* Đại biểu Quốc hội Bùi Thị An (Hà Nội):
Không chỉ là phương án giá điện
Giá điện là một vấn đề chuyên môn sâu, có lẽ chính EVN là nơi am hiểu nhất giá điện nên như thế nào. Nhưng EVN là một doanh nghiệp, trong khi giá điện là đầu vào rất quan trọng với nền kinh tế cũng như đời sống người dân.
Vì vậy, giá điện cần có sự quản lý của Nhà nước, sự giám sát của xã hội, của người tiêu dùng để làm sao đảm bảo công khai, minh bạch, phù hợp và chống độc quyền tăng giá.
Với một vấn đề chuyên môn như vậy, khi EVN đưa ra các phương án giá điện thì phải đi kèm các dữ kiện thật đầy đủ và chính xác liên quan đến từng phương án, giải thích rõ ràng tại sao lại đưa ra các phương án đó, mỗi phương án có ưu thế ra sao, từ đó các chuyên gia và xã hội mới có thể nắm bắt và góp ý.
Qua tiếp cận ban đầu, cá nhân tôi nghiêng về phương án một mức giá điện sinh hoạt, đồng thời với việc rà soát lại để có giải pháp tốt hơn nữa trong việc hỗ trợ người nghèo về giá điện.
Nghĩa là chúng ta tính một giá, đồng thời phải làm sao để người nghèo sẽ được hỗ trợ tốt hơn bằng giải pháp khác chứ không phải bằng cách chia nhiều bậc phức tạp như hiện nay. Đặc biệt phải chú ý đến hỗ trợ người lao động thu nhập thấp, học sinh sinh viên ở nhà trọ, đồng bào ở vùng khó khăn...
Chúng ta thường xuyên đòi hỏi giá điện phải minh bạch, theo tôi giá điện được đưa ra theo phương án đơn giản nhất, dễ hiểu nhất chính là một trong những cách tốt nhất để đảm bảo minh bạch, giúp người tiêu dùng dễ theo dõi, dễ kiểm tra tiền điện hằng tháng.
Cách chia giá điện nhiều bậc khiến không ít người dân bối rối, không biết nên kiểm tra giá điện như thế nào cho chính xác. Tôi nghĩ rằng các chuyên gia sẽ giúp xã hội thêm thông tin để nhận biết nên áp dụng phương án giá điện nào.
Tuy nhiên, ở đây có một vấn đề quan trọng, câu chuyện không chỉ nằm ở các phương án giá điện, mà ở chỗ giá điện được tính như thế nào, các chi phí mà EVN đưa vào giá điện đã hợp lý, đã hài hòa lợi ích của người tiêu dùng hay chưa. Đây là vấn đề mà EVN luôn phải làm rõ.
* PGS.TS Nguyễn Bội Khuê (trưởng khoa điện - điện tử Trường đại học Bình Dương):
Một giá để dễ giám sát
Nếu áp dụng giá điện một giá như EVN đề xuất không chỉ giải quyết vấn đề minh bạch, thuận tiện hơn cho ngành điện mà người dân cũng dễ giám sát cách tính tiền điện.
Hiện nay, một người bình thường khi nhìn vào biểu giá sáu bậc thang, cộng với số ngày ghi điện trong tháng có thể chênh lệch nên không biết phiếu ghi tiền điện vậy có chính xác không. Thực tế đã có trường hợp nhân viên ghi điện cộng dồn, ghi sai chỉ số xảy ra nhưng người dân cũng không hay biết.
Hơn nữa, việc áp dụng điện một giá sẽ dần xóa bỏ cơ chế bù chéo giá giữa các đối tượng, nó tiệm cận việc công bằng đối với mỗi đối tượng, xài bao nhiêu trả tiền bấy nhiêu.
Tuy vậy, việc hỗ trợ đối tượng người nghèo, khó khăn cũng phải được Nhà nước xem xét hỗ trợ bằng một phương thức khác, không nên lôi vào cơ cấu giá điện.
* Kỹ sư điện Phạm Hồng Tiến (trưởng phòng vận hành Công ty TNHH điện lực Hiệp Phước):
Nên giảm bậc thang trong biểu giá điện
Theo tôi, trong ba phương án đề xuất của EVN thì phương án ba (giảm còn 3 - 4 bậc thang) là hài hòa nhất. Với phương án này, so với biểu giá điện hiện tại, tiền điện khách hàng phải trả có tăng chút ít nhưng đây là phương án sẽ được áp dụng thời điểm cho lần tăng giá điện sắp tới.
Tuy nhiên, EVN cũng nên tính toán và bổ sung việc tính thời gian cao điểm và thấp điểm cho đối tượng sinh hoạt cũng như đối tượng sản xuất. Điều này sẽ giúp người dân sử dụng điện hợp lý hơn, hạn chế được việc cùng lúc sử dụng điện trong một thời điểm có thể dẫn tới mạng lưới bị quá tải, nhưng lại có thời điểm mạng lưới dư tải nhưng ít người dùng.
Còn phương án điện một giá chỉ có lợi cho người xài nhiều, gây thiệt cho người xài ít. Với các thành phố lớn như TP.HCM có đa số người có điều kiện thì tốt, nhưng tại nhiều tỉnh thành khác người khó khăn vẫn còn nhiều nên áp dụng điện một giá họ sẽ bị thiệt.
V.V.THÀNH - Q.KHẢI theo VnExpress