Doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ “bầm dập” vì khó khăn

Nhìn chung trong 4 tháng đầu năm, các doanh nghiệp có quy mô nhỏ và siêu nhỏ đều có doanh thu, lượng đơn đặt hàng giảm, lợi nhuận giảm mạnh và lao động bị cắt giảm. Nhiều doanh nghiệp phải tạm ngừng hoạt động.
Doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ “bầm dập” vì khó khăn

Theo thông tin từ Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), kết quả khảo sát nhanh động thái của doanh nghiệp trên quy mô toàn quốc vừa được cơ quan này thực hiện cho thấy, trong 4 tháng đầu năm 2015, các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ gặp nhiều khó khăn hơn các doanh nghiệp có quy mô vừa và lớn.

Theo bà Đoàn Thị Quyên - đại diện Viện Phát triển doanh nghiệp thuộc VCCI, nhìn chung trong 4 tháng đầu năm, các doanh nghiệp có quy mô nhỏ và siêu nhỏ đều có doanh thu, lượng đơn đặt hàng giảm, lợi nhuận giảm mạnh và lao động bị cắt giảm. Trong khi đó, các doanh nghiệp vừa doanh số tăng, lượng đơn đặt hàng tăng, lợi nhuận tăng và nguồn nhân lực không thay đổi.

Có khoảng 2,3% doanh nghiệp trong diện khảo sát cho biết phải tạm ngừng hoạt động (tỷ lệ này giai đoạn cùng kỳ 4 tháng/2014 là 2,2%), thời gian phải ngừng hoạt động trung bình là 1,2 tháng, doanh nghiệp có thời gian ngừng hoạt động ngắn nhất là 0,5 tháng và dài nhất là 3 tháng. 

Động thái doanh nghiệp 4 tháng đầu năm 2015
Động thái doanh nghiệp 4 tháng đầu năm 2015

Trong đó, doanh nghiệp siêu nhỏ chiếm 29,4%, doanh nghiệp nhỏ 47,1% và các doanh nghiệp lớn 23,5%. Không có doanh nghiệp quy mô vừa phải ngừng hoạt động. Nguyên nhân doanh nghiệp phải ngừng hoạt động chủ yếu do không tìm được thị trường đầu ra (chiếm tới 31,8%).

Ngoài ra, tỷ lệ doanh nghiệp siêu nhỏ mở rộng sản xuất trong 4 tháng đầu năm thấp nhất so với các doanh nghiệp có quy mô lớn hơn. Trong khi đó, tỷ lệ doanh nghiệp siêu nhỏ giảm quy mô kinh doanh cao nhất. Điều này cũng cho thấy các điều kiện kinh doanh của các doanh nghiệp siêu nhỏ không thuận lợi bằng các doanh nghiệp có quy mô lớn hơn.

Để doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể trụ vững và vươn lên, bà Phạm Thị Thu Hằng- Tổng Thư ký VCCI đề nghị doanh nghiệp cần chủ động và tích cực tìm kiếm thị trường đầu ra, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu để không bị phụ thuộc vào một thị trường, tránh rủi ro. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng phải chủ động tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Bà Hằng cũng kiến nghị, Chính phủ nên có chương trình hỗ trợ riêng cho các doanh nghiệp có quy mô siêu nhỏ và nhỏ để các doanh nghiệp này bắt kịp với tốc độ phục hồi chung của nền kinh tế.

Theo Dân trí