[ĐỌC CHẬM CUỐI TUẦN] Đảo Rắn: Kích thước nhỏ, vai trò lớn trong cuộc chiến của Nga ở Ukraine

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Vào ngày mà Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine, soái hạm Moskva của họ đã tiếp cận hòn đảo trên Biển Đen và ra lệnh cho binh sĩ Ukraine đóng tại đó buông súng.
Đảo Rắn trong bức ảnh chụp từ vệ tinh (Ảnh: Maxar)

Đảo Rắn trong bức ảnh chụp từ vệ tinh (Ảnh: Maxar)

Một vài giây sau đó, binh sĩ Ukraine đồn trú trên hòn đảo này đưa ra lời đáp trả: “Tàu Nga, hãy biến đi”. Phía quân đội Nga sau đó phản ứng bằng một loạt đạn pháo từ tàu Moskva, cuối cùng khiến cho những binh sĩ Ukraine phòng thủ trên đảo phải đầu hàng, Moscow chiếm quyền kiểm soát hòn đảo.

Những lời đáp trả của binh sĩ Ukraine lúc bấy giờ nay đã được đăng tải trên nhiều bản tin và trên những cây cầu trên khắp Ukraine, và tại các điểm chốt quân sự của Ukraine dọc tiền tuyến ở miền Đông nước này. Họ thậm chí còn in tem bưu điện có hình một binh sĩ đang giơ ngón tay giữa về phía tàu Moskva của Nga – con tàu sau đó bị đánh chìm – như một biểu tượng thể hiện sự quyết tâm của Ukraine.

Soái hạm Moskva của Nga trong bức ảnh chụp năm 2013 (Ảnh: Reuters)

Soái hạm Moskva của Nga trong bức ảnh chụp năm 2013 (Ảnh: Reuters)

Một tấm biển có ảnh tàu Moskva bị đánh chìm, cùng dòng chữ "Chiến hạm Nga, hãy biến đi", ở gần Odessa (Ảnh: Zuma Press)

Một tấm biển có ảnh tàu Moskva bị đánh chìm, cùng dòng chữ "Chiến hạm Nga, hãy biến đi", ở gần Odessa (Ảnh: Zuma Press)

Nhưng, sự kiện ngày 24/2 trên Đảo Rắn không đơn giản chỉ là biểu tượng cho sự kiên định của Ukraine. Kích thước nhỏ bé của hòn đảo này – chỉ khoảng 0,17 km vuông – che đậy tầm quan trọng chiến lược của nó. Nó được xem như một nền tảng vũ khí trên biển đối với bất cứ bên nào có thể thiết lập đồn trú quân sự ở đó. Nó cho phép Nga tấn công Ukraine một cách thoải mái và ngăn các tàu hàng Ukraine rời cảng. Nhưng do có vị trí khá cô lập, Đảo Rắn cũng rất dễ bị tấn công.

“Nó được đặt ở một vị trí hết sức hữu dụng,” Michael Kofman, chuyên gia phân tích quân đội Nga đến từ hãng phân tích CNA, trụ sở tại bang Virginia, Mỹ, nhận định. “Do kích thước nhỏ nên nó dễ bị tấn công.”

Kể từ sau khi Nga đánh chiếm Đảo Rắn, họ đã nhiều lần cố gắng thiết lập một căn cứ trên hòn đảo này và tăng cường hàng phòng thủ. Ukraine, mặt khác, lại ra sức ngăn chặn điều đó, và tuyên bố rằng họ đã thực hiện một số đòn không kích thành công nhằm vào các trực thăng chiến đấu, hàng phòng không và các vũ khí khác của Nga. Moscow bác bỏ thông tin này.

Một số hình ảnh vệ tinh mà hai hãng Maxar và Planet Labs cung cấp cho thấy Nga đã hoàn thành việc tăng cường hàng phòng thủ của Đảo Rắn chỉ trong vòng 4 tháng, đặc biệt là kể từ đầu tháng 6, sau khi xây dựng xong nhiều cấu trúc mới, hệ thống hào và đặt thêm nhiều hệ thống tên lửa tầm ngắn.

So sánh ảnh vệ tinh chụp từ ngày 12/5 và chụp vào ngày 5/6 cho thấy chỉ trong có vài tuần lễ, nhiều cấu trúc lều trại đã nổi lên, nhiều hệ thống tên lửa Pantsir và Tor được lắp đặt. Những hình ảnh này cũng cho thấy nhiều dải đất bị cháy xém, và một tòa tháp bị sụp đổ - có lẽ do đòn không kích mà phía Ukraine thực hiện vào ngày 21/6.

Lực lượng vũ trang Ukraine từng tuyên bố thực hiện hàng loạt vụ không kích thành công nhằm vào Đảo Rắn, nhờ sử dụng drone Bayraktar do Thổ Nhĩ Kỳ chế tạo. Đoạn video mà họ công bố ngày 8/5 cho thấy một đòn tấn công bằng drone nhằm vào một trực thăng chiến đấu của Nga đang bay trên hòn đảo này. “Chúng tôi đang truy đuổi địch thủ ở mọi nơi trên lãnh thổ của chúng tôi,” quân đội Ukraine nói trong một bài đăng trên Facebook.

Một bức ảnh chụp bằng drone cho thấy một đám cháy trên Đảo Rắn ngày 8/5 (Ảnh: Reuters)

Một bức ảnh chụp bằng drone cho thấy một đám cháy trên Đảo Rắn ngày 8/5 (Ảnh: Reuters)

Trong hôm thứ Ba tuần này, Bộ tư lệnh miền Nam của Ukraine cho hay họ đang triển khai “nhiều lực lượng và phương tiện hủy diệt.” Trong hôm tiếp theo, họ nói đã tiêu diệt nhiều hệ thống phòng không và radar của Nga.

“Chúng tôi đang tấn công các cứ điểm này và chiến dịch sẽ tiếp tục cho đến khi giải phóng hoàn toàn Đảo Rắn,” Giám đốc tình báo quân đội Kyrylo Budanov nói trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình.

Andriy Zagorodnyuk, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine, nói rằng Nga đang cố gắng mang thêm các hệ thống radar, phòng không và hệ thống tác chiến điện tử tới Đảo Rắn để thay thế cho soái hạm Moskva đã bị chìm vào ngày 14/4.

“Họ muốn phong tỏa vùng biển tới Ukraine,” ông nói. “Họ muốn sử dụng hòn đảo này như một tuần dương hạm không thể đánh chìm, bắn hạ mọi thứ đang đang bay hoặc nổi trên vùng biển này.” Nga cho rằng tàu Moskva bị chìm là do hỏa hoạn, nguyên nhân chưa rõ ràng.

Giới chuyên gia phân tích quân sự nói rằng Nga đã tính đến những rủi ro mà họ có thể gặp khi xây dựng hàng phòng thủ trên đảo rắn. Bất chấp rủi ro bị Ukraine không kích, Nga vẫn tiếp tục bởi họ hiểu rõ lợi thế của việc nắm quyền kiểm soát hòn đảo này. Cuối cùng, Nga có khả năng mang thêm vũ khí tối tân hơn tới đây – có khả năng là cả hệ thống phòng không S-400 – bởi giá trị của Đảo Rắn đủ lớn để họ làm vậy.

Kiểm soát Đảo Rắn – không có con rắn nào mặc dù có tên gọi như vậy – cũng cho Nga lựa chọn triển khai các loại vũ khí đủ sức tấn công một vạt lớn lãnh thổ phía Tây Nam của Ukraine và tiếp viện cho mọi chiến dịch tấn công có thể bắt nguồn từ Transnistria – khu vực ly khai thân Nga tách ra từ Moldova – trong tương lai.

Hòn đảo này còn có thể chặn tuyến đường vận chuyển nông sản thông qua sông Danube và tới Romania, một nước thành viên của NATO hiện đang sử dụng các cảng của họ để giúp xử lý một lượng nông sản đang bị mắc kẹt ở các cảng của Ukraine. Đảo Rắn từng là lãnh thổ của Romania, cho đến khi Liên Xô giành quyền kiểm soát vào năm 1948 và sử dụng nó như một căn cứ radar.

Đối với Kiev, việc tái chiếm Đảo Rắn sẽ giúp họ phá vỡ thế phong tỏa đường biển của các lực lượng Nga. Hiện nay, các chiến hạm của Nga đang tuần tra các vùng biển phía Nam Odessa, và ngăn chặn nông sản cùng nhiều mặt hàng khác từ các cảng phía Nam của Ukraine tỏa đi khắp thế giới.

“Đảo Rắn đã trở thành một biểu tượng,” Gennady Trukhanov, Thị trưởng của Odessa, nhận định. “Kiểm soát hòn đảo này cho phép bạn kiểm soát tình thế.”

Cả hai bên đến nay đều chưa đạt được các mục tiêu của họ. Giới phân tích cho rằng Ukraine có thể không nhắm tới việc cho binh sĩ đồn trú trên Đảo Rắn, mà thay vào đó nỗ lực để ngăn cản Nga làm điều đó – bởi Nga sử dụng nhiều nguồn lực hơn để bảo vệ Đảo Rắn, nếu so với nguồn lực mà Ukraine đầu tư để ngăn chặn Nga.

Một đoạn băng mà quân đội Ukraine công bố cho thấy một đòn tấn công nhằm vào tàu của Nga tại Đảo Rắn, ngày 7/5 (Ảnh: Reuters)

Một đoạn băng mà quân đội Ukraine công bố cho thấy một đòn tấn công nhằm vào tàu của Nga tại Đảo Rắn, ngày 7/5 (Ảnh: Reuters)

Natalia Humenyuk, một đại diện của Lực lượng Bảo vệ bờ biển Ukraine tại Odessa, nói rằng Nga đã triển khai các ống phóng tên lửa Grad trên hòn đảo này nhưng đến nay vẫn chưa thể với đến lãnh thổ Ukraine, mà chỉ tập trung vào việc bảo vệ đồn trú trên đảo. “Họ lo sợ drone Bayraktar của chúng tôi và khả năng chúng tôi mở chiến dịch đổ bộ lên đảo,” bà nói.

Nhưng phía Ukraine cũng chịu nhiều rủi ro trong việc ngăn chặn Nga triển khai thêm binh sĩ và vũ khí trên Đảo Rắn, điều này khiến họ khó thực hiện được một chiến dịch đổ bộ thành công. Ví dụ, mọi con tàu di chuyển vào khu vực này đều trở thành mục tiêu cho đòn tấn công của Nga.

Kết quả là, Đảo Rắn sẽ tiếp tục là một điểm giao tranh nóng bỏng giữa Nga và Ukraine, mà chưa thể sớm có bên chiến thắng, theo giới phân tích.

“Nó có thể vẫn giữ hiện trạng như vậy cho đến khi chiến tranh kết thúc. Kiểm soát nó là điều cực kỳ khó khăn,” ông Zagorodnyuk nói. “Chúng ta sẽ xem xem có bao nhiêu lần mà chúng ta hủy hoại trang thiết bị của họ ở đó, trước khi họ nhận ra rằng ở lại đó không có ích gì cả.”

Theo Wall Street Journal