Điện Kremlin đáp trả cáo buộc về các cuộc điện đàm bí mật Trump-Putin

0:00 / 0:00
0:00
  • Nữ miền Nam

Người phát ngôn Dmitry Peskov cho biết những phần trong cuốn sách của Bob Woodward về việc ông Trump tiếp tục liên lạc với ông Putin sau khi rời nhiệm sở là “không có thật”.

Tổng thống Mỹ Donald Trump gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Osaka, Nhật Bản vào tháng 6/2019 (Ảnh: Getty)
Tổng thống Mỹ Donald Trump gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Osaka, Nhật Bản vào tháng 6/2019 (Ảnh: Getty)

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết, tuyên bố cho rằng cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có tới 7 cuộc điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin kể từ khi rời nhiệm sở vào năm 2021 là không đúng sự thật.

“Đó là một câu chuyện hư cấu điển hình trong bối cảnh chiến dịch chính trị trước bầu cử”, ông Peskov nói với tờ New York Times hôm 9/10 khi được hỏi về các chi tiết được nhà báo Bob Woodward đăng tải trong cuốn sách mới của ông, “War” (Chiến tranh).

Tác giả cho biết câu chuyện mà ông viết trong cuốn sách dựa trên những lời kể của một phụ tá giấu tên của ông Trump. Chiến dịch tranh cử của ứng cử viên đảng Cộng hòa đã bác bỏ nội dung của cuốn sách, cho rằng đây là "những câu chuyện bịa đặt" của một tác giả "mắc Hội chứng loạn trí Trump".

Tờ New York Times cho biết họ đã liên hệ với các quan chức đương nhiệm và cựu quan chức trong chính quyền hiện tại và chính quyền trước đây cũng như cộng đồng tình báo Mỹ. Khoảng 20 nguồn tin cho biết họ không hề biết về các cuộc điện đàm giữa ông Trump và ông Putin, như được mô tả trong trong cuốn sách của nhà báo Woodward.

Cụm từ “Rusiangate” – cáo buộc cho rằng bằng cách nào đó ông Trump đã nhận được sự ủng hộ từ Nga để được bầu làm Tổng thống vào năm 2016 - đã được đối thủ của ông, bà Hillary Clinton, và các phương tiện truyền thông thù địch với đảng Cộng hòa quảng bá rầm rộ trong nhiệm kỳ Tổng thống của ông.

Một cuộc điều tra của công tố viên đặc biệt Robert Mueller, người được cho là sẽ tìm ra bằng chứng về sự “thông đồng” của ông Trump với Moscow, cuối cùng không tìm ra được bằng chứng nào về những mối quan hệ đó. Ông Trump tuyên bố rằng “trò lừa bịp về Nga” là một phần của “cuộc săn phù thủy” rộng lớn hơn do kẻ thù chính trị của ông tiến hành.

Các tuyên bố rằng Nga can thiệp vào cuộc bầu cử năm 2016 thông qua mạng xã hội đã được Mỹ sử dụng để biện minh cho việc trấn áp diễn ngôn tự do trên mạng như một cuộc chiến chống lại “thông tin sai lệch”.

“Nếu các nền tảng - cho dù đó là Facebook hay Twitter/X hay Instagram hay Tik Tok, bất kể chúng là gì - nếu họ không kiểm duyệt và giám sát nội dung, chúng tôi sẽ mất toàn quyền kiểm soát”, bà Clinton nói với người dẫn chương trình truyền thông Michael Smerconish trong một cuộc phỏng vấn vào tháng trước.

Tình báo Mỹ cũng cáo buộc Nga đang bí mật sử dụng thông tin sai lệch và nội dung do trí tuệ nhân tạo (AI) tạo ra để hỗ trợ nỗ lực tranh cử nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump.

Các quan chức cấp cao của Nga, bao gồm cả Tổng thống Putin, đã lập luận rằng việc Moscow ủng hộ ứng cử viên nào từ hai đảng của Mỹ là vô nghĩa, vì cả hai đều không thể thay đổi các chính sách đối đầu mà giới tinh hoa Mỹ ưa thích. Moscow khẳng định rằng họ không can thiệp vào các cuộc bầu cử nước ngoài, đây là vấn đề về nguyên tắc.