Dòng tiền đã tìm về với cổ phiếu

VietTimes -- Trong 11 tháng kể từ tháng 12/2018 đến tháng 10/2019, đã có 277 tỷ USD rút khỏi các quỹ đầu tư cổ phiếu trên toàn cầu. Đi cùng với đó, các quỹ đầu tư trái phiếu cũng ghi nhận dòng vốn chảy vào khoảng 372 tỷ USD. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, dòng vốn đầu tư toàn cầu đã bắt đầu có dấu hiệu quay lại với kênh cổ phiếu. 
Dòng vốn đầu tư toàn cầu đang quay trở lại với kênh cổ phiếu (Nguồn: Internet)
Dòng vốn đầu tư toàn cầu đang quay trở lại với kênh cổ phiếu (Nguồn: Internet)

Các chuyên gia phân tích của Công ty chứng khoán SSI (SSI Research) vừa công bố báo cáo về lưu chuyển dòng vốn toàn cầu tháng 11/2019.

Sự dịch chuyển dòng vốn đầu tư khỏi thị trường cổ phiếu bắt đầu từ tháng 12/2018. Kể từ khoảng thời gian này đến tháng 10/2019 đã có 277 tỷ USD rút khỏi các quỹ đầu tư trái phiếu toàn cầu. Đây là đợt rút vốn mạnh nhất và kéo dài nhất của cổ phiếu trong 4 năm trở lại đây.

SSI Research nhận định đợt dịch chuyển dòng vốn đầu tư này có mối lên hệ chặt chẽ với sự ảm của triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu, đi kèm với đó là sự leo thang xung đột thương mại Mỹ - Trung.

Tâm lý e ngại rủi ro đã khiến dòng tiền tìm đến những kênh trú ẩn an toàn là trái phiếu, vàng và đồng tiền phòng vệ. Những tài sản này cũng đã ghi nhận mức tăng giá mạnh trong thời gian qua. Cụ thể với vàng, chỉ trong 3 tháng 6, 7 và 8, giá vàng đã tăng trên 20%.

Đến tháng 10/2019, thị trường toàn cầu đặc biệt là Mỹ đã phát ra những tín hiệu lạc qua hơn. FED cắt giảm lãi suất lần 3, đã tạo động lực cho dòng tiền chảy về kênh chứng khoán. Chỉ số S&P 500 và Dow Jones của Mỹ cũng tăng lần lượt 23,4% và 19,1% so với hồi đầu năm.

Chính sách nới lỏng tiền tệ không chỉ diễn ra ở Mỹ mà còn lan rộng trên toàn cầu. Từ đầu năm tới nay đã có hơn 139 đợt cắt giảm lãi suất của các Ngân hàng Trung ương (NHTW), trong đó một số ngân hàng cắt giảm tới 3-4 lần. Cụ thể lãi suất tại Nhật đang duy trì ở mức -0,1%, EU 0%, Anh 0,75%. Lãi suất tại một số quốc gia như Hàn Quốc, Thái Lan đang ở mức thấp kỷ lục trong lịch sử.  

Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PboC) cũng đã có động thái giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc liên tục 6 lần từ tháng 4/2018 đồng thời thay đổi cơ chế để tăng hiệu lực điều hành lãi suất, bơm mạnh tiền qua công cụ cho vay trung hạn (MLF) và giảm lãi suất MLF.

Trong bối cảnh đó, những kênh đầu tư khác như Trái phiếu Chính phủ và Ngoại hối lại trở nên kém hấp dẫn hơn. Đối với kênh Trái phiếu Chính phủ, việc các nhà đầu tư tránh rủi ro bằng cách tìm đến kênh này cũng đã khiến lợi tức sụt giảm rất sâu trong năm 2019 và đang ở vùng thấp nhất lịch sử. Dư địa tăng giá của TPCP đã giảm đi đáng kể. Do đã tăng giá mạnh và không gian nới lỏng tiền tệ của các NHTW lớn không còn nhiều, thị trường đã bắt đầu nói đến nỗi lo bong bóng trên thị trường trái phiếu.

Thị trường ngoại hối đang chịu áp lực từ quá nhiều biến động khó lường của chiến tranh thương mại, Brexit, các diễn biến địa chính trị… Trong bối cảnh đó, cổ phiếu nổi lên là kênh đầu tư có tiềm năng trong các kênh đầu tư truyền thống.

Lần đầu tiên kể từ đầu năm đến nay, dòng vốn đổ vào cổ phiếu dương trong 3 tuần liên tục (Nguồn: SSI)
Lần đầu tiên kể từ đầu năm đến nay, dòng vốn đổ vào cổ phiếu dương trong 3 tuần liên tục (Nguồn: SSI)

Thận trọng với sự đảo chiều

Thời kỳ vốn rẻ tràn lan trên toàn cầu đã thúc đẩy các nhà đầu tư quay trở lại với cổ phiếu. Trong đó, cổ phiếu ở các thị trường mới nổi có mối liên hệ rõ ràng hơn với dòng vốn của các quỹ đầu tư so với các thị trường phát triển. Chỉ số MSCI của thị trường mới nổi đã có lúc tăng hơn 4% trong 3 tuần qua, khi có khoảng 5.2 tỷ USD chảy vào cổ phiếu của thị trường này.

Tuy nhiên, dòng vốn tăng thêm lại tập trung nhiều vào các quỹ đầu tư toàn cầu, và phần nhiều được đổ vào thị trường thông các ETF nên dòng vốn vào nhanh nhưng cũng có thể ra nhanh.

SSI nhận định dòng tiền quay lại với kênh cổ phiếu có nhiều mối liên hệ với bức tranh thương mại Mỹ và Trung Quốc. Hiện tại, mối quan hệ của hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã bắt đầu có những diễn biến khởi sắc. Tuy nhiên, nếu căng thẳng thương mại giữa hai quốc gia này có những biến động bất ngờ, rất có thể dòng vốn đầu tư sẽ tiếp tục đảo chiều.

Riêng với Trung Quốc, dòng vốn đầu tư trở về nước để hỗ trợ nền kinh tế từ nửa cuối 2018 đã bắt đầu suy giảm. Có vẻ như các nguồn vốn đầu tư mà Bắc Kinh có thể chi phối đã chạm giới hạn trong khi những diễn biến ảm đạm của kinh tế trong nước đã khiến dòng vốn rời bỏ Trung Quốc gia tăng. Theo dữ liệu của EPFR, dòng vốn rút khỏi các quỹ đầu tư cổ phiếu của Trung Quốc là khoảng 10 tỷ USD./.