Đề xuất bỏ quy định mỗi cặp vợ chồng chỉ sinh 1 hoặc 2 con

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Bộ Y tế đề xuất các cặp vợ chồng, cá nhân có quyền quyết định số con - thay đổi căn bản so với Pháp lệnh Dân số quy định mỗi cặp vợ chồng, cá nhân "sinh 1 hoặc 2 con, trừ trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định".

VT_ Kết quả của Ươm mầm HP2.jpg.jpg
Trong Luật Dân số đang xây dựng, các gia đình sẽ tự quyết định số con

30 năm qua, bên cạnh nhiều thành tựu, Việt Nam cũng đối mặt với không ít thách thức trong công tác dân số. Đó là mức sinh giảm mạnh ở nhiều địa phương và có xu hướng lan rộng, thúc đẩy nhanh chóng quá trình già hóa dân số.

Vì thế, trong dự án Luật Dân số đang được xây dựng, Bộ Y tế đề xuất trao quyền tự quyết khoảng cách sinh và số con cho các cặp vợ chồng, cá nhân. Đây là thay đổi căn bản so với Pháp lệnh Dân số quy định mỗi cặp vợ chồng, cá nhân "sinh một hoặc hai con, trừ trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định".

Mức sinh thay thế giảm mạnh, tốc độ già hoá quá nhanh

Trong báo cáo đánh giá tác động dự án Luật, Bộ Y tế cho hay mức sinh thay thế đang giảm nhất trong 12 năm trở lại đây và dự báo sẽ tiếp tục giảm trong những năm tiếp theo.

Theo Bộ Y tế, tổng tỉ suất sinh năm 2022 đạt 2,01 con/phụ nữ; năm 2023 ước tính là 1,96 con/phụ nữ. Mức sinh còn chênh lệch đáng kể giữa các vùng, đối tượng. Xu hướng không muốn hoặc sinh rất ít con ngày càng lan rộng ở một số đô thị, nơi có điều kiện kinh tế phát triển.

Trong khi đó, tại một số nơi điều kiện kinh tế, xã hội khó khăn, mức sinh vẫn cao, thậm chí rất cao trên 2,5 con.

Ông Lê Thanh Dũng - Cục trưởng Cục Dân số (Bộ Y tế) cho hay: Hiện có 21 tỉnh, thành phố có mức sinh thấp, thậm chí, một số tỉnh mức sinh rất thấp, tập trung ở vùng Đông Nam Bộ, đồng bằng sông Cửu Long và một số tỉnh duyên hải miền Trung. Trong đó, Đông Nam Bộ có tỷ lệ giảm sâu: Năm 1999 tỷ lệ một phụ nữ sinh 2,9 con thì nay chỉ còn 1,56 con.

Các tỉnh có mức sinh thấp chiếm khoảng 39,4% dân số cả nước, nên tác động rất lớn đến quá trình phát triển bền vững đất nước.

Năm 2009, cứ 3 trẻ em dưới 15 tuổi mới có 1 người từ 60 tuổi trở lên, thì năm 2019 cứ khoảng 2 trẻ em dưới 15 tuổi đã có 1 người 60 tuổi trở lên.

z5612541914159_5655904e2078f17e80e4f4047a5aa2aa.jpg
Xu hướng "lười sinh" đang lan rộng làm mức sinh giảm mạnh

Ông Lê Thanh Dũng lưu ý nếu mức sinh quá thấp và kéo dài sẽ tác động trực tiếp, sâu sắc tới cơ cấu dân số, để lại nhiều hệ lụy như: Thiếu hụt nhóm dân số trong độ tuổi lao động; gia tăng tốc độ già hóa, số lượng và tỷ trọng người cao tuổi; suy giảm quy mô dân số và tăng trưởng âm về dân số, thiếu hụt lao động, ảnh hưởng đến an sinh xã hội…. Những yếu tố này đều có tác động lớn đến phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh.

Việt Nam đang trong quá trình già hóa dân số và là một trong những quốc gia có tốc độ già hóa nhanh nhất thế giới. Trong khi các nước phát triển mất nhiều thập kỷ, hoặc hàng thế kỷ mới chuyển đổi từ giai đoạn già hóa dân số sang giai đoạn dân số già, thì Việt Nam chỉ mất 26 năm.

Quyền tự quyết định số con

Để duy trì vững chắc mức sinh thay thế (bình quân mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có 2,1 con) trên phạm vi cả nước, Bộ Y tế đề xuất các cặp vợ chồng, cá nhân có quyền quyết định số con và khoảng cách giữa các lần sinh.

Giải pháp này được Bộ Y tế hy vọng sẽ khắc phục mức sinh xuống quá thấp, khó vực lên như kinh nghiệm của nhiều nước, gây già hóa trầm trọng, tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh.

Tuy nhiên, để thực hiện giải pháp này, theo Bộ Y tế, Nhà nước cần bảo đảm ngân sách để tuyên truyền vận động, hỗ trợ, khuyến khích lợi ích vật chất, tinh thần cho các cặp vợ chồng, nhằm duy trì mức sinh thay thế trên địa bàn.

Bộ Y tế cho rằng cũng cần có các biện pháp để tránh lợi dụng quy định quyền tự quyết định về số con của mỗi cặp vợ chồng, cá nhân, để vụ lợi, tuyên truyền, thực hiện trái với chính sách về dân số.

Bên cạnh đó, Cục trưởng Lê Thanh Dũng cho biết một giải pháp nữa là khắc phục tình trạng chênh lệch đáng kể mức sinh giữa các vùng, đối tượng; tình trạng người ít có điều kiện chăm sóc và nuôi dưỡng con còn đẻ nhiều, ảnh hưởng đến chất lượng dân số. Tránh tình trạng mức sinh xuống quá thấp, khó vực lên như kinh nghiệm của một số quốc gia, gây già hoá trầm trọng, tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội

Nhiều nước trên thế giới đã thành công trong việc giảm sinh, nhưng chưa có nước nào thành công trong đưa mức sinh rất thấp về mức thay thế, cho dù có nhiều chính sách khuyến sinh với nguồn lực đầu tư lớn.