Đầu tư bất động sản vùng ven Sài Gòn: Hãy cân nhắc những biến số sau

VietTimes -- Thị trường bất động sản khu vực trung tâm thành phố Hồ Chí Minh ghi nhận sự sụt giảm mạnh mẽ về nguồn cung đi kèm với đó là sự tăng trưởng về giá cả. Trước thực trạng này, bất động sản vùng ven thành phố như Bình Chánh, Long An, Vũng Tàu, Bình Dương,… được cho là sẽ tiếp tục thu hút nhà đầu tư trong năm 2020.
Bất động sản vùng ven khó đem đến đà tăng trưởng mạnh như trước (Nguồn: Internet)
Bất động sản vùng ven khó đem đến đà tăng trưởng mạnh như trước (Nguồn: Internet)

Lợi nhuận đã chững lại

Sự dịch chuyển xu hướng đầu tư bất động sản về khu vực vùng ven thành phố đã được diễn ra từ lâu. Đây cũng là điểm trú chân cho những nhà đầu tư ít vốn.

Tuy nhiên, nếu như những năm trước, bất động sản vùng ven tăng trưởng rất mạnh về lợi nhuận, thì câu chuyện lại khó hơn khi thị trường đã có sự bình ổn giá.

Ông Sử Ngọc Khương, chuyên gia từ Savills Việt Nam nhận định: “Đi mua miếng đất giá 300 triệu, sau 5 năm có thể bán ra hàng tỉ đồng. Đó là câu chuyện của bất động sản vùng ven trước đây. Hiện, nhu cầu mua vẫn còn khá lớn nhưng mức độ lợi nhuận sẽ không tăng mạnh như trước”.

Ông Khương cho rằng nhu cầu mua bất động sản tại khu vực này không chỉ dừng lại ở việc đầu tư, mà còn là sự gia tăng của nhóm khách hàng mua để ở, vốn không đủ điều kiện tài chính để mua bất động sản khu vực trung tâm.

Thực tế cho thấy, việc phát triển cơ sở hạ tầng giao thông kết nối sẽ giúp cho thời gian di chuyển từ khu vực lân cận đến trung tâm thành phố, hoặc địa điểm làm việc trở nên ngắn hơn. Điều này giúp cho những người có nhu cầu mua ở trở nên cởi mở hơn với bất động sản vùng ven.

Ăn theo hạ tầng: Hãy cẩn trọng

Chủ tịch DKRA Việt Nam, ông Phạm Luân cho rằng những khu vực lân cận, khu vực vùng ven thành phố đang được đầu tư xây dựng kết nối hạ tầng giao thông tốt, nên cầu mua còn ổn định.

Tuy nhiên, cần cẩn trọng nếu xem những kế hoạch xây dựng hạ tầng là yếu tố cốt lõi để chọn dự án bất động sản đầu tư.

Ông Sử Ngọc Khương cho rằng nếu chỉ tập trung vào câu chuyện hạ tầng kỹ thuật như cầu đường thì chưa đủ để thu hút người dân về sinh sống.

Giá trị bất động sản còn cần sự phát triển song song của của cơ sở hạ tầng xã hội như trường học bệnh viện, hay các hạ tầng về kinh tế...

Bên cạnh đó, việc xây dựng cơ sở hạ tầng cũng cần có thời gian. Ví dụ như dự án sân bay Long Thành, dù tiềm năng là có thật, nhưng việc xây dựng và hoàn thiện cũng cần diễn ra trong khoảng thời gian dài.

Điều đó có nghĩa là nhà đầu tư cần có cái nhìn dài hạn nếu muốn mua bất động sản “ăn theo” các dự án lớn.

Khó khăn pháp lý bủa vây

Điểm nghẽn lớn nhất của thị trường bất động sản hiện tại vẫn đang là những câu chuyện pháp lý.

Tại TP.HCM, nguồn cung và số lượng giao dịch nhà đất đều sụt giảm rõ rệt. Theo số liệu Sở Xây dựng TP.HCM trong 9 tháng đầu năm 2019, chỉ có 1 dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư.

Tuy nhiên không chỉ tại khu trung tâm thành phố, bất động sản vùng ven, vùng lân cận cũng đứng trước nhiều vướng mắc.

Ông Phạm Luân cho hay: “Rà soát thủ tục đất đai đang diễn ra trên toàn quốc chứ không chỉ tại thành phố Hồ Chí Minh. Nên sự sụt giảm nguồn cung trên toàn thị trường đang là xu hướng chung chứ không riêng gì thành phố.”

Thanh tra Hồ Chí Minh mới đây cũng tuyên bố về vệc làm rõ việc quản lý đất, trật tự xây dựng tại huyện Bình Chánh trong 4 năm qua, khi mà tại huyện này có quá nhiều tình trạng sai phạm, trong đó là tình trạng phân lô bán nền đất nông nghiệp

Nhìn chung quỹ đất vùng ven vẫn mang đến nguồn cung bất động sản dồi dào. Tuy nhiên nguy cơ mua phải những lô đất bị làm giả sổ đỏ, đất chưa lên thổ cư, đất tranh chấp, hay những sản phẩm nằm trong dự án ma, dự án ảo... cũng là điều nhà đầu tư cần cân nhắc./.