Sau khi Sở Du lịch TP Đà Nẵng đưa ra kế hoạch mở cửa du lịch địa phương tại hội nghị Đối thoại doanh nghiệp diễn ra ngày 24/9, VietTimes đã có cuộc phỏng vấn ông Cao Trí Dũng - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP Đà Nẵng.
Đà Nẵng đủ điều kiện để mở cửa du lịch nội địa
- Vừa qua, tại hội nghị Đối thoại doanh nghiệp do TP Đà Nẵng tổ chức, bà Trương Thị Hồng Hạnh - Giám đốc Sở Du lịch TP đã thông tin về kế hoạch mở cửa du lịch TP vào tháng 12/2021. Quan điểm của ông về kế hoạch này như thế nào, thưa ông?
Ông Cao Trí Dũng: Theo kế hoạch của Sở Du lịch thì đến tháng 12/2021 sẽ mở dịch vụ du lịch cho người dân TP, khi tỷ lệ công dân tiêm vaccine phòng COVID-19 đạt trên 80%, kèm theo đảm bảo các điều kiện phòng, chống dịch… thì theo tôi như vậy là hơi muộn, mà cần sớm hơn.
Thứ nhất là các địa phương đã công bố kế hoạch mở cửa cả rồi, chiều nay (ngày 28/9) Hiệp hội Du lịch Việt Nam sẽ công bố kế hoạch mở cửa, nên nếu chúng ta không quyết liệt thì sẽ chậm trễ và mất đi cơ hội.
Nếu ta chậm, thì hiệu ứng truyền thông sẽ không bằng các nơi khác. Thứ nữa là luồng khách sẽ hút về chỗ khác, bởi dù có khó khăn đi nữa thì nhu cầu đi lại, nghỉ ngơi của người dân luôn có. Nhất là sau thời gian dài mọi người bị “nhốt ở nhà”.
Về phía cộng đồng doanh nghiệp và cá nhân thì chúng ta nên mở của dần từ cuối tháng 10/2021 và đến tháng 11-12/2021 sẽ mở dần ra cho khách ở các địa phương lân cận, rồi một số chuyển chapter… hướng đến khách nội địa, khách công vụ. Đến khi chuẩn bị đầy đủ thì tháng 12 sẽ sẵn sàng cho việc đón nhiều khách hơn, chứ đến tháng 12 mới mở lại thì chúng ta mất 3 tháng để chuẩn bị, doanh nghiệp khó lòng trụ nổi.
Ông Cao Trí Dũng - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP Đà Nẵng. |
- Nhưng nếu mở sớm vào tháng 10/2021, khi Đà Nẵng đang trong mùa mưa thì lượng khách rất thấp và như vậy liệu có hiệu quả?
Ông Cao Trí Dũng: Đúng là thời gian tới Đà Nẵng bước vào mùa mưa, sẽ không mấy hiệu quả. Tuy nhiên năm nay mùa mưa bão đến sớm nên sẽ kết thúc sớm, và nếu có thì chỉ cục bộ chứ không kéo dài như các năm trước.
Theo tôi thì chúng ta cứ làm, vẫn nên mở sớm để tạo một vài luồng xanh và công bố để vừa khởi động lại ngành, vừa đáp ứng nhu cầu khi khôi phục kinh tế sẽ phải đón khách công vụ, doanh nghiệp đến giao thương. Mà không mở ra thì sẽ gây khó khăn cho lượng khách này nên mở, vừa đáp ứng nhu cầu này, vừa hỗ trợ ngành du lịch. Còn đối với khách du lịch thuần tuý thì chúng ta sẽ tạo những luồng xanh, những gói du lịch mà đặt an toàn chống dịch lên trên hết thì vẫn không đáng ngại.
- Giả sử nếu được mở của, theo ông chúng ta nên có lộ trình mở của các hoạt động du lịch ra sao?
Ông Cao Trí Dũng: Việc đáp ứng nhu cầu du lịch của du khách sẽ được mở dần theo từng cấp độ. Thứ nhất là đối với khách du lịch công vụ, doanh nghiệp… đến ở và đi tại các khách sạn, resort. Tiếp đến là khách có nhu cầu nghĩ ngơi vì thời gian dài ở một chỗ quá bức bách và khi đi họ sẽ cam kết tuân thủ các quy định phòng dịch đối với dịch vụ mình đưa ra như: ăn ở tại khách sạn, nhà hàng, tắm biển… trong nội khu khu du lịch
Tuỳ tình hình dịch COVID-19 mà có thể có bước gia tăng dịch vụ trong luồng xanh như: đi đánh golf, tắm suối khoáng nóng,… các dịch vụ trong khu vực khép kín phòng dịch. Bước nữa là khi dịch được kiểm soát tốt, chúng ta cũng có thể liên tuyến trong luồng xanh với các điểm đến mới khác như: Hội An, Huế… Ngay từ đầu ta không mở rộng ra ngay mà mở từng bước mà ta kiểm soát được. Ban đầu mở những dịch vụ đáp ứng các nhu cầu bức thiết, sau đó mới mở rộng dần ra.
Tuyến đường ven biển du lịch Đà Nẵng vắng bóng người do dịch COVID-19 |
Quy định của chúng ta đã quá an toàn
- Chúng ta cần xem xét 2 vấn đề là lợi ích của việc mở cửa trở lại và những nguy cơ sẽ đối mặt, nên việc cân nhắc mở cửa, thậm chí chậm hơn một thời gian để đảm bảo an toàn vẫn hơn chứ thưa ông?
Ông Cao Trí Dũng: Vấn đề anh đặt ra là rất đúng. Tuy nhiên chúng ta cũng cần nhìn nhận ở nhiều góc độ. Thứ nhất, đối với doanh nghiệp, bên cạnh các chính sách hỗ trợ của Chính phủ, địa phương thì việc cần hiện nay là mong muốn mở càng sớm càng tốt để có doanh thu, có dòng tiền để giải quyết vấn đề sức khoẻ doanh nghiệp. Nên cần nhất lúc này là doanh nghiệp cần tự thân nỗ lực và để nỗ lực được thì Chính phủ, địa phương cần có cơ chế để doanh nghiệp phục hồi trở lại.
Theo Hiệp hội Du lịch TP Đà Nẵng, trước sự trở lại của dịch COVID-19 lần thứ 4, Đà Nẵng có khoảng 56.000 lao động làm việc tại các doanh nghiệp thuộc Hiệp hội. Tuy nhiên, hiện nay chỉ còn khoảng hơn 11.000 lao động đang làm việc đã được tiêm vaccine mũi 1 và đang có lộ trình tiêm mũi 2.
Việc trở lại sớm sẽ tạo tiền đề để chúng ta sớm trở lại với khách du lịch nội địa và tiếp nữa là khách quốc tế. Chúng ta phải làm sao để tháng 12/2021 phải mở lại được thị trường khách quốc tế và quyết tâm cho việc này, chứ không sẽ mất cơ hội.
Đây là vấn đề cơ hội, khi có cơ hội là nên chớp lấy, chứ bây giờ không mở thì đến khi nào mới mở và đến tận tháng 12 thì đến khi nào mới đến khách quốc tế khi Giáng sinh, Tết dương lịch,… là những thời điểm đón khách cần được xem xét.
Còn đứng ở góc độ thứ hai là cơ quan nhà nước, cụ thể là cơ quan y tế vẫn muốn an toàn hơn. Nhưng xu hướng chung của cả nước lẫn trên thế giới là chúng ta phải mở cửa kèm với điều kiện là đảm bảo an toàn và Đà Nẵng không thể nằm ngoài xu hướng đó. Đương nhiên là khi mở, chúng ta không mở ồ ạt mà mở từ từ, theo lộ trình như tôi đã nói và việc mở lại phải tuân thủ tuyệt đối các quy định của cơ quan y tế.
Biển Đà Nẵng trong thời điểm du lịch mở của trở lại sau dịch COVID-19 |
- Liệu ông quá tự tin hay không khi nhận định nên mở cửa sớm như vậy, khi mà tình hình dịch COVID-19 còn diễn biến khó lường, tỷ lệ tiêm vaccine cho người dân còn chưa cao?
Ông Cao Trí Dũng: Thật sự thì Đà Nẵng đủ năng lực, đủ nguồn lực để có thể mở cửa du lịch sớm hơn, vì dịch trên địa bàn gần như được kiểm soát, chúng ta chỉ còn chờ chủ trương chung của Chính phủ, Bộ Y tế hướng dẫn. Chúng ta đã và đang triển khai được thẻ xanh và hộ chiếu vaccine, cái này đang thực hiện quyết liệt, ta đã có hệ thống dịch vụ cách ly gồm 34 khách sạn khá ổn… thì ta dùng chính các khách sạn này và nếu cần thì bổ sung thêm một ít để đón khách.
Như tôi đã nói, chúng ta mở khách đến theo luồng xanh, khách được test COVID-19 trước, âm tính mới cho vào, đủ 2 mũi vaccine mới cho vào, tuân thủ điểm đến… Không những vậy, xem xét các yếu tố gồm: cơ sở cách ly, phương tiện vận chuyển, lực lượng y tế, nhân viên ngành du lịch thì cũng đã được tiêm đầy đủ 2 mũi… thì tất cả chúng ta đã sẵn sàng từ bao lâu nay, nên mở ra sẽ đảm bảo an toàn, thậm chí là so với các nước thì chúng ta quy định quá an toàn, quá chặt chẽ.
Nhìn nhận dưới góc độ cá nhân thì khi mở lại, Đà Nẵng sẽ là điểm đến được quan tâm nhiều nhất so với các địa phương khác, nhất là cách thức phòng chống dịch, cách điều hành, ứng dụng CNTT, mã QRCode... trong kiểm soát dịch khá chặt chẽ.
- Đã có những bài học từ các quốc gia khi mở cửa du lịch và sau đó buộc phải đóng cửa trở lại do dịch COVID-19 bùng phát. Ông nhìn nhận vấn đề này ra sao?
Ông Cao Trí Dũng: Đúng là có những quốc gia đã phải đóng cửa trở lại sau khi mở cửa du lịch. Bài học của họ là do họ chưa tiêm vaccine COVID-19 phủ rộng như mình, chưa đưa quy định xét nghiệm COVID-19 trước khi đi như mình, họ chỉ quy định tiêm đủ 2 liều vaccine mà thôi.
Nói nôm na là chúng ta tạo ra một hệ sinh thái xanh khép kín cho du khách từ khi bước xuống sân bay, phương tiện đưa đến nơi lưu trú, ăn ở sinh hoạt nghỉ ngơi tại đây, hay thậm chí đi chơi, tham quan tại các điểm luồng xanh được kiểm soát, giám sát chặt chẽ, tách khỏi cộng đồng,… thì quá an toàn và có cơ sở để từng bước mở cửa cho khách nội địa.
Điều còn lại là chúng ta cần sự quyết tâm, dám làm của lãnh đạo địa phương vì thẩm quyền quyết định đối với khách nội địa thuộc về các địa phương. Đối với khách quốc tế cần phải xem xét tuỳ thuộc tình hình thực tế.
Cần nói thêm, đây là ý kiến đề xuất của Hiệp hội, cộng đồng doanh nghiệp địa phương trên cơ sở số liệu và diễn biến dịch bệnh nắm được. Với góc độ cộng đồng doanh nghiệp, chúng tôi luôn tuân thủ nghiêm các quy định từ cơ quan y tế và chính quyền đưa ra, nếu không đủ điều kiện để mở thì chưa nên mở.