét để tới quầy lễ tân của nhà máy. Sau khi đưa ra tin nhắn, người đàn ông được đưa lên một chiếc xe bus màu xanh lá để hoàn tất thủ tục đăng ký. Trong khi đó, tôi được đưa tới gặp 2 nhà tuyển dụng của Foxconn.
Để trở thành công nhân trong nhà máy của Foxconn, bạn phải đáp ứng một vài điều kiện bao gồm: Tuổi từ 16-40 tuổi, không phải người gốc Tân Cương hay Tây Tạng (không được đề cập trên website của Foxconn) và trình độ học vấn hết cấp 2.
Sau khi nhìn lướt qua tấm thẻ căn cước công dân (Chinese ID) của tôi, 2 nhà tuyển dụng nói rằng tôi có thể bắt đầu công việc ngay chiều hôm đó. Họ hứa sẽ cấp cho tôi nơi ở, một khu ký túc của Foxconn, vào cuối ngày.
Các nhà tuyển dụng khuyên rằng nếu muốn có thêm thu nhập, tôi có thể làm việc theo hợp đồng tạm thời thông qua một công ty môi giới. Theo cách này, tôi sẽ không phải trả thuế và phí bảo hiểm bắt buộc.
Tôi trả lời: “Đồng ý”.
Một nhà tuyển dụng chia sẻ: “Chúng tôi đang tìm kiếm công nhân một cách tuyệt vọng. Chúng tôi phải tuyển đủ 50.000 nhân lực trong vòng 2 tháng”.
Sau đó, nhà tuyển dụng nhanh chóng liên hệ tới đại lý để cấp cho tôi một hợp đồng tạm thời, và cho biết người môi giới sẽ chủ động tới đón tôi để phỏng vấn thêm. Anh ấy cam kết toàn bộ thủ tục chỉ tốn chưa đầy 20 phút.
Quy định tuyển dụng nhân công tại nhà máy Foxconn: Tuổi từ 16 đến 40, học hết lớp 9 và không phải người gốc Tân Cương hay Tây Tạng. Ảnh: SCMP
|
10 phút sau, tôi đã có mặt trên chiếc xe của đại lý môi giới. Dọc đường tới văn phòng, người phụ nữ trong xe giải thích rằng thủ tục kiếm tra khá đơn giản: “Trước khi phỏng vấn, chị sẽ được yêu cầu thực hiện bài kiểm tra tâm lý”. Người phụ nữ nói thêm: “Các câu hỏi kiểu như gần đây chị có hay bị mất ngủ không. Quá trình này chỉ để kiểm tra xem chị có bị trầm cảm hay không, và chị chỉ cần nói: ‘KHÔNG’“
Bên ngoài khuôn viên nhà máy Foxconn có hàng tá đại lý môi giới, tuyển dụng nhân lực cho tất cả các cơ sở sản xuất của Foxconn tại Đại lục. Bạn có thể thấy những người tìm việc từ khắp tỉnh Hà Nam, kéo theo vali, nằm vạ vật tìm việc làm ở thành phố Trịnh Châu.
Nữ nhân viên môi giới hứa với tôi rằng nếu tôi làm việc cho Foxconn đủ 55 ngày, tôi sẽ nhận được tiền thưởng 1.600 NDT (tương đương 239 USD).
Người phụ nữ nói: “Sau bữa trưa, chúng tôi sẽ đưa chị đi phỏng vấn”. Cô ấy nói thêm: "Sau đó, chị sẽ được xét nghiệm máu để đảm bảo không mắc bệnh truyền nhiễm. Lệ phí kiểm tra là 50 NDT và chị phải tự trả”.
Cô ấy cho biết mỗi công nhân Foxconn sẽ được chỉ định ở trong một khu ký túc với 4 giường tầng dành cho 8 người. Giá thuê nhà mỗi tháng là 150 NDT, so với mặt bằng trung tại thành phố Trịnh Châu (1.625 NDT) thì dường như đây là một món hời.
Tuy nhiên, việc xét nghiệm máu ngẫu nhiên khiến tôi quyết định rút lui. Tôi lấy cớ không muốn làm việc xa gia đình và nói lời tạm biệt.
Foxconn ăn nên làm ra đã đem lại điều kiện phát triển kinh tế cho thành phố Trịnh Châu nói riêng. và tỉnh Hà Nam nói chung. Ảnh: SCMP
|
Mặc dù cơ hội tiếp cận dây chuyền sản xuất của tôi đã hết, nhưng tôi vẫn quay trở lại vào ngày hôm sau, trà trộn vào một dàn công nhân với hy vọng có được cái nhìn đầu tiên về khu ký túc của Foxconn.
Cuối cùng, tôi đã đặt chân tới “Yukang”. “Yukang” là khu phức hợp được tạo nên bởi 10 tòa ký túc dành cho công nhân Foxconn. Mặc dù theo một số báo cáo quy trình an ninh ở đây rất nghiêm ngặt, nhưng tôi không bị yêu cầu xuất trình giấy tờ tùy thân.
Các nhà tuyển dụng đã nói tất cả các phòng trong ký túc được trang bị điều hòa không khí, phòng tắm độc lập và dịch vụ giặt là miễn phí. Tuy nhiên, sự thật không tốt đẹp như những lời quảng cáo.
Cảm nhận đầu tiên của tôi là khu ký túc xá “Yukang” giống như một thị trấn thu nhỏ với đủ loại dịch vụ tiện ích: Siêu thị, ATM, quán karaoke, hồ bơi, sân trượt băng và vài khách sạn nhỏ.
Sự bùng nổ Foxconn đã đem đến cơ hội phát triển kinh tế cho tỉnh Hà Nam, nơi các nhà máy của Foxconn đóng góp đáng kể. Nhưng theo Hải quan Trịnh Châu, doanh số bán iPhone lao dốc khiến số lượng smartphone xuất khẩu trong tháng 1-2019 của tỉnh Hà Nam đã giảm 23,7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Doanh thu của Foxconn tăng trưởng ổn định và thần tốc cũng một phần bởi lương trả cho nhân công (khoảng 2.100 NDT/tháng) thấp hơn nhiều so với mức thu nhập trung bình tại thành phố Trịnh Châu (6.929 NDT/tháng).
Công nhân xếp hàng xin nghỉ việc đã trở thành hình ảnh quen thuộc tại nhà máy Foxconn Trịnh Châu. Ảnh: SCMP
|
Gần đây, Foxconn sa sút dẫn tới cuộc di cư của hàng loạt công nhân. Nếu công nhân Foxconn không làm việc tăng ca, họ chỉ có thể dành dụm được 1.500 NDT/tháng, sau các khoản khấu trừ.
Tôi đã chứng kiến hàng dài công nhân xếp hàng xin thôi việc và bị nữ quản lý cảnh báo: “Hãy cư xử cho đúng mực, nếu không anh/chị sẽ không thể nghỉ việc”.
Với lượng lớn công nhân đã xin nghỉ kể từ tháng 10, những người còn lại đã tập hợp lại và ở chung cùng nhau để tiết kiệm chi phí. Thực tế, hai phần ba tòa nhà trong khu “Yukang” hiện đang bị bỏ trống.
Lần theo những tòa nhà ký túc, tôi hy vọng sẽ khám phá thêm được nhiều thứ hơn. Đó là hành lang dài, lờ mờ dẫn lên tầng 2 của tòa nhà. Một số bóng đèn đã hỏng, một số chỉ sáng lay lắt.
Trên tường phòng tắm dán bảng thông báo ngừng cung cấp dịch vụ giặt là miễn phí vào ngày 1-1-2019.
Khu vực giặt tay tồi tàn của công nhân nhà máy Foxconn Trịnh Châu. Ảnh: SCMP
|
Dòng chữ cảnh báo cấm leo trèo sơn cạnh các ban công tại khu ký túc Yukang. Ảnh: SCMP
|
Phía ban công sơn hàng tá dòng cảnh báo nguy hiểm “cấm leo trèo”. Theo báo cáo của Trung Quốc Nhật báo và Tân Hoa Xã, 14 công nhân của nhà máy Foxconn Thâm Quyến đã nhảy lầu tự tử vào năm 2010. Wall Street Journal từng tiết lộ rằng một công nhân 31 tuổi tại cơ sở Trịnh Châu đã tự tử vào năm 2016.
Các công nhân đang xếp hàng xin thôi việc cho biết đây là chuyện thường ngày. Một người đàn ông chia sẻ: “Tôi chỉ muốn nghỉ, tiền lương quá thấp”.
Làn sóng lao động nghỉ việc giải thích lý do vì sao Foxconn tuyệt vọng tìm kiếm nhân sự mới đến vậy. Điều đó có lẽ đã thôi thúc nhà tuyển dụng liên hệ lại với tôi sau 2 hôm. Cô ấy đề xuất tăng mức tiền thưởng, nếu làm việc đủ 55 ngày, từ 1.600 NDT thành 2.200 NDT.
Được biết, Foxconn đặt ra mức thưởng lên tới 9.000 NDT trong các mùa cao điểm trước. Nhưng trong thời kỳ kinh tế khó khăn, nguồn nhân lực của nhà sản xuất iPhone số 1 thế giới đã suy giảm nghiêm trọng. Bạn có thể nhận ra điều này thông qua thay đổi trong cuộc sống của công nhân nhà máy Foxconn Trịnh Châu.
Theo SCMP