Dịch sốt xuất huyết bùng phát nhanh
Bước vào mùa cao điểm của dịch sốt xuất huyết, 5 tuần gần đây số ca mắc tăng nhanh tại 34 tỉnh, thành phố của các khu vực miền Trung, Tây Nguyên và miền Nam. Trong đó, các tỉnh Quảng Bình, Bình Phước, Bình Thuận, Khánh Hòa, TP.HCM, Tiền Giang, Bình Dương… đều có trường hợp tử vong do sốt xuất huyết.
Nguyên nhân số ca mắc sốt xuất huyết trên cả nước tăng nhanh chóng, là do nền nhiệt độ tăng cao hơn, mưa nhiều hơn, đuôi dịch năm 2018 kéo dài sang các tháng đầu năm 2019 và sự thay đổi của virus gây bệnh.
“Số ca mắc cao thì số tử vong chắc chắn sẽ kéo theo, do đó nhiệm vụ trước mắt là phải hạn chế số ca mắc, thì mới có thể chặn đứng được dịch bệnh sốt xuất huyết, hạn chế tử vong” – Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nhận định.
Bên cạnh đó, tình trạng tốc độ đô thị hóa nhanh, nhiều công trình xây dựng, đất bỏ hoang, nhà trọ, lán trại, nghĩa trang… là môi trường thuận lợi cho muỗi truyền bệnh, loăng quăng phát triển, truyền bệnh và khó kiểm soát triệt để.
Năm nay, TP.HCM đang là nơi có số ca mắc sốt xuất huyết cao nhất cả nước. Hiện đã ghi nhận 27.153 ca, tăng 166,7% so với cùng kỳ năm 2018 (10.182 ca). Trong 6 tháng đầu năm 2019 có 5 trường hợp tử vong.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Y tế cho rằng, “nhược điểm lớn nhất hiện nay là truyền thông chưa đúng, chưa trùng trong phòng ngừa bệnh sốt xuất huyết. Mỗi Andes là muỗi “quý tộc”, chỉ sinh sôi phát triển trong môi trường nước sạch. Vì vậy, không thể truyền thông như khơi thông cống rãnh, phát quang bụi rậm… Điều quan trọng là thay đổi nhận thức, hành vi của người dân, muốn như vậy thì thông điệp truyền thông phải đúng và trúng.”
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến
|
Bên cạnh đó, theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), việc phòng chống dịch sốt xuất huyết vẫn còn nhiều khó khăn khi kinh phí phòng, chống sốt xuất huyết từ nguồn Chương trình mục tiêu Y tế - Dân số bị cắt giảm bớt hơn 50%.
Chế tài xử phạt với cá nhân, đơn vị làm phát sinh ổ bọ gậy truyền bệnh còn thực hiện rất hạn chế, đa số chưa được áp dụng tại các địa phương. Các chiến dịch diệt bọ gậy cũng mang tính hình thức và không duy trì được lâu dài, bền vững.
Ông Vũ Mạnh Cường - Phó Vụ trưởng Vụ Truyền thông và Thi đua, khen thưởng (Bộ Y tế) nhấn mạnh vai trò của chính quyền các địa phương trong việc chỉ đạo phối hợp các nỗ lực phòng chống sốt xuất huyết: “Thực tế cho thấy, ở địa phương nào Tỉnh ủy, UBND chủ động chỉ đạo thực hiện kế hoạch phòng chống sốt xuất huyết, chi ngân sách và huy động các ban ngành đoàn thể cùng phối hợp với ngành y tế thực hiện các hoạt động phòng chống sốt xuất huyết, thì ở đó dịch được đẩy lùi”.
Năm 2019, Đồng Nai chi 16 tỷ, Hà Nội và TPHCM đều chi 10 tỷ đồng cho phòng chống sốt xuất huyết. Ở Đồng Nai mặc dù tỉ lệ mắc sốt xuất huyết tăng, nhưng không có trường hợp tử vong nào. “Chúng tôi mong muốn chính quyền các địa phương trở thành nhạc trưởng trong hoạt động này” - ông Cường nói.
Về tình hình khám chữa bệnh, các bệnh viện tuyến cuối không có cơ chế lọc bệnh, phân loại bệnh khiến cho tình trạng quá tải bệnh nhân sốt xuất huyết. Trong khi đó, chỉ 5-10% bệnh nhân mắc bệnh sốt xuất huyết độ 3-4 có thể chuyển về địa phương hoặc các cơ sở vệ tinh của bệnh viện tuyến cuối để điều trị.
“Tại sao Bệnh viện Nhi đồng 1, Nhi Đồng 2 hay Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới lại để bệnh nhân nằm la liệt như vậy, trong khi có thể phân loại, lọc bệnh, chuyển về địa phương? Việc cho nhập viện ồ ạt như hiện nay là không cần thiết" - Bộ trưởng Bộ Y tế nêu ý kiến.
Đẩy mạnh công tác phòng, chống bệnh sốt xuất huyết
Ông Nguyễn Nhật Cảm - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội chia sẻ kinh nghiệp ứng phó với dịch sốt xuất huyết ở Hà Nội: Công tác chỉ đạo trong mùa dịch phải kịp thời, quyết liệt và triệt để. Các cơ sở y tế ở Hà Nội đã lập đội xung kích diệt bọ gậy chống dịch sốt xuất huyết, mỗi đội từ 2 – 3 người gồm cán bộ tổ dân phố, đoàn thanh niên, hội phụ nữ, cộng tác viên dân số; mỗi đội phụ trách từ 30 – 50 hộ gia đình, có đội phụ trách khu vực công cộng riêng.
Đội xung kích có nhiệm vụ kiểm tra, hướng dẫn hộ gia đình, cơ quan cách diệt bọ gậy; tuyên truyền nâng cao ý thức người dân về sốt xuất huyết, tần suất kiểm tra 7 ngày/1 lần, giám sát phát hiện người nghi mắc sốt xuất huyết…
Để sẵn sàng ứng phó dịch sốt xuất huyết và giảm quá tải ở bệnh viện, ông Nguyễn Trọng Khoa – Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh - cho hay: “Các cơ sở y tế phải rà soát lại quy trình, bố trí khu khám sàng lọc linh hoạt đáp ứng yêu cầu điều trị đối với người bệnh.”
Đối với bệnh nhân phải nhập viện điều trị nên sắp xếp các người bệnh có cùng phân độ vào một khu và có chỉ thị màu đối với từng phân độ người bệnh nặng. Bệnh án nặng cần tăng sự lưu ý khi điều trị, theo dõi để phát hiện và xử lý kịp thời. Đặc biệt, cơ sở y tế phải lưu ý việc theo dõi người bệnh vào các ngày nghỉ lễ.
Bộ trưởng Bộ Y tế chỉ đạo các địa phương cần gấp rút đưa ra những giải pháp hiệu quả nhằm giảm số ca mắc, “ngăn chặn bệnh sốt xuất huyết, không để xảy ra chết người.”
Theo báo cáo của Bộ Y tế, tính từ đầu năm đến nay cả nước có 96.002 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 7 trường hợp tử vong. Trong đó, trường hợp nhập viện là 42,913 ca. So với cùng kỳ năm 2018 (30.263/9) số ca mắc tăng 3,2 lần, số tử vong giảm 2 trường hợp.