Dịch giả Đỗ Ca Sơn - người đã dịch tác phẩm "Hai vạn dặm dưới biển" của Jules Verne |
PV: Là người từng dịch “Hai vạn dặm dưới biển” ra tiếng Việt, xin ông cho biết một vài cảm nhận về nhà văn Jules Verne cùng tầm nhìn đi trước thời đại của tác giả.
Dịch giả Đỗ Ca Sơn: Jules Verne là một nhà văn người Pháp có một khối lượng sáng tác rất lớn. Tất cả là 57 cuốn, nhưng nổi tiếng nhất và có tiếng vọng đến ngày nay là “Hai vạn dặm dưới biển”. Jules Verne không chỉ được người Pháp ngưỡng mộ mà cả với đông đảo độc giả trên toàn thế giới.
Jules Verne đã sáng tác cách đây 150 năm nhưng tầm nhìn của ông đã vượt qua thế kỷ để dự báo cho thế giới biết rằng, khoa học hiện đại đã được ông nhìn thấy từ cách đây rất lâu. Tác phẩm nổi tiếng nhất như tôi đã nói là “Hai vạn dặm dưới biển” cho đến bây giờ theo nhận định của các nhà văn và nhà khoa học thì chưa có một cuốn sách khoa học giả tưởng nào đã vượt qua được.
Nhà văn Jules Verne (1828 - 1905) |
Ngay khi xã hội đương thời của Jules Verne chưa có một hình dung gì về tàu ngầm thì ông đã hình dung ra nó để đi ngầm dưới biển. Jules Verne không chỉ có “Hai vạn dặm dưới biển” mà còn có “Đường lên Mặt Trăng”, “Những đứa con của thuyền trưởng Grand”, “Cuộc du lịch vào lòng đất”… đều đã được dựng thành phim, được dịch ra nhiều ngôn ngữ trên thế giới.
Riêng tôi đã có may mắn được đọc “Hai vạn dặm dưới biển” bản tiếng Pháp từ khi còn học phổ thông. Sau đó, bẵng đi một thời gian rất dài tới khi làm giảng viên Đại học Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội (nay là Đại học Ngoại ngữ thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội) mới tiếp cận lại tác phẩm này khi vào thư viện của trường. Khi đó, tôi rất mừng vì được đọc lại cuốn sách yêu thích của mình với những sửng sốt sâu sắc hơn rất nhiều so với trước đó.
Và tôi đã quyết định dịch tác phẩm này sang tiếng Việt sau khi tham khảo ý kiến của Nhà xuất bản Kim Đồng. Nhà xuất bản Kim Đồng khi đó đã rất ủng hộ tôi. Chỉ trong một thời gian ngắn, tôi đã dịch xong và Nhà xuất bản Kim Đồng đã lập tức cho in và phổ biến rộng rãi cho công chúng. Lần xuất bản đầu tiên đó từ năm 1964 và từ đó đến nay, Nhà xuất bản Kim Đồng đã tái bản “Hai vạn dặm dưới biển” đến hơn 100 lần. Còn bạn đọc của nó thì đã tới 3 – 4 thế hệ. Theo các nhà xuất bản, đây chính là kỷ lục về số lần tái bản và số lượng bạn đọc ở Việt Nam.
Tôi nghĩ, Jules Verne rất xứng đáng được tôn vinh với tư cách một nhà văn mở đầu cho lĩnh vực nghệ thuật về khoa học giả tưởng. Ông không chỉ là một nhà văn mà còn là một nhà khoa học. Ông uyên bác không chỉ về tàu ngầm mà cả về các khoa học đại dương, sinh học, vũ trụ… và hiểu biết rất nhiều về xã hội, về thế giới loài người thời kỳ đó.
PV: Trong tác phẩm “Hai vạn dặm dưới biển”, Jules Verne đã xây dựng một nhân vật là thuyền trưởng Nemo – một con người có lẽ là đại diện cho các dân tộc thuộc địa. Ông nghĩ gì về chi tiết này của tác phẩm?
Dịch giả Đỗ Ca Sơn: Thường thường các tác phẩm khoa học giả tưởng thì người ta chỉ nói về khoa học. Nhưng sự đặc sắc làm rung động lòng người của “Hai vạn dặm dưới biển” là ở chỗ đã kết hợp được khoa học giả tưởng với thực tiễn của thế giới đương thời. Khi đó là thế kỷ 18 mà chủ nghĩa thực dân đang ngự trị ở châu Á và châu Phi.
Hoài bão, ước mơ và lý tưởng của Jules Verne là đứng về phía những dân tộc bị áp bức, bóc lột dưới chế độ thực dân. Tuy Jules Verne chưa tìm thấy con đường rõ ràng để giành lại độc lập cho các thuộc địa, nhưng “Hai vạn dặm dưới biển” không phải là một tác phẩm thuần tuý khoa học, mà còn kết hợp với ý tưởng giải phóng con người.
Tên gọi Nemo của người thuyền trưởng con tàu ngầm Nautilus có nghĩa “không là ai hết”. Tức là Jules Verne không muốn nói rõ thuyền trưởng và các thuyền viên, thuỷ thủ là người nước nào nhưng bạn đọc chắc cũng dự đoán Nemo là một trí thức của nước thuộc địa. Riêng tôi và nhiều người khác nghiêng về cho rằng Nemo là người Ấn Độ. “Hai vạn dặm dưới biển” không chỉ là đỉnh cao của khoa học giả tưởng mà còn thể hiện lý tưởng cao đẹp về việc chống lại chủ nghĩa thực dân. Giá trị nhân văn ở đây là rất rõ dù rằng ở thời điểm đó chưa ai biết đến con đường giải phóng dân tộc.
"Hai vạn dặm dưới biển" đã được tái bản ở Việt Nam hơn 100 lần |
PV: Tuy khoa học giả tưởng là thể loại nghệ thuật không xa lạ ở Việt Nam nhưng số lượng tác giả, tác phẩm trong nước vẫn còn khá khiêm tốn. Xin ông cho biết nguyên nhân vì sao?
Dịch giả Đỗ Ca Sơn: Muốn viết được tác phẩm khoa học giả tưởng thì phải có điều kiện hai trong một. Đó là tác giả phải vừa là nhà khoa học phải vừa là nhà văn. Đó là hai điều kiện và ở nước ta thì nhà khoa học nhiều nhưng ít người có thể viết văn, hoặc có thể là nhà văn nhưng không phải là nhà khoa học. Cho nên, không có hai trong một thì không có tác phẩm về khoa học giả tưởng.
Những gì mà các tác giả, tác phẩm trong nước tuy đã có không nhiều nhưng chưa thực sự nổi bật thì thiếu những điều kiện đó. Ngoài ra, nhà khoa học đồng thời là nhà văn ấy lại còn phải có trí tưởng tượng rất phong phú để đi trước thời đại và phải có lý tưởng, tâm hồn rất cao đẹp. Việt Nam chúng ta đang thiếu những con người như thế nên mảng nghệ thuật về khoa học giả tưởng còn yếu.
PV: Tương lai đất nước là thuộc về thế hệ trẻ, vậy ông kỳ vọng gì về thế hệ trẻ không chỉ trong khoa học công nghệ mà cả với khoa học giả tưởng?
Dịch giả Đỗ Ca Sơn: Tôi rất lạc quan về số lượng người làm khoa học ngày càng đông, nhất là trong giới trẻ. Các nhà khoa học trẻ ngày càng nhiều và không ít người ở vị trí đỉnh cao của khoa học. Và cũng có nhiều người viết được và thậm chí có tư chất nhà văn. Chắc chăn, trong số đó có nhiều người có tâm hồn, hoài bão, ý chí và tôi nghĩ với trình độ của họ cùng nhiều yếu tố kết hợp với nhau thì tin rằng thế hệ trẻ Việt Nam sẽ có những nhà văn, những nhà khoa học viết được những tác phẩm khoa học giả tưởng có giá trị.
Tuy nhiên, về mặt tổng thể thì phải có những sự động viên và kích hoạt chính thức cho khoa học giả tưởng tại Việt Nam. Tôi rất hoan nghênh Hội Trí thức Khoa học và Công nghệ Trẻ Việt Nam đã xúc tiến việc này với sự kiện khởi đầu rất quan trọng là hội thảo tôn vinh nhà văn Jules Verne sắp được tổ chức nhân sinh nhật của ông. Tôi cũng đánh giá cao phát biểu nhà văn Nguyễn Quang Thiều – Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, đó chính là một động tác kích hoạt, khởi động cho khoa học giả tưởng của đất nước mà chắc chắn ai ai cũng mong đợi.
PV: Xin cám ơn ông!