Khoản nợ mà VietTimes đề cập xuất phát từ đợt phát hành trái phiếu 770 tỷ đồng vừa được Công ty TNHH Điền Phát Land (Điền Phát Land) hoàn tất vào ngày 9/7/2020.
Theo đó, lô trái phiếu có kỳ hạn 5 năm, loại hình không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, được đảm bảo bằng tài sản.
Lãi suất năm đầu tiên là 10%/năm. Đối với các năm tiếp theo, lãi suất trái phiếu được tính bằng lãi suất tiền gửi tiết kiệm cá nhân (thông thường), kỳ hạn 13 tháng, của VietBank cộng với biên độ lãi suất 2,75%/năm.
Thương vụ được thu xếp bởi CTCP Chứng khoán quốc tế Việt Nam (VIS) và Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương tín (VietBank) – Chi nhánh TP. HCM. Trái chủ là nhà đầu tư tổ chức trong nước không được tiết lộ rõ danh tính.
Tài sản bảo đảm của lô trái phiếu là quyền sử dụng đất tại thửa đất số 16, tờ bản đồ số 108 (theo tài liệu năm 2006), phường Bình Trị Đông B, quận Bình Tân, TP. HCM (giấy chứng nhận số BX 193493).
Đáng chú ý, Điền Phát Land còn sử dụng 20,55 triệu cổ phiếu của Ngân hàng TMCP Bản Việt (VietCapital Bank – Mã CK: BVB) để làm tài sản bảo đảm cho lô trái phiếu kể trên. Số lượng cổ phiếu này tương đương với 6,48% vốn điều lệ của VietCapital Bank nhưng trong các tài liệu công bố tới nay, Điền Phát Land lại không được nhà băng này ghi nhận là cổ đông lớn.
Cũng không loại trừ khả năng, số cổ phiếu mà Điền Phát Land dùng để thế chấp cho lô trái phiếu đến từ bên thứ ba. Vậy bên thứ ba đó là ai (!?).
Tìm hiểu của VietTimes phần nào giúp làm rõ về Điền Phát Land, cũng như “ông lớn” đứng sau pháp nhân còn bí ẩn này.
Cụ thể, dữ liệu của VietTimes cho thấy, Điền Phát Land được thành lập ngày 30/11/2017, đăng ký địa chỉ trụ sở chính tại TP. Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương.
Ban đầu, doanh nghiệp này có quy mô vốn điều lệ chỉ 20 tỷ đồng, trong đó Chủ tịch Hội đồng thành viên Nguyễn Đăng Thanh góp 2 tỷ đồng, sở hữu 10% vốn; ông Nguyễn Anh Tuấn (SN 1990) góp 18 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ sở hữu 90%.
Tới tháng 10/2019, Điền Phát Land đổi chủ, thuộc sở hữu của ông Dương Bảo Anh (SN 1989) – thường trú tại Quận 3, TP. HCM. Cập nhật tới tháng 2/2020, doanh nghiệp này thuộc sở hữu của ông Đỗ Nhật Anh (SN 1990). Vị trí Giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật của Điền Phát Land sau nhiều lần đổi chủ, hiện do bà Đặng Thị Thủy (SN 1976) đảm nhiệm.
Biết rằng, ít tuần sau khi thành lập, Điền Phát Land đã góp vốn thành lập CTCP Hong Lim Land (nay là CTCP NDC An Khang) – chủ đầu tư dự án The MarQ tại số 29B Nguyễn Đình Chiểu, Quận 1, TP.HCM. Tính tới cuối năm 2019, Điền Phát Land sở hữu khoảng 82,3 triệu cổ phần tại NDC An Khang.
Phối cảnh dự án The MarQ trên một số trang môi giới bất động sản
|
Chuyện tăng vốn tại VietCapital Bank
Theo cơ cấu cổ đông chốt tại thời điểm 18/2/2020, VietCapital Bank ghi nhận có tổng cộng 866 cổ đông, trong đó có 13 cổ đông là nhà đầu tư tổ chức trong nước với tỷ lệ sở hữu là 20,03% vốn điều lệ.
Trong đó, VietCapital Bank chỉ ghi nhận cổ đông lớn duy nhất là CTCP Đầu tư Khu đô thị mới Sài Gòn (Saigon NIC) nắm giữ hơn 40,86 triệu cổ phần, chiếm tỷ lệ 12,88%.
Cái tên đứng sau Saigon NIC - cổ đông lớn nhất của VietCapital Bank |
Danh sách ghi nhận có 865 cổ đông sở hữu 317,1 triệu cổ phiếu của nhà băng này. Tuy nhiên, phiên họp chỉ có sự tham dự của 76 cổ đông, đại diện cho hơn 232 triệu cổ phần, chiếm tỷ lệ 73,34% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết.
Tại cuộc họp, ĐHĐCĐ đã thông qua kế hoạch tăng vốn điều lệ của VietCapital Bank từ 3.171 tỷ đồng lên 3.551 tỷ đồng thông qua phát hành cổ phần cho cổ đông hiện hữu. Kể cả khi kế hoạch tăng vốn được thực hiện thành công, so về quy mô vốn, VietCapital Bank vẫn nằm trong nhóm những ngân hàng nhỏ tại Việt Nam. Nhà băng này từng khá “chật vật” để đạt được quy mô vốn như hiện tại.
Nên biết, sau đợt tăng vốn từ 1.000 tỷ đồng lên 3.000 tỷ đồng các năm 2010 – 2011 (thông qua phát hành cổ phiếu thưởng và chào bán cổ phiếu mới cho cổ đông hiện hữu), VietCapital Bank đã không tăng vốn trong khoảng 7 năm sau đó.
Mức vốn 3.000 tỷ đồng vừa đủ để nhà băng này đáp ứng các quy định của Luật các Tổ chức tín dụng. Mãi tới giai đoạn 2018 – 2019, VietCapital Bank mới nâng được mức vốn lên 3.171 tỷ đồng thông qua chào bán cổ phiếu ra công chúng.
Chuyện tăng vốn của VietCaptial Bank có phần phức tạp hơn, khi một lượng lớn cổ phiếu của nhà băng này rơi vào tình trạng hạn chế chuyển nhượng.
Tại thời điểm cuối năm 2018, VietCapital Bank ghi nhận có 77,56 triệu cổ phần (chiếm 26% vốn) bị phong tỏa, và 41,7 triệu cổ phần (chiếm 14% vốn) bị hạn chế chuyển nhượng.
Còn trong bản công bố thông tin tóm tắt phục vụ lên sàn mới đây, VietCapital Bank không còn cổ phần bị phong tỏa, nhưng có tới 26,97% cổ phần bị hạn chế chuyển nhượng.
Trong đó, có số cổ phần của Saigon NIC. Cổ đông này chỉ được chuyển nhượng cổ phiếu BVB khi có văn bản chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước.
Hơn 44,6 triệu cổ phiếu BVB còn lại (tương ứng 14,08% vốn điều lệ) thuộc sở hữu bởi các thành viên Hội đồng quản trị, Ban Kiểm soát, Kế toán trưởng cũng không được chuyển nhượng trong thời gian đảm nhiệm chức vụ./.