Diễn đàn Du lịch Mê Công 2022: Tái thiết và kiên cường phục hồi ngành du lịch

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Tại Diễn đàn Du lịch Mê Công 2022 diễn ra hôm nay, 12/10, ông Nguyễn Trùng Khánh đã khuyến khích tận dụng các công cụ kỹ thuật số để hỗ trợ khả năng phục hồi và tính bền vững của ngành du lịch.

Ông Nguyễn Trùng Khánh - Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch, Bộ VH-TT&DL Việt Nam phát biểu tại Diễn đàn Du lịch Mê Công 2022 tổ chức tại Quảng Nam
Ông Nguyễn Trùng Khánh - Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch, Bộ VH-TT&DL Việt Nam phát biểu tại Diễn đàn Du lịch Mê Công 2022 tổ chức tại Quảng Nam

Diễn đàn Du lịch Mê Công 2022 diễn ra tại Quảng Nam với chủ đề “Tái thiết ngành du lịch và kiên cường phục hồi du lịch”. Đã có hơn 250 đại biểu quốc tế đến từ các quốc gia khu vực Tiểu vùng sông Mê Công mở rộng (GMS) tham dự để cùng bàn giải pháp tái thiết và phục hồi ngành du lịch sau đại dịch COVID-19, theo hướng xanh, bền vững.

Tận dụng các công cụ kỹ thuật số để phục hồi du lịch

Ông Nguyễn Trùng Khánh - Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch, Bộ VH-TT&DL Việt Nam - đánh giá cao những cam kết mạnh mẽ của Cơ quan Du lịch Quốc gia các nước GMS trong việc củng cố các nỗ lực của Tiểu vùng, nhằm thúc đẩy hợp tác đa ngành.

Trong đó, tăng cường sự tham gia và hỗ trợ cho các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME); thúc đẩy các cơ hội bình đẳng về việc làm tại địa phương. Nhất là các chương trình nâng cao năng lực và chia sẻ kiến thức nhằm nâng cao kỹ năng của các chuyên gia du lịch, đặc biệt là trong việc phát triển xanh, tăng trưởng bền vững và các sáng kiến do MTCO thực hiện theo Kế hoạch Truyền thông Phục hồi Du lịch GMS.

Theo ông Khánh, mặc dù có xu hướng tích cực trong phục hồi du lịch, tuy nhiên, môi trường kinh tế đầy thách thức, do giá nhiên liệu tăng cao, lạm phát và gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu dẫn đến chi phí vận chuyển và lưu trú cho ngành du lịch tăng cao. Điều này tạo thêm áp lực cho các doanh nghiệp du lịch và ảnh hưởng tới mức chi tiêu của khách du lịch, làm trì hoãn sự phục hồi du lịch Tiểu vùng.

Quang cảnh Diễn đàn Du lịch Mê Công 2022 được tổ chức tại Quảng Nam

Quang cảnh Diễn đàn Du lịch Mê Công 2022 được tổ chức tại Quảng Nam

Chính vì vậy, ông Nguyễn Trùng Khánh khuyến khích các bên liên quan đến du lịch ở mọi quy mô tận dụng các công cụ kỹ thuật số để hỗ trợ khả năng phục hồi và tính bền vững của ngành, cũng như nâng cao năng lực của ngành du lịch thông qua các chương trình đào tạo và nâng cao kỹ năng.

Cần tư duy lại ngành du lịch

Với tham luận “Tương lai của ngành du lịch - Tư duy lại về du lịch, tư duy lại về quảng bá và quản lý điểm đến”, bà Liz Ortiguera - Giám đốc điều hành, Hiệp hội Du lịch châu Á-Thái Bình Dương (PATA) - cho rằng, sự phát triển của các siêu xu hướng đã và đang tác động đến động lực du lịch ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, đặc biệt trong khu vực GMS. Chính vì vậy, các bên liên quan trong ngành du lịch nên có các giải pháp thích ứng, tư duy lại về du lịch và cách quảng bá điểm đến, để có thể phát triển bền vững.

Đồng quan điểm với đại diện PATA, ông Wouterus Schalken - chuyên gia cao cấp về du lịch bền vững của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) - cho rằng, các chính sách, quy định và đầu tư liên quan cần thiết để đảm bảo khả năng phục hồi và tính bền vững của du lịch. Các chính sách ấy cần tập trung vào cơ sở hạ tầng chất lượng, các giải pháp dựa vào thiên nhiên và áp dụng các thực tiễn điều hành và đa dạng hóa thân thiện với môi trường trong toàn ngành du lịch.

Là địa phương đăng cai diễn đàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Trần Văn Tân khẳng định, Quảng Nam đang tăng cường nỗ lực để giúp ngành du lịch phục hồi do tầm quan trọng về kinh tế, cũng như các giá trị xã hội và môi trường mà du lịch mang lại. Đồng thời, Quảng Nam cam kết tăng trưởng bền vững ngành du lịch bằng cách tận dụng công nghệ để giảm thiểu tác động tiêu cực đồng thời thúc đẩy bảo vệ môi trường tự nhiên.

Du lịch Quảng Nam dần hồi phục sau đại dịch COVID-19

Du lịch Quảng Nam dần hồi phục sau đại dịch COVID-19

Diễn đàn Du lịch Mê Công 2022 được tổ chức sau phiên họp của nhóm Công tác du lịch tiểu vùng sông Mê Công mở rộng lần thứ 50 và phiên họp Hội đồng văn phòng Điều phối du lịch Mê Công.

Diễn đàn được tổ chức hàng năm nhằm nâng tầm khu vực GMS như một điểm đến du lịch chung, cung cấp một nền tảng toàn ngành cho khu vực công và tư để giải quyết các vấn đề du lịch của Tiểu vùng, đồng thời, mở rộng mạng lưới tiếp thị và cơ hội quảng bá để thúc đẩy GMS trong khi tập hợp các nguồn lực tập thể để tạo ra sức mạnh tổng hợp trong ngành.

Đặc biệt, Diễn đàn ghi dấu mốc quan trọng trong việc phục hồi ngành du lịch ở các nước thành viên GMS, khi đây là hội nghị trực tiếp đầu tiên của Tiểu vùng sau đại dịch COVID-19. Sự kiện này đóng vai trò nền tảng để các bên liên quan đến du lịch kết nối, trao đổi kiến thức và kinh nghiệm truyền thông phục hồi du lịch, thập những hiểu biết mới về du lịch GMS từ các chuyên gia trong ngành.

Diễn đàn có 3 phiên thảo luận mang các chủ đề: “Doanh nghiệp công - Một công cụ hiệu quả và có mục đích để phục hồi, phát triển và xúc tiến du lịch bền vững”; “Các phương pháp mới để kết nối người mua và nhà cung cấp du lịch bền vững”; và “Công nghệ: Mở ra cơ hội du lịch xanh”.

Tại các phiên họp, các đại biểu đã thảo luận về các vấn đề liên quan đến kiến thức, công nghệ, kỹ năng, các vấn đề về pháp lý, các nguồn lực… và công cụ cần thiết để nâng cao tầm nhìn, tính hợp pháp để thúc đẩy khả năng cạnh tranh và tận dụng sức mạnh của các doanh nghiệp xã hội đối với phục hồi du lịch bền vững trong GMS.

Diễn đàn Du lịch Mê Công 2022 do Bộ VH-TT&DL Việt Nam chủ trì tổ chức với sự phối hợp của Văn phòng Điều phối Du lịch Mê Công (MTCO).

Diễn đàn có sự tham dự của Cơ quan Du lịch Quốc gia các nước GMS, MTCO, các đại biểu và diễn giả, đến từ: PATA, ADB, Agoda, ASEANTA, Destination Mekong, Yaana Ventures, OAG, Exo Travel, JNE Group, Song Saa Collective, CBT Travel, Planeterra, Hiệp hội Doanh nghiệp xã hội Thái Lan, Green Discovery Lào, Seeva Capital, Travelife, Clickable Impact,...

Diễn đàn Du lịch Mê Công 2023 sẽ do Vương quốc Campuchia đăng cai tổ chức từ ngày 16/3-20/3/2023 với chủ đề “Suy nghĩ lại về khả năng phục hồi và số hóa”.

Tại đây, các đại biểu sẽ thảo luận các vấn đề phát triển du lịch trong kỷ nguyên mới của ngành và đời sống trong bối cảnh của kỷ nguyên bình thường mới sau đại dịch toàn cầu COVID-19.