Xưa nay, cái triết lý mạnh được yếu thua gần như là luật duy nhất dành cho những thế lực lớn mạnh nhất. Chẳng thế mà khi bạn đang ở đỉnh cao của thành công, bạn sẽ luôn phải đối mặt với những kẻ thách thức đầy nguy hiểm đang tiến đến vị trí của mình. Tôi vẫn nhớ như in cái ngày Microsoft là từ khóa duy nhất mà tôi biết khi nhắc đến các thương hiệu công nghệ, hay những ngày tháng mà chỉ có dùng điện thoại Nokia mới là thời thượng, mới là sành điệu. Vòng quay lịch sử cứ quay đều, quay đều, và giờ đây có lẽ nó đang dần gọi tên một thế lực mới.
Tính cho đến hiện tại, thế giới công nghệ vẫn đang khá yên ổn với những cái tên dẫn đầu như Apple, Google, Microsoft, Facebook,... Nhưng cái tên thứ 4 mà tôi vừa nhắc đến dường như không phải là một kẻ "an phận thủ thường" cho lắm. Nếu như cách đây 1-2 năm, chúng ta chỉ biết Facebook là mạng xã hội lớn nhất hành tinh thì giờ đây, họ được biết là một trong những doanh nghiệp công nghệ có ảnh hưởng nhất thế giới.
Tham vọng đến từ thực lực
Luận theo phép binh gia thì bạn chỉ chẳng thể bình thiên hạ chỉ với một cái đầu chứa đầy hoài bão và một cái miệng chỉ biết nói về những chuyện đao to búa lớn (có chăng, đó chỉ là những kẻ ngồi lê la chuyện phiếm bình chuyện thiên hạ). Facebook đạt được thành công như ngày hôm nay chẳng phải vì một cái danh hão, cũng chẳng phải "đột nhiên" mà sản phẩm của Mark Zuckerberg có thể chinh phục hơn 1 tỷ người trên thế giới. Mọi thứ đều có nguyên do của nó, và Facebook cũng không phải ngoại lệ.
Tính đến thời điểm này, Facebook có một lượng người dùng lên đến 1,4 tỷ - còn nhiều hơn quốc gia đông dân nhất thế giới là Trung Quốc. Đấy là chưa kể đến người dùng của các dịch vụ khác như Instagram, WhatsApp,... Facebook đang có trong tay một mạng lưới người dùng khổng lồ, đủ để bất kỳ ông lớn nào dù là Apple, Google hay Microsoft cũng phải ghen tị. Chính lượng người dùng này trở thành "tài sản" vô hình của Facebook, giúp họ có lợi thế trong việc triển khai bất kỳ một dịch vụ gì. Bạn biết đấy, ở xã hội mà kết nối Internet còn phổ biến hơn cả phương tiện công cộng hiện nay thì có người dùng trong tay đồng nghĩa với việc bạn là kẻ nắm sức mạnh.
Chúng ta đều biết sức mạnh của các ông lớn ngày nay thường dựa trên một điều gì đó mà họ đang làm bá chủ. Microsoft với hệ thống phần cứng lẫn phần mềm mang thương hiệu Windows huyền thoại, Google là dịch vụ tìm kiếm lớn nhất hành tinh, Apple là các sản phẩm tinh tế (mà nổi bật nhất vẫn là iPhone). Còn với Facebook, họ có trong tay một lượng người dùng khổng lồ, và thậm chí còn muốn mở rộng mạng lưới của mình rộng hơn thế.
Dự án Internet.org có thể xem là một trong những tham vọng rõ ràng nhất của Facebook về việc đó. Ý tưởng của dự án là không mới, nhưng ngoài việc đem Internet đến với các vùng miễn xa xôi trên hành tinh xanh này, Facebook đã và đang muốn "đóng dấu" sự xuất hiện của mình một cách rộng hơn, sâu hơn. Có thể những người dân ở các khu vực đó chưa biết Internet là gì, nhưng Facebook muốn họ một khi đã biết đến Internet, họ cũng sẽ phải biết về Facebook. Nếu bạn muốn một điều gì đó để so sánh, nó giống như việc bạn sẽ biết đến Google ngay khi bạn biết đến khái niệm tìm kiếm trên Internet vậy. Những quốc gia kém phát triển Internet giờ đây sẽ vô hình chung trở thành một phần mạng lưới thông tin của Facebook. Có lẽ khi hỏi đến Internet, những người ở đây chỉ biết đến Facebook và dự án Internet.org chứ chẳng thể biết đến những Google, Microsoft hay một ông lớn nào khác.
Kẻ nắm lợi thế là kẻ thức thời
Với sức mạnh trong tay, Facebook hiểu rõ họ nên làm gì với nguồn lực của bản thân. Bằng cách đề ra các chính sách mới, các chiến lược mới, Facebook sẽ khiến cho cả mạng lưới Internet phải chịu ảnh hưởng của mình bằng cách này hay cách khác.
Khởi đầu bằng việc sử dụng chính dịch vụ mạng xã hội của mình làm phương tiện "trói buộc" những mô hình, những hình thức chia sẻ trên Internet, Facebook đã và đang khiến một lượng không nhỏ dịch vụ trên Internet phải lệ thuộc vào họ. Còn nhớ thời điểm mà các Fanpage, các shop online tung hoành ngang dọc trên Facebook, khi chúng ta có thể thoải mái có được những lượng view khủng nhờ chính sách rất thoáng của Mark. Đùng một cái, quay luật cuộc chơi thay đổi, và những ai còn muốn sống cùng dịch vụ trên Facebook sẽ phải bắt đầu quan tâm đến việc mua các dịch vụ hỗ trợ, như "Boost Post" chẳng hạn.
Mới đây thôi, việc Facebook "chạm tay" vào giới truyền thông khi ra mắt Instant Articles. Những tờ báo vốn lâu nay vẫn được hưởng lợi không ít từ Facebook giờ đây sẽ phải chú ý nhiều hơn đến việc phối hợp cùng Facebook trong việc đăng tải các tin tức mới. Chưa có dấu hiệu nào cho thấy Facebook sẽ cản trở báo chí làm nội dung trên dịch vụ của họ cả (thậm chí nó đang tỏ ra phát triển theo hướng tốt đẹp hơn), nhưng chắc chắn công cụ mới của Facebook sẽ khiến các nhà xuất bản nội dung sẽ phải gắn chặt hơn với dịch vụ mới. Tại sao ư? Bởi việc chia sẻ tin tức qua Facebook đang chiếm một phần không nhỏ, thậm chí mang yếu tố sống còn với rất nhiều tờ báo mạng hiện nay. Nếu Facebook sử dụng tối đa quyền lực của mình với Instant Articles khi mà giới truyền thông đã chấp nhận và tin tưởng nó, Facebook hoàn toàn có thể "nắm" lấy, thậm chí thay đổi hoàn toàn việc làm truyền thông truyền thống hiện nay. Các lời hứa hẹn đều chỉ là lời nói, ai mà biết được Facebook sẽ làm gì trong tương lai?
Không chỉ truyền thông, ngay cả trải nghiệm thực tế ảo (Virtual Reality - VR) cũng là công cụ để Facebook thực hiện "mưu đồ bá chủ" của mình. Với việc hoàn tất thương vụ mua lại quyền điều hành Oculus với 2 tỷ USD vào năm ngoái, Facebook chính thức trở thành một trong những kẻ dẫn đầu trong lĩnh vực này. Nếu như các nhà sản xuất VR khác hướng đến việc trải nghiệm phim ảnh, chơi games như một cách để thu hút sự quan tâm của người dùng thì bản thân mạng xã hội của Facebook đã là một thứ vũ khí sắc bén của họ trong cuộc chiến này. Bạn còn nhớ bộ phim Wall-E, khi con người tương lai luôn "kè kè" một chiếc kính điện tử cập nhật mọi thứ qua đó chứ? Nếu Facebook có thể khiến bạn đeo kính thực tế ảo cả ngày và thực hiện mọi thứ: từ cập nhật status cho đến mua sắm, kết bạn,... thì sao nhỉ?
Tiền - thước đo của sự thành công
Có thể sẽ có một số người bĩu môi khi so sánh doanh thu hay giá trị của Facebook so với những Apple, Microsoft hay Google trong thời điểm hiện nay. Họ có lí của họ, khi mà giá trị thị trường của những công ty kia lên đến con số từ hơn 300 cho đến hơn 500 tỷ USD, còn giá trị của Facebook chỉ mới đạt khoảng 173 tỷ USD (tháng 6 năm 2014). Con số này thậm chí còn không đủ để đưa công ty của Mark lọt vào top 30 công ty giá trị nhất hành tinh. Tuy nhiên Facebook có một nền tảng đủ mạnh mẽ để phát triển một cách vô cùng thần tốc. Giá trị cổ phiếu của công ty này đã tăng lên gấp 3 trong khoảng thời gian từ 2013 lên 2014, và nếu nó cứ tiếp tục như thế, chẳng khó để hình dung được một Facebook thực sự là "ông trùm" trong thời gian tới.
Như đã nói, thế gian vật đổi sao dời theo thời gian là chuyện hết sức bình thường, vậy nên nếu bạn không thích nghi được với sự thay đổi mới thì bạn sẽ sớm là kẻ thất bại. Chẳng ai mà không có tham vọng lớn lao cả, và Facebook càng không phải ngoại lệ. Tất nhiên, nếu họ muốn trở thành một kẻ đứng đầu nói chung và trong giới công nghệ nói riêng, vẫn còn rất nhiều điều mà Mark Zuckerberg cùng nhân viên của mình phải thực hiện. Chỉ có điều với những gì họ đã và đang làm được, việc Facebook sớm trở thành một "trùm cuối" theo đúng nghĩa đen có vẻ không phải là một điều quá viễn tưởng và xa vời trước mắt.
Liệu chăng sẽ lại có một "Nokia" nữa để Facebook làm được điều đó?
Theo Trí Thức Trẻ