Điều gì diễn ra phía sau hiện tượng “phục dương” (tái dương tính với nCoV) ở các bệnh nhân đã được chữa khỏi xuất viện ở Trung Quốc?

VietTimes -- Theo trang tin Guancha, vào tối ngày 4 tháng 3, một người phụ trách bệnh viện khoang vuông (còn gọi “bệnh viện cabin”) Giang Ngạn Vũ Hán đã xác nhận với The Paper bệnh viện này đã đưa ra một “Thông báo khẩn cấp” căn cứ theo thông báo mới nhất của Bộ chỉ huy phòng chống dịch bệnh thành phố nói gần đây nhiều bệnh nhân sau khi xuất viện đã tái phát phải nhập viện điều trị lại.
Hiện tượng nhiều bệnh nhân đã khỏi bệnh tái nhiễm nCoV đang khiến dư luận Trung Quốc lo ngại (Ảnh: Đa Chiều).
Hiện tượng nhiều bệnh nhân đã khỏi bệnh tái nhiễm nCoV đang khiến dư luận Trung Quốc lo ngại (Ảnh: Đa Chiều).

Theo “Thông báo khẩn cấp” này, để giảm thiểu bệnh tình tái phát và đảm bảo rằng tất cả mọi người  được chữa khỏi hoàn toàn để đạt được mục tiêu “không tái phát”, Bệnh viện Giang Ngạn đã quyết định sẽ tiến hành lấy máu xét nghiệm kiểm tra kháng thể virus Ig-M và Ig-G tất cả các bệnh nhân được xuất viện và thực hiện trong cùng một ngày (sáng xét nghiệm, tối cho kết quả) để đảm bảo phục hồi hoàn toàn, đề nghị tất cả bệnh nhân vui lòng hợp tác. Việc kiểm tra này sẽ bắt đầu vào ngày 5/3.

Người phụ trách này nói rằng Bộ Chỉ huy phòng chống dịch bệnh của thành phố Vũ Hán đã thông báo cho họ rằng có những trường hợp xét nghiệm axit nucleic dương tính sau khi bệnh nhân rời khỏi bệnh viện khoang vuông; vì vậy để chữa trị triệt để cho bệnh nhân, phải tăng cường kiểm tra kháng thể virus Ig-M và Ig-G.

Nhiều bệnh nhân đã được chữa khỏi xuất viện nhưng sau đó lại phải tái nhập viện vì "hiện tượng phục dương" (Ảnh: Jiemian).
Nhiều bệnh nhân đã được chữa khỏi xuất viện nhưng sau đó lại phải tái nhập viện vì "hiện tượng phục dương" (Ảnh: Jiemian).

 Viêm phổi cấp do virus Corona mới (COVID-19) đang lần lượt bùng phát ở nhiều nước trên thế giới và tại Trung Quốc, nơi dịch bệnh bùng phát đầu tiên, số lượng chẩn đoán được Trung Quốc thông báo chính thức đang liên tục giảm. Trong lúc đó, hiện tượng bệnh nhân đã xuất viện nhưng có phản ứng dương tính với nCoV (Trung Quốc gọi là “hiện tượng phục dương”) đã có ở nhiều nơi ở Trung Quốc đại lục.

Trang tin Jiemian ngày 5/3 đưa tin, người phụ trách bệnh viện khoang vuông Quốc Bác Hán Dương ở Vũ Hán cũng cho biết trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại rằng họ đã nhận được thông báo từ Bộ chỉ huy phòng chống dịch bệnh Vũ Hán và tạm dừng làm thủ tục xuất viện cho các bệnh nhân.

Người phụ trách này tiết lộ qua điện thoại: “Bộ chỉ huy phòng chống dịch bệnh thành phố đã đưa ra thông báo tạm dừng việc xuất viện của bệnh nhân. Thông báo này dành cho tất cả các bệnh viện khoang vuông ở Vũ Hán. Trước đó, mỗi ngày bệnh viện chúng tôi có từ 30 tới 40 bệnh nhân được xuất viện”. Sau đó, phóng viên Jiemian đã liên lạc với một số bệnh viện khoang vuông khác và xác nhận một số bệnh viện cũng đã đình chỉ việc xuất viện của bệnh nhân.

Tỉnh Quảng Đông có tới 14% số bệnh nhân đã xuất viện bị "phục dương" (Ảnh: Nanfang).
Tỉnh Quảng Đông có tới 14% số bệnh nhân đã xuất viện bị "phục dương" (Ảnh: Nanfang).

Trên thực tế, không chỉ ở Vũ Hán, “hiện tượng phục dương” của bệnh nhân đã xuất viện cũng thường xuyên xảy ra ở các khu vực khác. Ngay từ ngày 21/2, Trung tâm trị liệu lâm sàng y tế công cộng thành phố Thành Đô đã thông báo rằng một bệnh nhân COVID-19 sống ở quận Cẩm Giang, sau khi xuất viện về cách ly tại nhà lại dương tính trở lại khi được xét nghiệm lại axit nucleic do xuất hiện các triệu chứng tái nhiễm COVID-19; tuy nhiên khi đó người ta không để ý lắm, mà chỉ cho rằng đây là trường hợp cá biệt có thể do sai sót khi xét nghiệm trước khi xuất viện.

Ngày 25/2, Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh tỉnh Quảng Đông cũng báo cáo rằng 14% bệnh nhân bị COVID-19 ở Quảng Đông có “hiện tượng phục dương”. Ngày 27/2, trường hợp đầu tiên bệnh nhân bị COVID-19 ở Từ Châu, Giang Tô, đã được phát hiện “phục dương” sau khi xuất viện. Những người hàng xóm tổ chức lễ đón tiếp ông xuất viện 3 ngày trước đều bị cách ly, có tới ít nhất 65 người bị ảnh hưởng.

nCoV ngày càng tỏ ra nguy hiểm và khó lường (Ảnh: Jiemian).
nCoV ngày càng tỏ ra nguy hiểm và khó lường (Ảnh: Jiemian).

Hiện nay, dịch bệnh COVID-19 từ Vũ Hán đã lan rộng ra ít nhất 86 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới – tính đến ngày 5/3; nhiều quốc gia đã liên tục nâng mức độ cảnh báo dịch bệnh. Trong khi đó số lượng người bị bệnh mới được chính phủ Trung Quốc thông báo lại liên tục giảm. Theo Đài Truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV), vào ngày 2/3, số trường hợp mới được xác nhận tại 27 tỉnh, khu tự trị và thành phố là “0”. Trong số đó, 10 tỉnh, như Giang Tô, đã không có trường hợp mới nào trong hơn 10 ngày liên tiếp.

Ngày 3/3, Nhân dân Nhật báo, cơ quan truyền thông chính thức Trung Quốc, dẫn lời ông Mã Hiểu Vĩ (Ma Xiaowei), Chủ nhiệm Ủy ban Y tế và Sức khỏe quốc gia, nói rằng các bệnh viện khoang vuông ở Vũ Hán đã đạt được “không lây nhiễm, không tử vong và không tái nhiễm”.

Bệnh nhân tái nhiễm nCoV có thể điều trị khó khăn hơn nhiễm lần đầu (Ảnh: Đa Chiều).
Bệnh nhân tái nhiễm nCoV có thể điều trị khó khăn hơn nhiễm lần đầu (Ảnh: Đa Chiều).

Tuy nhiên, việc các thông tin về hiện tượng “phục dương” nói trên khiến người ta nghi ngờ có hiện tượng giấu giếm, hoặc báo cáo sai để chạy theo thành tích; thậm chí có ý kiến cho là có sự chỉ đạo để phục vụ mục đích giữ kinh tế và duy trì ổn định.

Theo “Phương án chẩn đoán và điều trị bệnh COVID-19 (phiên bản thử nghiệm thứ 7)” vừa được Trung Quốc công bố, đội ngũ nghiên cứu khoa học đã phát hiện ra rằng nCoV gần đây đã bị đột biến và khả năng lây nhiễm của nó mạnh hơn; có thể gây tổn thương cho phổi, lá lách, tim, gan, túi mật, thận và các cơ quan khác. Phương án này cũng đã điều chỉnh phần “Những điều chú ý sau khi xuất viện” từ “cần tiếp tục tiến hành 14 ngày tự giám sát tình trạng sức khỏe” sửa thành “cần tiếp tục tiến hành cách ly quản lý và giám sát tình trạng sức khỏe trong 14 ngày”. Điều này đã phản ánh sự lo ngại về “hiện tượng phục dương” ở các bệnh nhân đã xuất viện.