Đầu năm “bốc hơi” 2 tỷ USD: Điềm báo gì cho kinh doanh 2016

Trong tuần giao dịch đầu tiên, chứng khoán Việt Nam đỏ lửa. Cùng với cú rớt trên 5%, khoảng 2 tỷ USD đã bốc hơi chỉ trong vài ngày giao dịch đầu năm mới. Toàn bộ số điểm tăng trong năm 2015 gần như đã bị xóa sạch. TTCK rớt về ngưỡng cuối năm 2014.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Đầu năm bốc hơi tỷ đô

Trái ngược với kỳ vọng tăng điểm như trước đó, TTCK chứng kiến một khởi đầu không mấy tươi sáng trong những ngày đầu năm mới 2016.

Trong tuần giao dịch đầu tiên, chứng khoán Việt Nam đỏ lửa. Hầu hết các cổ phiếu vốn hóa lớn giảm giá khiến chỉ số VN-Index trượt mạnh từ mức 579 điểm cuối năm trước xuống dưới 560 điểm.

Cùng với cú rớt trên 5%, khoảng 2 tỷ USD đã bốc hơi chỉ trong vài ngày giao dịch đầu năm mới. Toàn bộ số điểm tăng trong năm 2015 gần như đã bị xóa sạch. TTCK rớt về ngưỡng cuối năm 2014.

Một điểm đáng lo ngại là khối ngoại bán ròng rã ở nhiều mã cổ phiếu trong đó có các mã lớn vốn một thời gian dài được NĐT ngoại quan tâm như HAG, MSN, VIC, ITA, HPG… Chưa có dấu hiệu nào cho thấy khối ngoại tăng mua cổ phiếu trên TTCK cho dù chính các tổ chức nước ngoài đưa ra dự báo tốt về kinh tế VN.

Đầu năm “bốc hơi” 2 tỷ USD: Điềm báo gì cho kinh doanh 2016 ảnh 1
Thị trường tiền tệ đang "làm thay" vai trò của thị trường vốn.

Diễn biến của TTCK trong những ngày đầu năm mới trái chiều với những dự báo khá tươi sáng về nền kinh tế. Trên Channel News Asia, các chuyên gia cho rằng, trong năm 2016, kinh tế VN còn phát triển mạnh hơn trong năm “thành công” trước đó. Lạm phát thấp nhưng tiêu dùng tích cực. Lạm phát thấp sẽ giúp duy trì lãi suất ở mức thấp, giảm áp lực tăng lương và giúp tạo ra một môi trường kinh tế ổn định.

Trên Bloomberg, các chuyên gia còn cho rằng,  GDP Việt Nam sẽ tăng cao thứ 2 thế giới năm 2016, ở mức 6,6%, chỉ xếp sau Ấn Độ. HSBC cũng cho rằng, VN sẽ còn tăng trưởng mạnh trong năm 2016. Ngân hàng Thế giới (WB) cũng đưa ra một con số tăng trưởng GDP tương tự, 6,6% trong năm 2016.

Tuy nhiên, dự cảm về TTCK không được như vậy. Giám đốc khối kinh doanh của một CTCK cho rằng, TTCK 2016 sẽ có nhiều thăng trầm. Và có một nghịch lý là: TTCK không theo kịp nhịp đập của kinh tế.

“Cơ chế trên TTCK thực thi quá chậm. Để TTCK thực sự là kênh huy động vốn thì cơ chế cần phải theo kịp nhịp đập thị trường và nền kinh tế. Dù đã trải qua một thời kỳ phát triển khá dài, lên tới gần 2 thập kỷ, nhưng quy mô thị trường vẫn khá khiêm tốn. Sức hấp dẫn trên thị trường vẫn thấp. Trong khi đó, nhiều TTCK đi sau chúng ta như Lào, Campuchia đã có những thay đổi mang tính đột phá về cơ chế”, đại diện CTCK nói chia sẻ.

Năm 2015, TTCK khép lại với một kịch bản không như mong đợi của nhiều NĐT. Trong năm 2016, một số chuyên gia lạc quan cho rằng, VN-Index có thể tăng 10%. Ngược lại, nhiều người lo ngại thị trường sẽ tiếp tục ảm đạm. Dòng vốn vào thị trường vẫn eo hẹp. Khối ngoại có thể sẽ rút vốn trong bối cảnh giao dịch ảm đạm và đồng USD vẫn đứng trước khả năng tăng giá mạnh.

Ì ạch thị trường vốn

Thị trường vốn, trong đó có TTCK tập trung và thị trường trái phiếu (TTTP) đã có những bước tiến đáng kể. Quy mô vốn đã tăng ngành lần kể từ khi sàn chứng khoán tập trung đi vào hoạt động năm 2000. Vốn hóa TTCK 2015 đạt 1.325 ngàn tỷ đồng, tương đương 34% GDP.  Trong năm 2015, 283 ngàn tỷ đồng được huy động qua phát hành cổ phiếu và cổ phần hóa (bao gồm cả phát hành riêng lẻ) và huy động TPCP (232 ngàn tỷ đồng).

Đầu năm “bốc hơi” 2 tỷ USD: Điềm báo gì cho kinh doanh 2016 ảnh 2
Thị trường trái phiếu cũng dựa chủ yếu vào dòng tiền từ hệ thống ngân hàng.

Tuy nhiên, đó là so với sự phát triển của riêng TTCK VN.  Còn so với khu vực, đóng góp của TTCK với vai trò kênh huy động vốn cho nền kinh tế có lẽ còn khá khiêm tốn.

Tỷ trọng vốn hóa TTCK so với GDP rất thấp nếu so với hầu hết các nước trong khu vực. Lào và Campuchia dù mới đưa vào vận hành TTCK nhưng họ đã có những đột phá về cơ chế cho sự phát triển của TTCK. Họ đã có các sản phẩm dịch vụ nhanh nhạy đáp ứng yêu cầu của thị trường như T0 hay các sản phẩm phái sinh. Trong khi đó, TTCK VN mới vừa áp dụng T+2.

Hơn thế, huy động vốn qua phát hành cổ phiếu và cổ phần hóa đứng ở mức thấp. Huy động TPCP ở mức cao hơn nhưng sự đóng góp của khối NH lại rất lớn.

Tính thanh khoản trên TTCK VN cũng là điều đáng bàn. Giá trị giao dịch trên TTCK tập trung của VN ở mức thấp hơn nhiều so với khu vực và quy mô nền kinh tế. Những phiên thanh khoản đột biến cũng chỉ lên tới khoảng 5-7 ngàn tỷ đồng (khoảng 200-300 triệu USD), chỉ bằng khoảng 20-25% so với giá trị giao dịch trên TTCK Thái Lan, trong khi GDP của Thái chỉ gấp khoảng 2,5 lần VN.

Gần đây, trên một số kênh tài chính quốc tế, nhiều NĐT cho rằng, TTCK đang chuyển dịch từ thị trường biên sang thị trường mới nổi. Tuy nhiên, dường như, đây vẫn chỉ là dự báo. Tính thanh khoản thấp và sự thận trọng của các NĐT nước ngoài cho thấy, TTCK VN vẫn chưa có những bước chuyển mình đáng kể.

Gần đây, các cơ quan chức năng đã đưa vào một số chính sách mới để thúc đẩy thị trường như: Thông tư 203 về giao dịch, chứng khoán phái sinh… Tuy nhiên, giao dịch nhìn chung vẫn khá èo uột. Trong phiên 12/1, giá trị giao dịch trên sàn TP.HCM chỉ đạt hơn 1,5 ngàn tỷ, trong khi đó, sàn Hà Nội có chưa tới 450 tỷ giá trị cổ phiếu được chuyển nhượng.

Giới đầu tư vẫn e ngại về một TTCK không phản ứng nhanh nhạy như hàn thử biểu của một nền kinh tế. Vấn đề chất lượng “hàng hóa” trên thị trường cũng như chất lượng công bố thông tin thấp như các trường hợp JVC, OGC gần đây… cũng khiến nhiều người lo ngại.

Giới đầu tư vẫn kỳ vọng vào các giải pháp mà UBCK đưa ra như: nâng cao chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm; kích cầu, khơi thông dòng vốn; thúc đẩy tái cấu trúc tổ chức kinh doanh chứng khoán; hiện đại hóa cấu trúc tổ chức thị trường và dịch vụ hỗ trợ; hoàn thiện khung pháp lý, thể chế chính sách.

Theo VNN