Ford nhận bằng sáng chế từ công nghệ sạc không dây cho xe điện trên đường giao thông

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Hãng xe Ford nhận được bằng sáng chế do Văn phòng Bằng sáng chế và Nhãn hiệu Mỹ (USPTO) cấp cho đề xuất sạc không dây cho các phương tiện chạy bằng điện khi đang di chuyển trên đường trong tương lai.

Ford nhận được bằng sáng chế cho công nghệ sạc không dây động trên tuyến đường cho EV. Ảnh Inside EVs
Ford nhận được bằng sáng chế cho công nghệ sạc không dây động trên tuyến đường cho EV. Ảnh Inside EVs

Ứng dụng được cấp bằng sáng chế cho thấy phương pháp sạc không dây, trong đó các cuộn dây điện từ được kết nối với nguồn điện, được nhúng vào mặt đường để truyền điện không dây tới các thiết bị thu gắn trên xe điện (EV) chạy dọc theo tuyến đường. Phát minh thực sự ấn tượng và cũng gây nhiều hoài nghi.

Với tiêu đề "Giám sát và căn chỉnh theo cuộn dây sạc trên đường", Ford đề xuất ứng dụng cho phép EV sạc không dây hiệu quả hơn. Hồ sơ ứng dụng được nộp vào ngày 20/1, sau đó được USPTO công bố ngày 20/7, sáng kiến đề xuất trang bị cho các phương tiện chạy hoàn toàn bằng điện radar xuyên đất, phát hiện các cuộn dây của thiết bị sạc không dây. Hệ thống với radar phát hiện máy sạc sẽ tự động điều khiển EV, tối đa hóa năng lượng sạc bằng phương pháp căn chỉnh chính xác những cuộn dây trên đường với thiết bị thu sóng từ trường để chuyển hóa thành điện, sạc cho pin của xe.

Fordkhongday02.jpg
Fordkhongday03.jpg
Fordkhongday04.jpg
Fordkhongday05.jpg
Sơ đồ hệ thống sạc không dây và phương pháp điều chỉnh EV để đạt được mức sạc tối ưu. Ảnh Ford

Mô tả chi tiết của sáng kiến như sau: “Sáng chế tối ưu hóa kết nối cảm ứng giữa cuộn dây nhận từ trường gắn trên xe và cuộn dây truyền tải điện gắn trên đường, tối đa hóa tốc độ sạc của EV khi xe chạy với tốc độ cao trên đường.

Radar xuyên đất (tốt nhất là radar Ultra-Wideband hoặc UWB) phát hiện và chỉ ra vị trí các cuộn dây sạc nhúng trên đường giao thông, điều chỉnh đường đi của phương tiện cho khả năng sạc tối ưu. Phạm vi phát hiện của radar vượt ra ngoài cuộn dây sạc bên dưới phương tiện, kéo dài đến một vài cuộn dây tiếp theo theo hướng di chuyển của phương tiện”.

Đây là một đề xuất thú vị, có thể cho phép EV có pin nhỏ hơn, phương tiện nhẹ hơn và phạm vi hoạt động xa hơn do EV được sạc khi đang di chuyển. Tuy nhiên, nó cũng có nhược điểm, lớn nhất trong số đó là chi phí triển khai các cuộn dây đồng trên đường và lắp đặt radar trên tất cả các phương tiện chạy điện.

Một vấn đề tiềm ẩn khác là công suất đầu ra hạn chế mà các giải pháp sạc không dây động hiện nay có khả năng cung cấp, hầu hết chỉ đạt từ 11 kW đến 20 kW trong tình huống các thiết bị sạc không dây động này mới đang ở mức thử nghiệm.

Tốc độ truyền tải điện năng trung bình lớn hơn 70 kW đạt được trên một đoạn đường thử nghiệm dài một dặm ở Thụy Điển vào năm 2021. Công ty khởi nghiệp ElectReon của Israel đã thử nghiệm thành công công nghệ truyền tải điện không dây ở các tốc độ khác nhau, tốc độ cao nhất là 37 dặm (60 km)/giờ trên một chiếc xe tải 40 tấn.

Một cuộc thử nghiệm gần đây hơn, do công ty Stellantis tiến hành ở Italy với công nghệ ElectReon được triển khai trên đường, một chiếc Fiat 500e di chuyển và được sạc động không dây trên một đoạn đường dài 3.444 foot (1,05 km).

Những thí nghiệm này cho thấy, để một EV có thể sạc trên đường khi di chuyển, do công suất thấp, quãng đường lắp đặt các cuộn dây sạc tương đối dài, đồng thời cũng cần giới hạn tốc độ di chuyển để EV có thể sạc đầy pin cho hành trình. Điều kiện này khiến phương pháp sạc EV khi đang di chuyển có giá thành cao hơn hẳn các trạm sạc cố định.

Đây không phải là lần đầu tiên Ford có bằng sáng chế cho công nghệ EV mới. Tháng 7, doanh nghiệp đã nộp đơn đăng ký sáng chế cho một xe kéo sạc di động, cung cấp điện năng cho các EV chở khách, Tháng 6, công ty nộp đơn xin cấp bằng sáng chế khác, phát triển bộ pin dự phòng gắn trên nóc xe trong trường hợp EV chạy qua khu vực hoàn toàn không có trạm sạc nào.

Theo Inside EV