Khởi tố, bắt tạm giam Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết bị khởi tố, bắt tạm giam, với cáo buộc “thao túng thị trường chứng khoán”.
Khởi tố, bắt tạm giam Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết
Khởi tố, bắt tạm giam Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết

Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C01) vừa ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam đối với ông Trịnh Văn Quyết – Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn FLC. Các quyết định, lệnh tố tụng đã được Viện Kiểm sát nhân dân tối cao phê chuẩn.

Cùng với đó, nhà chức trách cũng tiến hành tổ chức khám xét chỗ ở, nơi làm việc tại 21 địa điểm đối với các đối tượng liên quan.

Thông cáo từ Bộ Công an cho thấy, đây mới chỉ là kết quả bước đầu trong quá trình điều tra, xác minh đối với ông Trịnh Văn Quyết và các cá nhân thuộc Tập đoàn FLC, CTCP Chứng khoán BOS và các công ty có liên quan về hành vi “Thao túng thị trường chứng khoán” và “Che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán” xảy ra ngày 10/1/2022, gây thiệt hại nghiêm trọng cho nhà đầu tư, ảnh hưởng đến hoạt động của thị trường chứng khoán Việt Nam.

Nhà chức trách cáo buộc các hành vi trên của ông Trịnh Văn Quyết đã đủ yếu tố cấu thành tội “Thao túng thị trường chứng khoán”, quy định tại Điều 211, Bộ luật Hình sự.

Như VietTimes từng đề cập, ngày 10/1/2022, ông Trịnh Văn Quyết đã bán ra 74,8 triệu cổ phiếu FLC nhưng không báo cáo, không công bố thông tin trước khi thực hiện giao dịch.

Ngay sau đó, UBCKNN đã đưa ra các biện pháp xử lý chưa từng có tiền lệ khi chỉ đạo HOSE huỷ bỏ giao dịch bán ‘chui’ cổ phiếu FLC và đình chỉ giao dịch chứng khoán 5 tháng đối với ông Trịnh Văn Quyết.

Ông Trịnh Văn Quyết vướng vòng lao lý, tác động có lẽ sẽ không chỉ dừng lại ở FLC, mà còn ở những doanh nghiệp mà vị doanh nhân gốc Vĩnh Phúc có tầm ảnh hưởng lớn, như ROS, ART, AMD hay Bamboo Airways.

Không chỉ các cổ đông, những chủ nợ của nhóm doanh nghiệp này hẳn cũng phải ‘đau đầu’ với biến cố pháp lý của ông Trịnh Văn Quyết.

Nên biết, ông Trịnh Văn Quyết và người thân trong gia đình nhiều lần sử dụng lượng lớn cổ phần mà họ đứng tên ở các doanh nghiệp thành viên làm tài sản bảo đảm cho các khoản vay. Loạt cổ phần Bamboo Airways "cắm" ở Sacombank là ví dụ điển hình.

Riêng tại FLC, tính đến cuối năm 2021, dư nợ vay và thuê tài chính của tập đoàn này đạt hơn 7.205 tỉ đồng. Trong đó, chủ nợ lớn nhất của FLC là Sacombank với tổng dự nợ ngắn hạn cũng như dài hạn là hơn 1.840 tỉ đồng; tiếp đến là OCB (1.392 tỉ đồng), NCB (634 tỉ đồng), và Agribank (169 tỉ đồng).

Một câu hỏi khác có lẽ cũng nên được đặt ra, rằng ai sẽ thay thế vai trò của nhà sáng lập FLC ở Bamboo Airways và viết tiếp ‘giấc mơ’ hàng không của hãng bay non trẻ này./.