Theo số liệu từ công ty chứng khoán Hua Chuang có trụ sở ở Bắc Kinh, tổng số nợ (gồm các khoản vay ngân hàng, phát hành trái phiếu và cả tín dụng đen) được các công ty Trung Quốc sắp xếp để chi trả lãi vay có thể tăng thêm 5% trong năm nay, lên mức cao kỷ lục 7.600 tỷ nhân dân tệ (tương đương 1.200 tỷ USD). Hua Chuang là công ty nổi trội nhất về mảng phân tích các tài sản mang lại thu nhập cố định, được tạp chí New Fortune của Trung Quốc đánh giá là một trong những công ty hàng đầu về mảng này trong 2 năm 2012 và 2013.
Theo nhà kinh tế học người Mỹ Hyman Minsky (cũng là người đã phát minh ra khái niệm tài chính Ponzi), việc sử dụng nguồn vốn đi vay để trả lãi vay là một dạng thức tăng trưởng tín dụng không bền vững và có thể khơi mào cho khủng hoảng tài chính.
Các công ty Trung Quốc đang cố gắng tạo ra dòng tiền mặt cần thiết để trả nợ trong bối cảnh nền kinh tế lớn thứ hai tăng trưởng ở tốc độ thấp nhất trong 25 năm và lợi nhuận của các doanh nghiệp sụt giảm. Mặc dù gánh nặng nợ đã được giải tỏa phần nào sau khi NHTW Trung Quốc cắt giảm lãi suất tới 6 lần trong 12 tháng và chi phí đi vay của doanh nghiệp giảm xuống mức thấp nhất trong 5 năm, số vụ vỡ nợ trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp Trung Quốc đã tăng từ mức 1 vụ trong năm 2014 lên 6 vụ kể từ đầu năm đến nay.
“Một số công ty Trung Quốc đã bước vào trạng thái Ponzi vì tỷ suất thu nhập trên đầu tư (ROI) đã giảm rất nhanh”, Shi Lei – người dẫn đầu nhóm nghiên cứu về tài sản mang lại thu nhập cố định tại công ty chứng khoán Bình An trực thuộc công ty bảo hiểm lớn nhất Trung Quốc – nhận định. “Như vậy, đòn bẩy tăng lên và các công ty “xác sống” xuất hiện ngày càng nhiều”.
Tuần trước, công ty xi măng Shanshui là cái tên mới nhất xuất hiện trong danh sách các vụ vỡ nợ trái phiếu nhân dân tệ ở Trung Quốc. Tình trạng dư thừa xi măng khiến lợi nhuận sụt giảm và mâu thuẫn trong nội bộ cổ đông càng khiến tình hình tài chính của công ty này xấu đi. Trong khi đó nhà sản xuất thép Sinosteel (vốn là một công ty quốc doanh) cũng vừa phải trì hoãn việc trả lãi trái phiếu.
Các chỉ số đo lường sức khỏe của các doanh nghiệp tại nền kinh tế lớn nhất châu Á đã sụt giảm mạnh. Số doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán Thượng Hải và Thâm Quyến có tiền mặt ít hơn nợ ngắn hạn, chịu cảnh lỗ ròng và doanh thu sụt giảm đã tăng từ mức 115 vào tháng 6 năm ngoái lên 200 vào tháng 6 năm nay.
Tỷ lệ nợ xấu tại các ngân hàng Trung Quốc trong quý III cũng tăng thêm 10% so với quý trước, lên 1.200 tỷ nhân dân tệ, tương đương GDP của New Zealand.
Tổng nợ của các công ty niêm yết đã tăng lên mức 141% vốn cổ phần phổ thông, cao nhất trong 3 năm trở lại đây.
Chi phí đi vay giảm đã giúp các công ty Trung Quốc có thể tiếp cận với dòng tiền mặt mới. Cùng lúc đó, các nhà hoạch định chính sách đang triển khai nhiều bước nhằm đảm bảo tín dụng sẽ chảy vào những công ty thực sự cần. Tháng trước, Thủ tướng Lý Khắc Cường tuyên bố các ngân hàng Trung Quốc không nền cắt hoặc giảm bớt số vốn vay giải ngân cho các công ty đang trong thời kỳ khó khăn, đồng thời bổ sung rằng Chính phủ sẽ ngăn chặn những rủi ro hệ thống.
Tuy nhiên, theo Zhou Hao, chuyên gia kinh tế cao cấp tại Commerzbank chi nhánh Singapore, số vụ vỡ nợ sẽ tăng lên vì lợi nhuận không bắt kịp được chi phí lãi vay. Lợi nhuận của các công ty công nghiệp đã sụt giảm 4 tháng liên tiếp, trong khi chỉ số giá sản xuất giảm 44 tháng liên tiếp.
Theo Trí thức trẻ/Bloomberg