FLC đang bị thâu tóm?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Thanh khoản kỷ lục lên tới 14% vốn điều lệ giúp cổ phiếu FLC thoát cảnh ‘nằm sàn’ trong phiên giao dịch ngày 1/4, nhưng tập đoàn này lại cho rằng có dấu hiệu bất thường, cần phải làm rõ.
Vì sao FLC đề nghị hủy giao dịch cổ phiếu trong phiên 1/4
Vì sao FLC đề nghị hủy giao dịch cổ phiếu trong phiên 1/4

Công văn do ông Đặng Tất Thắng, Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn FLC, ký gửi Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM và Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam đề nghị cơ quan liên quan làm rõ những dấu hiệu bất thường trong phiên giao dịch hôm nay đối với cổ phiếu FLC.

FLC cho biết, trong phiên giao dịch ngày 1/4/2022, cổ phiếu FLC có thanh khoản tăng đột biến với tổng khối lượng khớp lệnh 59 triệu đơn vị ngay trong phiên sáng. Kết thúc phiên giao dịch, khối lượng khớp lệnh cổ phiếu FLC đạt hơn 100 triệu đơn vị và đóng cửa ở giá 10.850 đồng/cổ phiếu.

Trong khi đó, tại hai phiên giao dịch liền trước (ngày 30 và 31/3), cổ phiếu FLC liên tục giảm kịch sàn với khối lượng giao dịch trung bình mỗi phiên chỉ bằng 1% khối lượng khớp lệnh trong phiên giao dịch ngày 1/4 (thanh khoản tăng đột biến gấp 100 lần).

Cũng theo công văn của FLC, trước đó vào tối 31/3, trên mạng xã hội xuất hiện nhiều thông tin mua gom cổ phiếu FLC, thậm chí còn có thông tin ông Đặng Tất Thắng, Chủ tịch HĐQT mới của tập đoàn này đăng ký mua cổ phiếu FLC.

“Tuy nhiên, chúng tôi khẳng định thông tin ông Đặng Tất Thắng đăng ký mua cổ phiếu FLC là sai sự thật, làm ảnh hưởng lớn đến tâm lý cổ đông FLC nói riêng và các nhà đầu tư quan tâm đến cổ phiếu FLC nói chung.

Trong trường hợp có tổ chức, cá nhân nào phát tán thông tin nói trên thì có thể được xem là hành vi có mục đích thâu tóm doanh nghiệp; làm mất an ninh, an toàn của thị trường; gây tâm lý hoang mang, mất niềm tin đối với thị trường chứng khoán của nhiều nhà đầu tư”, FLC bày tỏ quan ngại.

FLC cũng cho rằng, có nhiều dấu hiệu bất thường phát sinh trước, trong và sau phiên giao dịch ngày 1/4/2022 đối với cổ phiếu FLC. Việc tiếp tục có những dấu hiệu bất thường này sẽ ảnh hưởng đến cơ cấu tổ chức và hoạt động của FLC, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây thiệt hại cho cổ đông công ty.

Thông qua văn bản gửi các cơ quan chức năng, FLC đề nghị cần làm rõ những dấu hiệu bất thường trong phiên giao dịch ngày 1/4 đối với cổ phiếu FLC; nhanh chóng có các biện pháp nhằm ổn định thị trường chứng khoán, hạn chế tối đa các thiệt hại cho cổ đông, nhà đầu tư.

Tập đoàn này cũng đề nghị các cơ quan liên quan lập tức áp dụng biện pháp bảo đảm an ninh, an toàn thị trường chứng khoán, bao gồm nhưng không giới hạn ở các biện pháp: tạm ngừng, đình chỉ giao dịch đối với mã FLC, kiểm tra, làm rõ các dấu hiệu bất thường trong phiên giao dịch ngày 1/4 đối với cổ phiếu FLC và xem xét hủy bỏ toàn bộ giao dịch đã thực hiện trong ngày 1/4 nếu phát hiện các vi phạm quy định của pháp luật trong lĩnh vực chứng khoán.

Bình luận về động thái trên, một chuyên gia đánh giá có thể ban lãnh đạo đương nhiệm ở FLC đang lo ngại tập đoàn này bị thâu tóm. "Có ai đang muốn "thừa nước đục thả câu" chăng?" - vị này nói.

Trước đó, cổ phiếu nhóm FLC đã giảm sàn liên tiếp nhiều phiên do thông tin Chủ tịch Trịnh Văn Quyết bị khởi tố, tạm giam với cáo buộc "thao túng thị trường chứng khoán". Đi cùng với trạng thái "trắng bảng bên mua" là thanh khoản chỉ còn vài trăm nghìn đơn vị.

Theo báo cáo quản trị của tập đoàn này, đến hết năm 2021, ông Quyết là cổ đông lớn nhất với sở hữu hơn 215,4 triệu cổ phiếu FLC, tương đương 30,34% vốn điều lệ.

Việc ông Quyết bị bắt giam khiến thị trường lo ngại FLC rơi vào trạng thái "rắn mất đầu". Một số hình dung về kịch bản OGC hậu biến cố Hà Văn Thắm sẽ tái diễn ở FLC.

Chia sẻ với VietTimes, một chủ nợ lớn của FLC từng đánh giá: "Với quy mô nợ vay như FLC, lượng tài sản mà họ tích lũy được là rất ấn tượng. Họ có nhiều tài sản tốt"./.