Doanh nghiệp trả cổ tức tiền mặt bằng vài năm lãi ngân hàng

So với lãi tiền gửi phổ biến ở mức 7% hiện nay tại các nhà băng, khoản cổ tức bằng tiền vài chục phần trăm được một số doanh nghiệp chốt chi trả năm nay đước đánh giá là khá hấp dẫn.
Nhiều doanh nghiệp bạo tay trả cổ tức tiền mặt với tỷ lệ cao trên 100%.
Nhiều doanh nghiệp bạo tay trả cổ tức tiền mặt với tỷ lệ cao trên 100%.

"Tiền mặt là vua" là câu nói thường được giới đầu tư sử dụng khi nói về sức mạnh tài chính của doanh nghiệp. Thực tế, để khẳng định sức mạnh cũng như kết quả làm ăn tốt, nhiều doanh nghiệp Việt đã lên kế hoạch chi cổ tức tiền mặt cao.

Năm 2015, Tập đoàn Ki Do (trước đó là Kinh Đô, Mã CK: KDC) đã khiến giới tài chính bất ngờ khi quyết định trả cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 200% cho cổ đông hiện hữu. Mỗi cổ phiếu nắm giữ, cổ đông sẽ nhận được thêm 20.000 đồng.

Với khoảng gần 235 triệu cổ phiếu đang lưu hành, Ki Do phải chi tới hơn 4.700 tỷ đồng. Ngoài khoản cổ tức đặc biệt 200%, cổ đông công ty vẫn nhận thêm cổ tức 14% cho năm 2015 bằng tiền. Cuối tháng 8, cổ đông của tập đoàn đã bắt đầu nhận được khoản tiền "khổng lồ" trên. Ông Trần Lệ Nguyên, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị công ty nhận gần 300 tỷ đồng cổ tức.

Theo ban lãnh đạo Ki Do, nguồn tiền trả cổ tức được trích từ số tiền thu về từ thương vụ bán 80% cổ phần mảng bán kẹo cho Tập đoàn Mondelēz International.

Tương tự trong năm vừa qua, tiêu thụ ôtô tại Việt Nam có nhiều đột phá nên Ôtô Trường Long (Mã CK: HTL) có bước tăng trưởng vượt bậc. Lũy kế 9 tháng, công ty đạt doanh thu 1.260 tỷ đồng, tăng 191%. Lợi nhuận sau thuế 102 tỷ đồng, tăng tới 345%.

Thị giá cổ phiếu HTL cũng theo đó tăng mạnh khi công ty này tuyên bố trả cổ tức với tỷ lệ 100%. Cuối năm 2015, Trường Long đã chi 40 tỷ đồng trả cổ tức bằng tiền mặt cho cổ đông. Mới đây, doanh nghiệp cho biết sẽ tiếp tục trả nốt cổ tức đợt 2 bằng cổ phiếu tỷ lệ 50% (2 cổ phiếu được nhận thêm một cổ phiếu thưởng). Cổ tức cao, nhà đầu tư tranh mua cổ phiếu khiến HTL trở thành mã có thị giá cao nhất trên thị trường hiện ở mức 169.000 đồng, tăng gấp 7,4 lần so với đầu năm 2015.

Tương tự Trường Long, Công ty Dịch vụ hàng hóa Nội Bài – NoiBaiCargo (Mã CK: NCT) cũng tuyên bố trả cổ tức tỷ lệ 100%. Đầu tháng 9, công ty chi 130 tỷ đồng và đã hoàn tất trả cổ tức tiền mặt cho cổ đông đợt I với tỷ lệ 50%.

Trả cổ tức tiền mặt cao đã trở thành truyền thống của Công ty Dịch Vụ hàng không sân bay Đà Nẵng (Mã CK:MAS). Cuối năm 2015, doanh nghiệp đã hoàn tất trả cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 80%. Trước đó năm 2014, tỷ lệ này lên tới 115%, năm 2013 là 67,5%.

Công ty Cổ phần Dịch vụ trực tuyến FPT (FPT Online) cũng hấp dẫn nhà đầu tư bằng cổ tức "tiền tươi thóc thật" khi trả đợt I năm 2015 với tỷ lệ 50%.  FPT Online hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực báo chí và quảng cáo, và luôn có tốc độ tăng trưởng ấn tượng trong những năm qua.

Một doanh nghiệp khác năm nào cũng khiến cổ đông "mát mặt" với cổ tức tiền mặt ấn tượng là Công ty Công viên nước Đầm Sen (Mã CK: DSN). Công viên Đầm Sen vừa quyết định chi 30 tỷ đồng để trả cổ tức đợt I năm 2015 với tỷ lệ 36%.

Nhiều doanh nghiệp niêm yết khác như Công ty Sản xuất kinh doanh và xuất nhập khẩu Bình Thạnh (Mã CK: GIL), Công ty Sữa Việt Nam (Mã CK: VNM), Công ty Đầu tư và Phát triển Đô thị Sài Đồng (Mã CK: SDI), Mía đường Sơn La (Mã CK: SLS), Công ty Vicostone (Mã CK: VCS), Công ty Vật tư xăng dầu (Mã CK: COM)… cũng trả cổ tức cao, có doanh nghiệp đạt tỷ lệ 100%.

So với mức lãi suất bình quân ngân hàng thương mại khoảng 7% hiện nay, cổ tức tiền mặt của nhiều doanh nghiệp vượt trội hơn hẳn. Thông thường các doanh nghiệp có truyền thống trả cổ tức cao đều có kết quả kinh doanh ổn định, ngành nghề nhiều triển vọng.

Theo các chuyên gia tài chính, doanh nghiệp trả cổ tức tiền mặt cao phản ánh sức mạnh nội tại của họ. Nhiều doanh nghiệp dùng cổ tức để khẳng định vị thế, thu hút và giữ chân nhà đầu tư ở lại lâu dài với công ty. Cổ phiếu của các doanh nghiệp này luôn được nhà đầu tư săn đón nhằm đầu tư dài hạn.

Theo VnE