Nhiều ý kiến dù đồng tình với các biện pháp mạnh tay xử lý người điều khiển phương tiện uống nhiều rượu bia song vẫn băn khoăn về tính khả thi của đề xuất tịch thu xe
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa giao Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) khẩn trương chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan nghiên cứu đề xuất của Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) quốc gia về quy định xử phạt đối với những hành vi trực tiếp gây tai nạn giao thông và hư hỏng kết cấu hạ tầng; báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định trước ngày 31-3.
Thế nào là “vi phạm nghiêm trọng”?
Về đề xuất tịch thu ô tô, xe máy khi người điều khiển có nồng độ cồn vượt 80 mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,4 mg/1 lít khí thở, tịch thu xe máy đi vào đường cao tốc dành cho ô tô, sáng 9-3, TS Lê Hồng Sơn, Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật - Bộ Tư pháp, cho rằng Ủy ban ATGT quốc gia nói có căn cứ pháp lý thì cần phải xem lại.
Theo TS Sơn, không thể tùy tiện tịch thu phương tiện giao thông vì đụng đến quyền sở hữu của người dân. Theo Luật Xử lý vi phạm hành chính, chỉ được tịch thu đối với những trường hợp vi phạm nghiêm trọng nhưng thế nào là “vi phạm nghiêm trọng” thì rất khó xác định. Vì vậy, phải phân tích, xác định rõ hành vi thế nào là “nghiêm trọng”; “tang vật”, “phương tiện” vi phạm là gì để cho đúng với tính chất được quy định trong luật.
“Việc tịch thu phương tiện phải tính rất kỹ vì liên quan đến các quy định pháp luật cũng như hiệu ứng tác động xã hội. Một đề xuất đưa ra phải tính được tính thực tiễn khi thi hành và hậu quả của nó” - ông Sơn nhận xét.
Hiện một số nước trên thế giới thay vì tịch thu phương tiện đã tăng mức phạt thật cao, phạt lao động công ích, thậm chí bỏ tù. Tuy nhiên, Việt Nam không thể thực hiện được việc bỏ tù chỉ vì những lỗi vi phạm hành chính như xe máy đi vào đường cao tốc, uống rượu bia có nồng độ cao mà chỉ có thể làm việc đó khi nó gây ra hậu quả nghiêm trọng được quy định trong Bộ Luật Hình sự. Ngay cả việc phạt lao động công ích cũng cần phải bàn thảo, tính toán xem có hợp lý, trái luật hay không.
“Tịch thu phương tiện hay phạt tiền nặng là cách trừng trị. Đấy không phải là cách làm tốt nhất. Phải làm sao cho người dân cảm thấy phục, thấy việc xử lý nghiêm thì mới bảo đảm hạn chế tai nạn giao thông. Nếu lực lượng CSGT và cơ quan chức năng xử lý nghiêm, xử lý đúng các vi phạm giao thông, không để xảy ra chuyện “tha” hay tiêu cực thì người dân cũng sẽ thực hiện nghiêm túc luật lệ giao thông hơn. Trước khi đổ trách nhiệm lên người dân, cần xem lại cách thực hiện của mình đã tốt chưa” - ông Lê Hồng Sơn bày tỏ.
Lo ngại tranh chấp, kiện tụng
Đại tá Trần Thế Quân - Cục phó Cục Pháp chế và Cải cách hành chính, tư pháp - Bộ Công an, cho biết vẫn chưa nhận được đề nghị của Bộ GTVT về việc phối hợp để nghiên cứu các đề xuất tịch thu xe của Ủy ban ATGT quốc gia. Tuy nhiên, ông cho rằng nếu đề xuất này được chấp thuận thì sẽ làm nảy sinh nhiều vụ tranh chấp, kiện tụng phức tạp.
Theo đại tá Quân, điều 26 Luật Xử lý vi phạm hành chính mới chỉ là quy định về nguyên tắc, còn cụ thể phải tiếp tục nghiên cứu. “Tịch thu của tất cả hay chỉ tịch thu phương tiện thuộc sở hữu của người vi phạm bởi nhiều trường hợp phương tiện đó lại không thuộc sở hữu của người điều khiển vi phạm?” - ông băn khoăn.
Trong tình huống chủ sở hữu không vi phạm nhưng xe của họ lại bị tịch thu thì sẽ nảy sinh nhiều vụ kiện dân sự phức tạp giữa người mượn xe và chủ sở hữu. “Tôi cho rằng tai nạn thì ghê gớm và chúng ta đều không đồng tình với các hành vi vi phạm. Tuy nhiên, đã là quy định thì phải hợp pháp, hợp tình nên phải suy nghĩ kỹ” - đại tá Quân nhìn nhận.
Trong khi đó, bà Trịnh Thị Hằng Nga, Vụ trưởng Vụ pháp chế - Bộ GTVT, cho biết đến sáng 9-3, bà vẫn chưa nhận được văn bản chỉ đạo của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Tuy nhiên, Vụ Pháp chế sẽ nghiên cứu và có báo cáo cụ thể để tham mưu cho lãnh đạo Bộ GTVT về việc này.
“Chúng tôi đã giao cho các cán bộ tiến hành rà soát lại đề xuất của Ủy ban ATGT quốc gia cũng như toàn bộ hệ thống văn bản pháp luật hiện hành để xem đề xuất nào là hợp lý và chưa hợp lý” - bà Nga cho hay.
Uống rượu bia sau bao lâu sẽ không bị phạt?
Khi đo nồng độ cồn trong máu và khí thở của người điều khiển phương tiện, lực lượng làm nhiệm vụ chỉ tính tại thời điểm người đó vi phạm luật giao thông hoặc gây tai nạn chứ không quan tâm họ sử dụng rượu bia vào thời điểm nào.
Theo Tổ chức Y tế thế giới, một đơn vị uống chuẩn chứa 10 gr cồn. Một đơn vị uống chuẩn này tương đương 1 chén rượu mạnh (40 độ, 30 ml), 1 ly rượu vang (13,5 độ, 100 ml), 1 vại bia hơi (330 ml), 2/3 chai hoặc lon bia (330 ml). Giới chuyên môn cho biết cơ thể người trung bình có thể thải ra ngoài khoảng 7 gr cồn trong vòng 1 giờ. Để nồng độ cồn nằm dưới ngưỡng được phép điều khiển xe máy, đàn ông không nên uống quá 2 đơn vị chuẩn trong giờ đầu tiên và không uống quá 1 đơn vị chuẩn nữa trong mỗi giờ sau đó.
Theo tính toán, một người uống rượu bia từ 19-23 giờ có lượng cồn trong máu là 150 mg/100 ml máu, đến 24 giờ lượng cồn sẽ là 160/100. Đến tận 16 giờ hôm sau, lượng cồn trong máu mới hoàn toàn đào thải khỏi cơ thể. Vì khác nhau về sinh lý nên khi uống cùng một lượng rượu bia, thông thường phụ nữ sẽ có nồng độ cồn trong máu cao hơn đàn ông. Tuy nhiên, do đặc điểm sinh học của mỗi người khác nhau và thời gian chuyển hóa, phân giải trong cơ thể khác nhau nên có người uống 1 ly rượu đã say nhưng cũng có người uống 1 lít mới say. Khi nồng độ cồn trên 80 mg/100 ml máu tức là người đó đã có dấu hiệu “thăng hoa”. Vì thế, họ cần theo khuyến cáo “đã uống rượu bia thì không lái xe”.
Theo NLĐ