Câu chuyện về quản lý thị trường vàng, mà cụ thể là việc độc quyền sản xuất vàng miếng SJC, đã làm ‘nóng’ phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Nguyễn Thị Hồng trước Quốc hội hôm 9/6.
Tại phiên chất vấn, các đại biểu Quốc hội cho hay giá vàng SJC giao dịch quanh mốc 70 triệu đồng/lượng, có lúc cao hơn giá vàng thế giới quy đổi từ 18 – 20 triệu đồng/lượng.
SJC vốn là thương hiệu vàng miếng chiếm lĩnh thị trường từ trước khi Nghị định 24/2012/NĐ-CP (Nghị định 24) về quản lý hoạt động kinh doanh vàng được ban hành. Theo Thống đốc NHNN, ở thời điểm đó, qua phân tích đánh giá chi phí, lợi ích, NHNN quyết định độc quyền sản xuất vàng miếng nhưng thuê SJC (Công ty TNHH Vàng bạc Đá quý Sài Gòn) gia công dưới sự quản lý, giám sát chặt chẽ.
Theo dữ liệu của VietTimes, kể từ khi Nghị định 24 có hiệu lực thi hành, doanh thu hàng năm của SJC lên tới cả chục nghìn tỉ đồng. Tuy nhiên, biên lãi ròng của SJC rất mỏng, năm cao nhất cũng chỉ là 0,69% (năm 2013).
Giai đoạn 2020 – 2021, dù dịch bệnh Covid-19 bùng phát, song giá vàng miếng SJC nhiều lần thiết lập đỉnh mới. Riêng trong năm 2021, giá vàng miếng SJC đã tăng từ vùng 56 triệu đồng/lượng lên trên 60 triệu đồng/lượng và chốt năm ở mức 61,65 triệu đồng/lượng. Tính chung, giá vàng SJC đã tăng hơn 5 triệu đồng/lượng, tương đương mức tăng khoảng 8,9%.
Tuy vậy, kết quả kinh doanh của SJC lại có chiều hướng đi xuống, với doanh thu năm 2021 ở mức thấp nhất 7 năm.
Cụ thể, theo báo cáo tài chính năm 2021 đã kiểm toán, SJC ghi nhận doanh thu thuần đạt 17.689,2 tỉ đồng, giảm 24,7% so với năm trước. Đây cũng là mức doanh thu thấp nhất của SJC kể từ năm 2015. Cùng với đó, biên lãi gộp của SJC cũng giảm nhẹ so với năm 2020, xuống mức 0,74%.
Năm ngoái, SJC ghi nhận hơn 6,1 tỉ đồng doanh thu tài chính, chủ yếu là lãi tiền gửi và cổ tức, lợi nhuận được chia. Đáng chú ý, công ty này còn được hoàn nhập 20 tỉ đồng dự phòng giảm giá chứng khoán kinh doanh và tổn thất đầu tư, đóng góp đáng kể vào lợi nhuận.
Trừ đi chi phí, SJC báo lãi sau thuế 43,2 tỉ đồng, giảm 22,5% so với thực hiện năm 2020.
Tính đến ngày 31/12/2021, quy mô tổng tài sản của SJC đạt 1.668,5 tỉ đồng. Trong đó, hàng tồn kho chiếm tới 69,9%, đạt 1.166,4 tỉ đồng. Vốn chủ sở hữu của công ty này là 1.529,9 tỉ đồng, được cấu thành bởi 1.358,9 tỉ đồng vốn góp của UBND Tp. HCM (chiếm 100% vốn điều lệ).
Vào tháng 9/2019, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt danh mục 93 doanh nghiệp Nhà nước cổ phần hóa đến hết năm 2020, trong đó có SJC./.