Theo các chuyên gia, quyết định hạ lãi suất mới đây của Fed không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến hướng đi của kinh tế Mỹ mà còn có tác động lan tỏa tới nền kinh tế toàn cầu.
Ông Gregory Daco, nhà kinh tế tại công ty tư vấn EY-Parthenon, cho rằng vị thế của nền kinh tế Mỹ là yếu tố chính làm tăng tầm quan trọng của Fed. Theo ông, nền kinh tế Mỹ không chỉ là nền kinh tế lớn nhất thế giới mà còn đang là một trong những quốc gia thuộc nhóm tăng trưởng nhanh nhất.
Đợt cắt giảm mang tính lịch sử
Trong cuộc họp kéo dài hai ngày 17-18/9, Ủy ban Thị trường Mở (FOMC) đã quyết định cắt giảm lãi suất 0,5 điểm phần trăm, bắt đầu chu kỳ nới lỏng chính sách tiền tệ. Lần cắt giảm này của Fed được đánh giá là mang tính chất lịch sử kể từ năm 2020.
Ngoài những đợt cắt giảm khẩn cấp trong thời kỳ COVID-19, lần gần đây nhất mà cơ quan này hạ lãi suất ở mức tương tự là vào năm 2008, trong bối cảnh khủng hoảng tài chính toàn cầu. Trong tuyên bố sau cuộc họp chính sách ngày 18/9, Fed cho biết đã quyết định cắt giảm lãi suất xuống phạm vi 4,75-5,00%, dựa trên cơ sở những con số mới nhất về lạm phát.
Các nhà hoạch định chính sách của Fed nhận định rằng họ đã có thêm niềm tin rằng lạm phát đang trên lộ trình ổn định hướng tới mức mục tiêu 2%. Tiếp đó, Fed dự kiến cắt giảm lãi suất 4 lần trong năm 2025 và giảm lãi suất thêm 2 lần nữa trong năm 2026. Cơ quan này cũng nâng dự báo về tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ từ 4% (tháng 6/2024) lên mức 4,4% (tháng 12/2024).
Theo các chuyên gia, việc Fed cắt giảm mạnh lãi suất cho thấy sự lo ngại ngày càng tăng của cơ quan này về thị trường lao động Mỹ. Quyết định hạ lãi suất của Fed được đưa ra khi nhiều tháng liên tục thị trường lao động Mỹ ngày càng đi xuống.
Tháng 8/2024, tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ ở mức 4,2% với 7,1 triệu người không có việc làm. Con số này gần như không thay đổi so với các tháng trước. Tuy nhiên, tình hình này đáng báo động hơn so với một năm trước, khi tỷ lệ thất nghiệp chỉ ở mức 3,8% và số người thất nghiệp là 6,3 triệu.
Giảm tình trạng lạm phát
Bên cạnh đó, việc Fed kết thúc chu kỳ thắt chặt kinh tế được dự báo sẽ có tác động lan tỏa trên toàn cầu. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết tính đến tháng 8/2024, lạm phát toàn cầu ở mức 5,9%, trong khi lạm phát trung bình ở các nền kinh tế phát triển như Mỹ chỉ vào khoảng 2,6%.
Ngân hàng trung ương ở nhiều quốc gia đã đồng loạt tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát. Nhiều nhà kinh tế cho rằng việc thắt chặt chính sách tiền tệ ở nhiều quốc gia có thể làm tăng thêm tác động tiêu cực.
Khi lạm phát ở Mỹ cao hơn dự kiến, nhiều người lo ngại về việc Fed sẽ giữ nguyên lãi suất trong cả năm nay. Trong kịch bản này, các tổ chức như Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) hoặc Ngân hàng Canada gặp khó khăn trong việc quyết định có nên hạ lãi suất để kích thích kinh tế hay không.
Trước những lo ngại này, trong năm 2024, ECB quyết định hạ lãi suất hai lần. IMF dự báo tăng trưởng GDP toàn cầu sẽ đạt 3,2% vào năm 2024 và tăng nhẹ lên 3,3% vào năm 2025.
Bên cạnh những ngân hàng hạ lãi suất, một số ngân hàng lớn quyết định giữ nguyên lãi suất như ban đầu. Cụ thể, ngân hàng trung ương Anh (BOE) đã giữ nguyên mức lãi suất 5% theo đúng dự báo vì lạm phát ở nước này vẫn cao.
Tương tự, ngân hàng Trung ương Na Uy giữ nguyên lãi suất cơ bản ở mức 4,5% - mức cao nhất trong vòng 16 năm qua. Ngân hàng này cũng tuyên bố sẽ chỉ bắt đầu giảm lãi suất cơ bản vào đầu năm sau.
Bà Reena Aggarwal, Giám đốc Trung tâm Psaros tại Đại học Georgetown cho biết: “Mọi quyết định của Fed không chỉ ảnh hưởng đến nước Mỹ mà còn nhiều thị trường, nhiều lĩnh vực trên toàn cầu”.
Ngoài ra, quyết định của Fed cũng ảnh hưởng đến thị trường ngoại hối do những tác động đối với đồng bạc xanh, vốn là đồng tiền dự trữ toàn cầu.
Chia sẻ với CNBC, bà Aggarwal cho biết các thị trường mới nổi cũng chịu tác động do đi vay bằng đồng USD. Khi lãi suất ở Mỹ thay đổi, chi phí đi vay của các quốc gia này cũng sẽ thay đổi.
Bảng Anh (GBP) và đôla Australia có thể chỉ đạt được chênh lệch lãi suất tương đối nhỏ, tức ngay cả khi lãi suất ở hai nước có cao hơn Mỹ một chút thì vẫn không đủ lớn để làm cho hai đồng tiền này hấp dẫn hơn đáng kể so với USD. Vì vậy, USD sẽ tiếp tục duy trì sự hấp dẫn với các nhà đầu tư quốc tế, trừ khi Mỹ có lãi suất thực sự thấp.
Trong bối cảnh này, các nền kinh tế châu Á đã "đi trước thị trường" trong việc dự đoán Mỹ cắt giảm lãi suất, dẫn đến nhiều đồng tiền như won Hàn Quốc, baht Thái Lan và ringgit Malaysia tăng giá vào tháng 7 và 8. Đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc cũng đã phục hồi so với USD.
Điều này cho thấy các thị trường châu Á đã phản ứng tích cực với kỳ vọng về việc Mỹ cắt giảm lãi suất, làm tăng giá trị các đồng tiền của họ so với USD.
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu