Nhân kỷ niệm 80 năm ra đời Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943 - 2023), Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch, Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội đồng Lý luận Trung ương, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã chủ trì tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia với chủ đề "80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943 - 2023) - Khởi nguồn và động lực phát triển", vào hôm nay, 27/2.
Dự hội thảo có ông Võ Văn Thưởng - Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; ông Nguyễn Xuân Thắng - Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; ông Nguyễn Trọng Nghĩa - Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; ông Trần Hồng Hà - Phó Thủ tướng Chính phủ…
Ông Nguyễn Xuân Thắng - Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương- nhấn mạnh rằng, bất cứ một giai đoạn, một thời điểm lịch sử nào, Đảng ta đều luôn quan tâm đến lĩnh vực văn hóa, luôn kế thừa, phát huy những luận điểm, nguyên tắc, vấn đề cốt lõi của bản Ðề cương, không ngừng đổi mới tư duy nhận thức, bổ sung lý luận, hoàn thiện các chủ trương, đường lối về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam.
Ông Nguyễn Xuân Thắng cho rằng cần tạo môi trường cho các hoạt động văn hóa và huy động nguồn lực cho phát triển văn hoá, con người. |
Khởi nguồn từ tư tưởng "nghệ thuật vị nhân sinh" của bản Đề cương, ngày nay, Đảng ta đã hình thành quan điểm: phát triển con người phải được đặt vào vị trí trung tâm và là mục tiêu của quá trình phát triển văn hóa. Nền văn hóa mà chúng ta đang xây dựng là nền văn hóa của nhân dân, nhân dân vừa là chủ thể sáng tạo, trao truyền, đồng thời cũng là chủ thể thụ hưởng những giá trị của nền văn hóa ấy.
Không chỉ tiếp tục đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức về vai trò của văn hóa đối với phát triển, ông Nguyễn Xuân Thắng cho rằng cần tạo môi trường cho các hoạt động văn hóa và huy động nguồn lực cho phát triển văn hoá, con người.
Đặc biệt, "cần chăm lo xây dựng đội ngũ những người làm công tác văn hóa có phẩm chất, năng lực chuyên môn xứng tầm với yêu cầu, nhiệm vụ của tình hình mới. Thúc đẩy các ngành công nghiệp văn hóa và thị trường văn hóa phát triển" - ông Thắng nói.
Một mặt, văn hóa phải hướng mọi sáng tạo, mọi hoạt động phục vụ đông đảo quần chúng nhân dân nhưng mặt khác, cần phải vun đắp cho những tài năng văn hóa nghệ thuật, để có những tác giả với những tác phẩm mang giá trị đỉnh cao; kiên quyết chống lại mọi sự xâm lăng về văn hoá, bài trừ các hình thức văn hóa lai căng, mê tín, dị đoan, ảnh hưởng xấu đến thuần phong mỹ tục, tăng cường sức đề kháng, miễn nhiễm với những luận điệu xuyên tạc lịch sử, xuyên tạc sự nghiệp cách mạng và truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta - Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nêu rõ.
Khơi thông các nguồn lực cho phát triển văn hóa
Báo cáo tại Hội thảo, Bộ trưởng Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho rằng, bên cạnh những giá trị quý báu về nền tảng lý luận, nguyên tắc cốt lõi, những nội dung của Đề cương về văn hóa Việt Nam còn có giá trị thực tiễn lớn lao trong phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam trong suốt tám thập niên qua.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đề nghị từng bước đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực văn hoá, du lịch. Ảnh: Thanh Tùng - TTXVN. |
"Với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Việt Nam đã nằm trong nhóm các nước có tốc độ tăng trưởng chỉ số phát triển con người (HDI) cao trên thế giới, với tăng trưởng trung bình HDI ở mức 1,36%/năm trong giai đoạn từ năm 1990 đến nay" - Bộ trưởng nhấn mạnh.
Thông qua Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam và Chương trình quốc gia về văn hóa qua các giai đoạn, công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa được quan tâm, đạt nhiều kết quả, các thiết chế văn hóa từng bước được đầu tư đồng bộ… Nhiều di tích được trùng tu, nâng cấp.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng khẳng định, bằng văn hóa và từ văn hoá, hình ảnh đất nước Việt Nam "an toàn - thân thiện - hiền hòa - mến khách - hội nhập - phát triển" với nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc được đông đảo bạn bè quốc tế biết đến…
Bộ trưởng cũng đề nghị xây dựng Bộ chỉ số quốc gia về phát triển văn hóa và triển khai ứng dụng định kỳ để đo lường, đánh giá và giám sát sự đóng góp và tăng trưởng của lĩnh vực văn hóa trong tổng thể phát triển quốc gia. Không để tụt hậu và từng bước đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực văn hoá, du lịch.
Cùng với đó là xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt trên tinh thần đầu tư cho văn hóa là đầu tư cho sự phát triển lâu dài và bền vững.
Hội thảo “80 năm Đề cương về Văn hóa Việt Nam (1943-2023) - Khởi nguồn và động lực phát triển” thu hút sự tham gia đông đảo của lãnh đạo các cấp, các ngành. Ảnh: Thanh Tùng - TTXVN. |
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, vượt lên trên tất cả những khó khăn, thách thức, tư tưởng xây dựng nền văn hóa mới vì dân tộc, đại chúng với một thái độ khách quan, đúng đắn, khoa học của Đề cương đã luôn tạo sức hút, sức thuyết phục và khả năng quy tụ mạnh mẽ tri thức, tâm huyết khát vọng cống hiến của toàn thể nhân dân Việt Nam trong bất kỳ giai đoạn nào của lịch sử cách mạng.
Vì bản chất cốt lõi của văn hóa chính là "một mặt trận", là "ngọn đuốc soi đường cho quốc dân đi", là "sức mạnh nội sinh", là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu và cũng là động lực để thúc đẩy sự phát triển của đất nước" như Đề cương về văn hóa Việt Nam, cùng các văn kiện của Đảng đã khẳng định. Đặc biệt, phát triển văn hóa theo quan điểm mà Đảng ta đã đề ra luôn hướng tới sự toàn diện và hài hòa, trong đó nhân tố con người nắm giữ vị trí then chốt.
Trong đó, theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, việc đầu tư cho văn hóa phải thực sự được chú trọng thông qua các giải pháp đồng bộ có khả năng khơi thông các nguồn lực cho phát triển văn hóa, xây dựng toàn diện con người Việt Nam theo hướng bền vững./.