Theo thông tin ban đầu, vào 11 giờ sáng nay (7.4), tại đường Thái Phiên (phường Hồng Sơn, thành phố Vinh, Nghệ An), lực lượng Phòng Cảnh sát môi trường (Công an Nghệ An) kiểm tra, phát hiện xe tải mang biển kiểm soát 37C - 00750 do tài xế Lê Văn Thanh (trú tại khối 11, phường Hà Huy Tập, thành phố Vinh) điều khiển, vận chuyển 30 thùng các tông, mỗi thùng chứa 24 chai nước dán nhãn mác giấm gạo Kim Quỳnh.
Tại thời điểm kiểm tra, tài xế Thanh không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ của số giấm gạo trên và cho biết đã mua số hàng này từ cơ sở sản xuất của bà Nguyễn Thị Kim (trú tại khu Mộc Thống Nhất, khối Cộng Hòa, phường Vinh Tân, thành phố Vinh).
Bà Kim pha a xít với nước lã để tạo ra giấm rồi đóng chai, bán ra thị trường - Ảnh: Phạm Bằng |
Kiểm tra tại cơ sở của bà Kim, lực lượng chức năng phát hiện 146 thùng dán mác giấm gạo Kim Quỳnh đang cất trong kho; 3 chiếc can loại 20 lít có ghi nhãn acetic acid (2 can đã sử dụng hết); hàng trăm chai nhựa loại 500 ml và 1,5 lít; 2.700 tem nhãn giấm gạo Kim Quỳnh chưa sử dụng.
Bước đầu, bà Kim khai nhận bắt đầu chế biến nước chua dạng giấm từ tháng 9.2015, số acetic acid này được mua tại Thừa Thiên - Huế. Để tạo thành giấm gạo, bà Kim dùng a xít pha với nước lã rồi đóng vào chai (loại 500 ml và 1,5 lít) theo công thức 1 lít a xít pha với 100 lít nước lã sẽ cho ra khoảng 101 lít nước giấm gạo. Mỗi ngày, cơ sở này sản xuất được 15 thùng (mỗi thùng có 24 chai) và bán với giá 25.000 đồng/thùng.
Mỗi ngày, cơ sở của bà Kim pha được 360 chai giấm gạo từ a xít và nước lã - Ảnh: Phạm Bằng |
Phòng Cảnh sát môi trường (Công an tỉnh Nghệ An) đã lấy mẫu xét nghiệm để xác định mức độ độc hại của sản phẩm, tạm giữ và niêm phong toàn bộ số giấm gạo nêu trên.
Theo Thanh niên