Điểm đến hấp dẫn
Bên cạnh các hiệp định thương mại tự do ASEAN (AFTA), hiệp định TPP, hiệp định VN-EU thì cuối năm 2015 là hạn chót để các nước thành viên ASEAN thiết lập khu vực mậu dịch tự do, hình thành cộng đồng kinh tế ASEAN. Nếu thành công, tất cả 10 quốc gia thành viên sẽ hội nhập kinh tế toàn diện vào một thị trường chung thống nhất với quy mô 600 triệu người. Để nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển, nhiều doanh nghiệp (DN) lựa chọn hình thức mua bán và sáp nhập (M&A). Theo đó, Việt Nam đang trở thành điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông cho biết, mặc dù nền kinh tế Việt Nam vẫn bị ảnh hưởng không nhỏ tác động của tình hình kinh tế thế giới, nhưng với những chính sách kinh tế vĩ mô cùng với quá trình tái cấu trúc nền kinh tế, chủ động hội nhập quốc tế, mở cửa thu hút đầu tư nước ngoài và khuyến khích đầu tư trong nước đã giúp hoạt động M&A tại Việt Nam đã không ngừng gia tăng.
Thực tế, hoạt động M&A tại Việt Nam trong năm 2014 diễn ra rất sôi động. Các thương vụ điển hình tập trung chủ yếu trong lĩnh vực bán lẻ như Central Group (Thái Lan) mua 49% cổ phần của Nguyễn Kim (được định giá hơn 80 triệu USD); Vingroup mua lại chuỗi Ocean Mart với giá trị hơn 25 triệu USD; Tập đoàn AEON của Nhật Bản mua lại 49% cổ phần của Citimart giá trị hơn 20 triệu USD…
Ngành chế biến thực phẩm cũng là tâm điểm của hoạt động M&A, một số thương vụ đáng chú ý như Modelez Internationl mua 80% cổ phần của Kinh Đô Bình Dương - công ty tập trung vào mảng bánh kẹo của tập đoàn Kinh Đô (sau đổi tên thành KIDO) với giá trị 370 triệu USD. Hay Daiwa PI Partner và VinaCapital mua 70% cổ phần của Công ty sữa Quốc tế với trị giá 45 triệu USD; Kinh Đô mua 51% cổ phần của Tổng công ty công nghiệp dầu ăn Việt Nam…
Các ngành bất động sản, tài chính, công nghiệp chế tạo, dịch vụ cũng được các chuyên gia kinh tế đánh giá là sôi động với quy mô lớn. Đã có nhiều thương vụ M&A từ 70 triệu USD đến gần 800 triệu USD. Trong năm 2015, các thương vụ M&A đã nhiều hơn, nhất là khi sắp tới đây các hiệp định thương mại tự do, TPP, ASEAN được ký kết, làn sóng đầu tư từ nước ngoài sẽ tăng mạnh. Thêm vào đó, các chuyển động chính sách gần đây của Việt Nam (Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp sửa đổi có hiệu lực từ 1/7, Chính phủ ban hành Nghị định 60/2015/NĐ-CP cho phép nới room đối với các nhà đầu tư nước ngoài trong nhiều lĩnh vực, cho phép người nước ngoài được mua nhà tại Việt Nam…) cùng với những cam kết cổ phần hóa của các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) lớn, sự trỗi dậy của các công ty tư nhân trong nước… sẽ là sự bùng nổ M&A tại Việt Nam từ nay đến cuối năm.
Nắm bắt cơ hội
Mặc dù tiến trình cổ phần hóa (CPH) DNNN còn chậm và chưa đạt được kết quả như đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với 432 DNNN được CPH trong 2 năm là 2014 và 2015, thế nhưng đến nay cũng đã có 176 DN được CPH. Song, các cuộc bán cổ phiếu lần đầu (IPO) của các DN lớn trong các ngành như giao thông vận tải, viễn thông, công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng, công nghiệp thực phẩm… đang tạo nguồn hàng mới hấp dẫn đối với thị trường M&A.
Một yếu tố thực tế khác đang thúc đẩy thị trường M&A đó là xu hướng trỗi dậy mạnh mẽ của khối DN tư nhân trong nền kinh tế, trong đó nhiều DN lựa chọn M&A như một chiến lược quan trọng để tái cấu trúc, hướng tới tăng trưởng bền vững.
Nhận định về vấn đề này, ông Richmond Mayo-Smith III, Giám đốc Indochina Capital, cho rằng thị trường M&A Việt Nam đã có sự tiến triển với nhiều sự nỗ lực từ phía Chính phủ. Nếu như tính đến thời điểm năm 1995, số thương vụ M&A chỉ là 50, thì nay đã là 350 thương vụ. “Thực tế cho thấy, gần đây dòng vốn đầu tư nước ngoài bắt đầu quay trở lại Việt Nam, một số quỹ đầu tư nước ngoài có lãi đã khiến nhà đầu tư nước ngoài quan tâm hơn tới thị trường Việt Nam”, ông Richmond Mayo-Smith III nói.
GS.TS Christopher Kummer, Chủ tịch Viện Sáp nhập, Mua lại và Liên kết (IMAA) cũng đánh giá rất tốt về thị trường Việt Nam. Bởi hiện nay, Việt Nam đang xếp hạng 20 toàn cầu về hoạt động M&A, trong khi năm 2014 Việt Nam xếp thứ 24 trong vị trí toàn cầu. Xét đến giá trị, Việt Nam xếp thứ 41 với hơn 2 tỷ USD, và nếu xu hướng này tiếp tục, con số này có thể lên tới 3,8 tỷ USD.
Hải Yên theo Báo Tin Tức