Lợi nhuận của những ngân hàng hàng đầu đã ở mức cao nhất trong nhiều năm. Hình ảnh này kết hợp khá nhuần nhuyễn với những động thái của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) quyết liệt thúc các tổ chức tín dụng xử lý nợ xấu và sáp nhập, hợp nhất.
Dẫu vậy hình ảnh đẹp vẫn chưa đủ sức thuyết phục hoàn toàn dư luận. Còn đó những nghi ngờ liệu các tồn tại đã được giải quyết dứt điểm. Cách thuyết phục mạnh mẽ không gì khác hơn là giới đầu tư giải ngân vào cổ phiếu ngân hàng. Khi những đồng tiền nhàn rỗi dám đặt cược vào cổ phiếu ngân hàng, thì đó không chỉ là sự đầu tư đơn thuần, đó là minh chứng hùng hồn cho niềm tin vào lĩnh vực huyết mạch của nền kinh tế đã trở lại.
Dù muộn màng, cổ phiếu ngân hàng cuối cùng cũng bắt nhịp vào đường đua lên giá cùng với những cổ phiếu khác từ cuối tháng 12 năm ngoái. Chúng đã có không ít phiên giao dịch với thanh khoản sôi động, hàng triệu đơn vị/ngày. Những viên gạch nền móng xem ra đã được sắp đặt, chỉ còn đợi vôi vữa, xi măng gắn kết lại mà thôi.
Nhưng rồi khi con số dư nợ thực cho vay đầu tư, kinh doanh cổ phiếu được biết đến, cổ phiếu ngân hàng là nhóm “ngã gục” đầu tiên. Hàng triệu cổ phiếu lại được đổ ra bán giá sàn. Niềm tin của nhà đầu tư vào dòng cổ phiếu này thêm một lần bị thử thách.
Cổ phiếu tăng giá, ngân hàng được lợi gì? Về cơ bản, giá trị vốn hóa của ngân hàng tăng lên góp phần làm nâng uy tín và vị thế trên cả thị trường chứng khoán cũng như thị trường tiền tệ. Nhờ đó huy động vốn, thu hút khách hàng, cung ứng dịch vụ sẽ dễ hơn. Trong điều kiện đặc thù của Việt Nam, những ngân hàng còn tiếp tục cổ phần hóa, tìm kiếm đối tác chiến lược nước ngoài như BIDV, thuận lợi hơn trong đàm phán, thương lượng. Giá IPO thành công của BIDV là 18.600 đồng/cổ phiếu. Mọi đối tác chiến lược sẽ nhìn BIDV với con mắt khác nếu thị giá cổ phiếu vượt 20.000 đồng và cao nữa là 25.000 đồng. Còn khi thị giá cổ phiếu BIDV ở mức 13.000-14.000 đồng như năm ngoái, năm kia, sự đánh giá của họ hẳn ít lạc quan hơn.
Thứ hai khi cổ phiếu tăng giá, các giao dịch chuyển nhượng nhằm tháo gỡ vấn đề sở hữu chéo ngân hàng sẽ bớt bế tắc. Nhà đầu tư thể hiện mối quan tâm tới món hàng nếu biết giá của chúng có thể còn lên. NHNN sẽ không đến mức vất vả giục chỗ này, yêu cầu chỗ kia sáp nhập, hợp nhất khi giá cổ phiếu của họ không phải dưới mệnh giá như hiện tại, mà, giả dụ, 20.000 đồng.
BID, CTG, VCB và cả MBB, ACB đều hứa hẹn cổ tức tiền mặt năm nay cao hơn năm ngoái, chưa kể khả năng chia thưởng cổ phiếu từ nguồn thặng dư nhằm nâng vốn điều lệ. Đại diện BID cho biết trong tuần này hội đồng quản trị sẽ họp và một trong những vấn đề được thảo luận là cổ tức. BID đã cam kết với đại hội đồng cổ đông trả cổ tức bằng tiền mặt cho năm 2014 là 9%, cao hơn mức 8% của năm trước đó. Thông tin này có thể được công bố trước kỳ nghỉ Tết Âm lịch. Tương tự VCB cam kết cổ tức tiền mặt 12%, CTG không thấp hơn VCB. Cổ tức của ACB được kỳ vọng 7-8%, chí ít cũng bằng năm ngoái.
Với các nhà đầu tư trung, dài hạn, cổ phiếu ngân hàng là một lựa chọn không tồi. Với các tay lướt sóng, thanh khoản 3-5 triệu cổ phiếu/ngày của BID hay CTG đủ sức cho họ quay vòng vốn. Vậy vì sao phải bán đổ bán tháo cổ phiếu ngân hàng như phiên giao dịch ngày 3-2?
Đó chỉ có thể là cú sốc, sốc trước sức ép quá lớn rằng nguồn tiền cho vay đầu tư kinh doanh cổ phiếu từ phía ngân hàng bị co lại. Nếu không giải quyết thấu đáo lộ trình rút bớt vốn cho vay chứng khoán lúc này, cổ phiếu ngân hàng sẽ còn bị ảnh hưởng dài dài, chứ không phải chỉ một “cú co giật nảy lửa” như ngày 3-2 đầu tuần. Cổ phiếu ngân hàng không chỉ đang đụng chạm đến niềm tin của nhà đầu tư. Với họ, tâm lý phải sống sót, đừng để vấp ngã đến nỗi mất sạch tiền như thời khủng hoảng, đang hiện hữu.
Các ngân hàng ý thức được điểm này, nhưng cơ quan quản lý ngành thì hình như chưa.
Theo Stockbiz