Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang vừa ký Quyết định số 36/QĐ-TTg ngày 11/1/2024 phê duyệt Quy hoạch hạ tầng thông tin và truyền thông thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo quy hoạch, Việt Nam sẽ định hướng phát triển công nghiệp công nghệ thông tin (CNTT) dựa trên các công nghệ số như trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, chuỗi khối, điện toán đám mây, Internet vạn vật...; tăng cường ứng dụng mạnh mẽ công nghệ số trong mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội để hình thành công nghiệp công nghệ số.
Ngành công nghiệp công nghệ số phát triển nhanh và bền vững với trọng tâm là chuyển dịch từ lắp ráp, gia công sáng tạo ra những sản phẩm, dịch vụ điện tử, viễn thông, công nghệ thông tin Make in Viet Nam, góp phần tạo không gian phát triển mới của đất nước (Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số) và tham gia sâu vào những công đoạn có giá trị gia tăng cao trong chuỗi giá trị sản xuất công nghiệp công nghệ số thế giới;
Hình thành hệ thống các khu công nghệ thông tin tập trung với quy mô hợp lý về diện tích mặt bằng, phân bổ hợp lý về lĩnh vực chuyên môn, vị trí địa lý để bảo đảm hiệu quả đầu tư.
Quy hoạch các khu CNTT tập trung để hình thành các cụm liên kết ngành, nhóm sản phẩm chuyên môn hóa, hiệu quả cao và theo lợi thế của các địa phương, vùng, địa bàn trọng điểm, bảo đảm sự phát triển bền vững của môi trường, kinh tế xã hội, quốc phòng, an ninh, đồng thời bảo đảm việc sử dụng tài nguyên đất hiệu quả, đúng mục tiêu.
Yêu cầu phát triển đến năm 2025 sẽ hình thành và triển khai đề án, dự án 12-14 khu CNTT tập trung và thành viên chuỗi khu công viên phần mềm tại các địa phương trên cả nước, tạo ra các cụm khu CNTT tập trung tại một số vùng bảo đảm sự liên kết trong nghiên cứu, làm chủ công nghệ với sản xuất các sản phẩm công nghệ số đáp ứng được yêu cầu cho phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số.
Cùng với đó xây dựng một số khu CNTT tập trung ở các tỉnh, thành phố có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật, bảo đảm nguồn vốn để triển khai xây dựng hạ tầng khu CNTT tập trung (từ nguồn vốn đầu tư của doanh nghiệp và ngân sách nhà nước địa phương), đã có các dự án đầu tư phát triển, sản xuất các sản phẩm CNTT có quy mô lớn.
Định hướng ưu tiên phát triển các khu CNTT tập trung thuộc Hà Nội, Đà Nẵng và TP HCM, hướng tới phát triển các dịch vụ, các sản phẩm CNTT giá trị gia tăng cao. Xây dựng một số khu CNTT tập trung ở các tỉnh, thành có đủ điều kiện theo quy định, phân bổ không gian theo vùng.
Ưu tiên triển khai các khu CNTT tập trung có các dự án thành lập trung tâm nghiên cứu- phát triển, sản xuất các sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam phục vụ cho chuyển đổi số quốc gia.
Đến năm 2030 sẽ hình thành 16-20 khu CNTT tập trung và thành viên chuỗi khu công viên phần mềm. Thu hút đầu tư, phát triển mạnh các khu CNTT tập trung tại TP HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ và một số vùng có sự phát triển mạnh về công nghiệp CNTT.
Nâng cấp, mở rộng kết nối các khu CNTT tập trung tại một số địa phương trong vùng trở thành các khu CNTT tập trung lớn của khu vực, trong đó có các trung tâm nghiên cứu- phát triển của các tập đoàn công nghệ lớn quốc tế.
Về định hướng phân bổ không gian, sẽ xây dựng mới từ 2-3 khu công nghệ thông tin tập trung tại TP HCM, Hà Nội, Đà Nẵng và vùng phụ cận đến năm 2030, không bao gồm các khu CNTT tập trung được hình thành bằng hình thức công nhận từ các loại hình khác đã hoạt động, nhằm mục tiêu khuyến khích sự chuyển dịch các khu công nghiệp và các loại khu khác sang mô hình sản xuất sản phẩm công nghệ số giá trị gia tăng cao, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và phát triển xanh bền vững.
Định hướng ưu tiên phát triển các khu CNTT tập trung thuộc TP HCM, Hà Nội và Đà Nẵng, hướng tới phát triển các dịch vụ, các sản phẩm CNTT giá trị gia tăng cao.
Bên cạnh đó, xây dựng một số khu CNTT tập trung ở các tỉnh, TP có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật, phân bổ không gian theo vùng.
Cụ thể, đối với vùng trung du và miền núi phía Bắc: Tổ chức không gian phát triển hạ tầng khu CNTT tập trung phục vụ sản xuất phần cứng CNTT, điện tử- viễn thông tại các địa phương Thái Nguyên, Lạng Sơn, Bắc Giang.
Vùng đồng bằng sông Hồng: Các địa phương thuộc khu vực động lực phía Bắc, bao gồm: Hà Nội, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Hải Phòng là các tiểu vùng đi đầu cả nước về nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực CNTT, tập trung phát triển một số ngành sản xuất công nghiệp CNTT và dịch vụ hiện đại như: công nghiệp điện tử công nghệ cao, sản xuất phần mềm, sản phẩm IoT... tham gia vào chuỗi sản xuất toàn cầu.
Vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung: Xây dựng Thanh Hóa, Nghệ An, Đà Nẵng, Thừa Thiên- Huế, Quy Nhơn, Khánh Hòa thành trung tâm lớn của vùng về phát triển công nghiệp CNTT và là đầu mối liên kết của vùng với các vùng kinh tế khác của cả nước.
Vùng Đông Nam Bộ: Phát triển vùng Đông Nam Bộ với hạt nhân là TP HCM về phát triển nguồn nhân lực CNTT và là trung tâm nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng về công nghiệp công nghệ thông tin của vùng và của cả nước.
Riêng đối với khu vực 3 tỉnh Đồng Nai, Bình Dương và Bà Rịa- Vũng Tàu hình thành vùng động lực công nghiệp CNTT, thu hút đầu tư sản xuất các sản phẩm điện, điện tử, các sản phẩm IoT,... phục vụ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và chuyển đổi số tại Việt Nam.
Vùng Tây Nguyên: Xây dựng Buôn Mê Thuột trở thành trung tâm tiểu vùng Nam Tây Nguyên, TP PleiKu trở thành trung tâm tiểu vùng Bắc Tây Nguyên về phát triển một số dịch vụ, sản phẩm công nghệ số để giải quyết các bài toán xã hội, chuyển đổi số của khu vực, sản phẩm công nghiệp phần cứng CNTT, điện tử- viễn thông.
Vùng đồng bằng sông Cửu Long: Phát triển TP Cần Thơ thành trung tâm công nghiệp dữ liệu của khu vực, làm trung tâm phát triển công nghiệp CNTT của vùng, nơi tập trung các dịch vụ và công nghiệp CNTT đa dạng, chất lượng cao tập trung cho công cuộc chuyển đổi số lĩnh vực nông nghiệp và phát triển bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu của vùng.