Doanh thu của SJC vượt 27.000 tỉ đồng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Tròn 1 thập kỷ kể từ năm 2013, doanh thu thuần của Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) mới vượt mốc 27.000 tỉ đồng. Dù vậy, tỉ suất sinh lời của SJC rất khiêm tốn, chỉ đạt 1,7 đồng lợi nhuận trên mỗi 1.000 đồng doanh thu trong năm 2022.

SJC doanh thu 2.png

Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) vừa công bố báo cáo tổng hợp năm 2022, trong đó ghi nhận doanh thu thuần ở mức 27.153,6 tỉ đồng, tăng 9.464,5 tỉ đồng so với cùng kỳ năm trước.

Đây cũng là lần đầu tiên kể từ năm 2013, doanh thu thuần của SJC mới vượt mốc 27.000 tỉ đồng.

Năm 2022 cũng đánh dấu sự biến động mạnh của giá vàng miếng. Sau khi lập đỉnh lịch sử quanh mốc 74,4 triệu đồng/lượng hồi tháng 3/2022, giá vàng miếng sau đó có lúc giảm về tới 62 triệu đồng/lượng và kết thúc năm quanh vùng 66 triệu đồng/lượng.

Dù doanh thu tăng mạnh, lợi nhuận sau thuế của SJC trong năm 2022 không có nhiều biến động so với năm 2021, chỉ đạt mức 48,5 tỉ đồng. Đồng nghĩa, tỉ suất lợi nhuận trên doanh thu của công ty này chỉ ở mức 0,17%. Để dễ hình dung, cứ 1.000 đồng doanh thu, SJC chỉ mang về 1,7 đồng lợi nhuận.

Năm ngoái, chi phí giá vốn hàng bán của SJC ở mức 26.903,3 tỉ đồng, ‘bào mòn’ tới hơn 99% doanh thu thuần. Bên cạnh đó, các chi phí tài chính, bán hàng và quản lý doanh nghiệp của SJC cũng tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2021.

SJC loi nhuan 2.png

Trên bảng cân đối, tại thời điểm 31/12/2022, SJC ghi nhận tổng tài sản đạt mức 1.739,7 tỉ đồng, tăng 4,3% so với đầu năm. Số dư hàng tồn kho chiếm tỷ trọng lớn nhất với 1.172,9 tỉ đồng, chiếm 67,4% tổng tài sản. Số dư tiền và các khoản tương đương tiền của SJC đạt 276,2 tỉ đồng, tăng 64,5% so với đầu năm 2022.

Ở bên kia bảng cân đối, nợ phải trả của SJC tăng 27,5% so với đầu năm, đạt mức 195,2 tỉ đồng. SJC có tổng vốn chủ sở hữu là 1.544,4 tỉ đồng, trong đó bao gồm vốn chủ sở hữu (1.544,4 tỉ đồng), lợi nhuận sau thuế chưa phân phối (166,5 tỉ đồng), và quỹ đầu tư phát triển (18,9 tỉ đồng).

SJC được thành lập từ tháng 6/2010 thông qua việc chuyển đổi từ Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn – SJC (hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con) sang công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên.

Sau khi Nghị định số 24 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng được ban hành năm 2012, NHNN quyết định sản xuất vàng miếng và thuê SJC thực hiện gia công sản phẩm.

Tại buổi làm việc với các tổ chức tín dụng (TCTD) và doanh nghiệp kinh doanh vàng về công tác quản lý thị trường vàng hồi tháng 7/2022, bà Lê Thúy Hằng – Tổng giám đốc SJC – cho biết, từ năm 2012, việc sản xuất vàng miếng được NHNN quản lý rất chặt chẽ trong tất cả các khâu của quy trình, bắt đầu từ cân đo sản phẩm, kiểm tra series, đốt nấu và dập ra vàng miếng.

Theo lãnh đạo SJC, từ khi được giao thương hiệu vàng quốc gia, SJC chỉ gia công chứ không sản xuất thêm một miếng vàng nào từ nguyên liệu, và cũng mất đi các lợi thế về kinh doanh khiến lợi nhuận ròng suy giảm.

Năm 2023, ban lãnh đạo SJC đặt mục tiêu tổng doanh thu ở mức 30.416 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 56,6 tỉ đồng, tăng tương ứng 12% và 16,7% so với năm 2022./.