Chiều 21-9, thứ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội phương án sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ còn dư của các dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên.
Trước đó, nghị quyết của Quốc hội cho phép phát hành trái phiếu Chính phủ trong giai đoạn 2014-2016 để phân bổ 61.680 tỷ đồng đầu tư cho 23 dự án thuộc quốc lộ 1A và 7 dự án thuộc đường Hồ Chí Minh, đoạn qua Tây Nguyên.
“Do không phải sử dụng vốn dự phòng trượt giá; điều chỉnh thiết kế cho phù hợp; sử dụng biện pháp tổ chức thi công hợp lý; tiết kiệm 5% dự toán theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ... nên tổng số vốn trái phiếu Chính phủ còn dư là 14.259 tỷ đồng” - ông Dũng cho biết.
Chính phủ đề xuất dùng số tiền dư này cho các dự án liên quan đến hai tuyến đường trên như cải tạo 13 cầu yếu, làm một số tuyến đường tránh TP, tuyến kết nối...
Thẩm tra tờ trình trên đây, “Ủy ban Tài chính - Ngân sách đánh giá cao việc Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải trong quá trình thực hiện dự án đã rà soát tiêu chuẩn kỹ thuật, kiểm soát chi phí, chất lượng, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng và thi công dự án nên đã tiết kiệm chi dự phòng dẫn tới dư nguồn vốn so với số tổng vốn đã được bố trí. Đây có thể coi là kết quả tốt trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong đầu tư xây dựng cơ bản bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ”.
“Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, tỷ trọng vốn dư lớn so với tổng vốn được bố trí (dư 22%) phần nào thể hiện việc lập dự toán, thẩm định, phê duyệt tổng mức đầu tư chưa sát với thực tiễn” - Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách Phùng Quốc Hiển nói.
Đồng tình với đề xuất của Chính phủ nhưng Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng “đừng coi số dư 14.000 tỷ đồng là tiết kiệm, vì mình đè ra cắt 5% các dự án (ví dụ đáng lẽ 100% nhưng anh nào chịu được 95% thì đấu thầu), rồi điều chỉnh thiết kế kỹ thuật để giảm vốn đầu tư… Nếu nói tiết kiệm như vậy thì thành tích to quá, các anh nên tìm từ ngữ thế nào cho phù hợp”.
Tại cuộc họp, đa số ý kiến phát biểu hoan nghênh Chính phủ vì đây là lần đầu tiên dự án thừa tiền phải xin phương án sử dụng (trước đây thường là dự án thiếu tiền phải xin thêm).
“Nhưng cũng phải rút kinh nghiệm tại sao dư đến 22% tổng vốn đầu tư, tức là rút kinh nghiệm trong lập dự án làm sao cho nó sát” - phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói.
Cho rằng thẩm quyền quyết định sử dụng số tiền thừa này thuộc về Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ hoàn thiện báo cáo, trình Quốc hội quyết định tại kỳ họp tới.
Theo Tuổi trẻ