DxTalks mùa 2-Tập 13: Vì sao ESG là cơ hội lớn cho doanh nghiệp sản xuất tiên phong?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Việc tích hợp các yếu tố môi trường, xã hội và quản trị (ESG) đang dần trở thành ưu tiên của nhiều doanh nghiệp sản xuất. Yêu cầu từ chính phủ, nhà đầu tư và người tiêu dùng càng thúc đẩy doanh nghiệp nhanh chóng đổi mới. 

Từ phải sang, ông Arnaud Ginolin, ông Nguyễn Lê Thăng Long, bà Đào Thúy Hà và người dẫn chương trình (Ảnh: FPT Digital)
Từ phải sang, ông Arnaud Ginolin, ông Nguyễn Lê Thăng Long, bà Đào Thúy Hà và người dẫn chương trình (Ảnh: FPT Digital)

Chương trình DxTalks chủ đề “Xu hướng ESG trong doanh nghiệp sản xuất” có sự tham gia của bà Đào Thúy Hà - Phó Tổng giám đốc phụ trách Kinh doanh và Marketing Công ty Cổ phần Traphaco, ông Nguyễn Lê Thăng Long - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn An Phát Holdings và ông Arnaud Ginolin - đối tác của Boston Consulting Group Vietnam.

Các chuyên gia đã cùng thảo luận về những xu hướng ESG đang thay đổi cách mà doanh nghiệp sản xuất tiếp cận sản xuất và quản lý kinh doanh. Nhận định chung cho thấy ESG không chỉ là một trách nhiệm xã hội mà còn là cơ hội để nâng cao cạnh tranh và tạo ra giá trị cho cả cộng đồng và cổ đông.

Video DxTalks mùa 2 tập 13 với chủ đề "Xu hướng ESG trong doanh nghiệp sản xuất"

Ông Arnaud Ginolin cho rằng “Việt Nam có lý do chính đáng để theo đuổi mục tiêu ESG”. Lý do đầu tiên ông đưa ra là nhằm đảm bảo thị trường, duy trì vị trí trong chuỗi cung ứng xanh. Thực tế, nhiều doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sang thị trường châu Âu, Mỹ bị chấm dứt hợp đồng vì không thể tuân thủ các quy định nhất định về môi trường hoặc không thể thể hiện lộ trình tuân thủ.

Thứ hai, ông nhận định người tiêu dùng thế hệ mới ngày càng có ý thức hơn về môi trường và sẵn sàng chi trả cho sản phẩm xanh với mức giá cao hơn từ 10% đến 20%. Một số phân khúc như chăm sóc da, chăm sóc tóc, sản phẩm xanh thậm chí còn bán chạy hơn hẳn. Không chỉ khách hàng mà nhà đầu tư cũng ngày càng cởi mở với sản phẩm có trách nhiệm xã hội, và muốn hiểu rõ sản phẩm họ sử dụng đóng góp hay ảnh hưởng đến xã hội như thế nào.

Thứ ba, việc phát triển theo định hướng ESG cũng góp phần nâng cao giá trị công ty, mang lại mức định giá cổ phiếu cao hơn, giúp doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận nguồn vốn xanh với nhiều ưu đãi.

dxtlaks s2 e13 - 2.jpg
Ông Arnaud Ginolin tin rằng Việt Nam có nhiều lý do để nhanh chóng phát triển theo định hướng ESG (Ảnh: FPT Digital)

Nhà lãnh đạo Traphaco và An Phát cho biết, từ 10 năm trước đây, doanh nghiệp đã theo đuổi các giá trị bền vững. Traphaco hình thành mô hình Green Plan, phối hợp với người nông dân tại vùng nguyên liệu nhằm tạo ra nguồn nguyên liệu đầu vào ổn định. Điều này giúp Traphaco luôn có được những sản phẩm tốt và được người tiêu dùng tín nhiệm.

Công ty An Phát cũng không ngừng phát triển và thay đổi cơ cấu sản xuất trong suốt 10 năm qua, chuyển từ sản xuất các sản phẩm nhựa truyền thống sang các dòng sản phẩm nhựa xanh thân thiện với môi trường. An Phát cũng quan tâm đặc biệt đến việc áp dụng công nghệ để tối ưu hóa việc thu gom và sử dụng lại nguồn tái chế. Việc này không chỉ giúp giảm thiểu lượng chất thải nhựa mà còn giúp tạo ra một chuỗi cung ứng nhựa tái chế hiệu quả và bền vững.

Nhưng ESG dường như chưa phải mẫu số chung cho mọi doanh nghiệp. Thách thức vẫn còn đối với các doanh nghiệp sản xuất có quy mô vừa và nhỏ, những công ty có tài nguyên hạn chế và áp lực tài chính cao. Một số doanh nghiệp có thể gặp khó khăn trong việc đầu tư và thực hiện các biện pháp cần thiết để thích ứng với các yêu cầu ESG. Mặt khác, cũng có những trường hợp ứng dụng ESG nhưng chưa thực sự mang lại hiệu quả do thiếu động lực hoặc thị trường chưa sẵn sàng.

Với vấn đề này, Ông Nguyễn Lê Thăng Long cho rằng, doanh nghiệp sản xuất cần có một lộ trình rõ ràng, một chiến lược đúng đắn, thay vì chỉ tập trung vào tuân thủ các chỉ số ESG. Quan trọng nhất, nhà lãnh đạo cần phải hiểu rõ những gì có thể thực hiện và khi nào thực hiện được trong kinh doanh.

Bà Đào Thúy Hà cho rằng, để giải bài toán phát triển bền vững và tăng trưởng xanh, doanh nghiệp không thể đi một mình mà cần một hệ sinh thái song hành, bao gồm từ chính phủ tới bản thân doanh nghiệp và những cộng đồng doanh nghiệp trong, ngoài ngành, cho tới cộng đồng người tiêu dùng cũng như người dân.

Ông Arnaud đồng tình, nhận định hệ sinh thái càng quan trọng hơn với những doanh nghiệp lựa chọn hướng kinh doanh xanh, do nhiều thứ trong chuỗi cung ứng chưa có sẵn tại Việt Nam. Ông khuyên doanh nghiệp cần nắm bắt những gì hiện có, và có tầm nhìn về những thứ sẽ được triển khai trong tương lai.

dxtalks s2 e13 - 3.jpg
Bà Đào Thúy Hà (trái) và ông Nguyễn Lê Thăng Long đồng tình rằng việc theo đuổi ESG cần lộ trình cụ thể và một hệ sinh thái xanh song hành (Ảnh: FPT Digital)

Quá trình chuyển đổi xanh, giống như chuyển đổi số cách đây 10 năm, đang diễn ra dần dần. Mặc dù một số người vẫn chưa tin tưởng hoàn toàn, nhưng những dấu hiệu tích cực đã bắt đầu xuất hiện.

“Dù không thể đoán định tương lai, nhưng tôi tin rằng chúng ta đang hướng tới một tương lai bền vững hơn. Những ai đầu tư đúng cách, quản lý rủi ro tốt sẽ trở thành những công ty xanh dẫn đầu trong ngành trong 5-10 năm tới ở Việt Nam hoặc thậm chí cả Đông Nam Á”, ông Arnaud Ginolin nói.

FPT Digital là công ty tư vấn chiến lược hàng đầu Việt Nam, luôn là đối tác đồng hành của các tổ chức, doanh nghiệp trong chuyển đổi số và chuyển đổi xanh như xây dựng chiến lược, lộ trình và triển khai chuyển đổi đạt hiệu quả toàn diện hướng tới phát triển bền vững.

DxTalks là chuỗi talkshow chia sẻ những câu chuyện thực tế về Chuyển đổi số và Chuyển đổi xanh từ các tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam và Quốc tế. Nội dung tập trung trao đổi về quá trình tiếp cận các nền tảng tổng quan để xây dựng lộ trình Chuyển đổi số, Chuyển đổi xanh. Các tập DxTalks có thể xem tại đây.