Đừng quên, 70% nhà đầu tư mất tiền năm 2015

Chỉ 30% nhà đầu tư kiếm được tiền trên thị trường chứng khoán năm 2015. Bạn có phải là một trong số đó?
Mua và nắm giữ “Blue Chips” cũng dễ mất tiền
Mua và nắm giữ “Blue Chips” cũng dễ mất tiền

Theo thống kê của CNN Money, có tới gần 70% nhà đầu tư mất tiền trong năm 2015 (http://money.cnn.com/2015/12/31/investing/stocks-market-2015/). Với tỷ lệ mất tiền cao như vậy, tại sao nhiều nhà đầu tưvẫn kiên trì bám sàn và nuôi hy vọng làm giàu trên TTCK? Như vậy, TTCK không những quá” tàn bạo” mà còn chứa đựng những “ma lực” hấp dẫn mọi người.

Những cổ phiếu “Blue Chips” (những cổ phiếu mang tính ổn định và độ rủi ro thấp, là những doanh nghiệp mang tính an toàn cho đầu tư) như GAS, VNM, MSN, PVD, FPT năm vừa qua gần như là trở nên phân hóa.

Xem ảnh to tại đây

VNM và FPT có mức tăng trưởng cao hơn so với Vnindex, so với đầu năm, VNM tăng 69.70%, FPT tăng 26.96%. Nếu nhà đầu tư chỉ mua và nắm giữ 2 cổ phiếu này từ đầu năm thì hiện tại thu được mức lợi tức khá hấp dẫn. Mặt khác, 3 cổ phiếu còn lại giảm mạnh, GAS giảm 37.48%, MSN giảm -5.06%, PVD giảm -41.13%.

Những cổ phiếu làm cháy tài khoản nhiều nhất

Tính từ đầu năm 2015, có 5 cổ phiếu rớt mạnh nhất và luôn là “ác mộng” đối với nhà đầu tư khi nắm giữ đó là : KSS, VNH, GTT, PTL, VLF.

Xem ảnh to tại đây

Chốt phiên cuối năm 2015, KSS lấy đi của nhà đầu tư 81.48% tài sản, VNH là 67.65% , GTT là 67.50%, PTL là 45.16% và VLF là 70%. Những cổ phiếu này đều có thị giá nhỏ và mang tính đầu cơ cao, những nhà đầu cơ theo trường phái “lướt sóng” trên thị trường nếu chọn nhầm những cổ phiếu này thì sẽ có một năm thua lỗ đáng kể.

Bắt đáy hay bắt dao rơi

Tâm lý bắt đáy cũng khiến nhiều nhà đầu tư thua lỗ trong năm vừa qua. Điển hình là JVC khi rơi về vùng giá quanh 7.000 đồng/ cổ phiếu từ mức giá trên 20.000 đồng/ cổ phiếu khiến cho lực cầu bắt đáy vùng này khá nhiều và phần đông là của nhà đầu tư nhỏ lẻ. Nhưng sau đó vài phiên, khi chạm mức giá 9.700 đồng/ cổ phiếu, JVC tiếp tục xu hướng giảm giá xuống dưới 4.000 đồng/ cổ phiếu. Như vậy, tâm lý bắt đáy đã thành bắt dao rơi và nếu không “cắt lỗ”, cổ phiếu JVC sẽ liên tục bào mòn tài khoản của nhà đầu tư. Một trường hợp khác là HAG, cổ phiếu này liên tục phá đáy từ mức 23.000 đồng/ cổ phiếu ở đầu năm và đóng cửa phiên cuối năm ở mức 10.700 đồng/ cổ phiếu, như vậy, quả là một năm kém may mắn cho cổ đông của HAG.

Cắt lỗ thì tiếc, giữ thì buồn

Không dám “cắt lỗ” và luôn hi vọng cổ phiếu phục hồi khiến nhiều nhà đầu tư luôn bám sát thị trường và chịu đựng nỗi mất mát khi nhìn tài khoản bị bào mòn hàng ngày. Chú Minh Đức (KĐT Văn Quán – Hà Đông), một nhà đầu tư cao tuổi chia sẻ “Tôi đầu tư vào HAG với phương pháp đầu tư giá trị, khi cổ phiếu giảm một nửa so với đầu năm, tôi liên tục mua vào với kì vọng đầu tư dài hạn, nhưng càng mua thì lại càng giảm, nếu dùng Margin thì chắc đã bị cháy tài khoản, ngày nào cũng cập nhật thông tin và theo dõi thị trường, nhưng nhìn tài khoản giảm dần nên cũng rất buồn”.

Giao dịch là một trò chơi trí tuệ

Nếu đầu năm 2015, bạn mua các cổ phiếu TNT, HTL, TMT, DRH, SVC thì cuối năm tài sản của bạn có thể tăng lên gấp 2, gấp 3 thậm chí nhiều lần hơn nếu mua vay kỹ quỹ, ngược lại, nếu bạn sở hữu các cổ phiếu KSS, VNH, GTT, PTL, VLF, OGC, JVC, HAG… thì tài khoản của bạn ít nhất là từ cháy đến Margin Call nếu dùng đòn bẩy, đây chính là điểm hấp dẫn cuốn hút nhà đầu tư dẫu cho có đến 70% nhà đầu tư thua lỗ thì thị trường vẫn sôi động.

Song hành trên thị trường chứng khoán luôn có cơ hội và thách thức, tham lam và sợ hãi. Để chiến thắng trong cuộc chơi, điều tiên quyết là phải hiểu rõ luật chơi. TTCK cũng vậy, đối với giới đầu tư/ đầu cơ, nhất là nhóm nhỏ lẻ, những nhà đầu tư mới bước chân vào thị trường, …cần trang bị thật nhiều kiến thức, kỹ năng và quan trọng hơn cả là phải hiểu các “luật chơi” của thị trường để có thể giành được thành quả trong một thị trường đầy khốc liệt và biến động.

Người mất tiền, như vậy, nhiều hơn người được tiền từ thị trường chứng khoán trong năm 2015. Để tránh mất tiền, nhà đầu tư cần phải học thật nhiều trước khi quyết định đầu tư.

Theo Trí thức trẻ